Giới chức Mỹ và Trung Quốc cuối tuần trước thông báo đã đạt được thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" nhằm tiến tới chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dai dẳng hơn 1 năm qua. Quan chức Mỹ cho biết, theo thỏa thuận này, Trung Quốc cam kết sẽ mua 40-50 tỷ USD nông sản của Mỹ trong 2 năm tới, gấp đôi so với trước khi thương chiến nổ ra. Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định đây là tín hiệu tốt với thị trường.
“Tôi rất hoài nghi. Họ sẽ thực hiện cam kết đó như thế nào”, Joseph Glauber, cựu kinh tế trưởng tại Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhận định.
Đến nay Bắc Kinh vẫn chưa chính thức xác nhận kế hoạch cụ thể về nhập khẩu nông sản của Washington. Đó là chưa kể đến việc, Trung Quốc mới đây nhấn mạnh sẽ mua nông sản của Mỹ căn cứ vào tình hình thị trường. Trung Quốc chắc chắn không muốn gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong nước với việc để hàng hóa của Mỹ tràn ngập thị trường.
Bloomberg dẫn một nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc đang nghiên cứu liệu có thể thực hiện cam kết mua 50 tỷ USD nông sản Mỹ mà không phải trả giá cao hơn không. Ví dụ, Trung Quốc sẽ không mua nông sản Mỹ chỉ để hoàn thành cam kết nếu giá từ các nhà cung cấp khác như Brazil mềm hơn.
Bài toán đậu tương
Tại một cuộc họp báo hôm 13/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, tổng giá trị nhập khẩu hàng nông sản của nước này năm 2018 là 137,1 tỷ USD, trong đó nông sản Mỹ chiếm hơn 16 tỷ USD.
Trong giai đoạn từ năm 2015-2017, Trung Quốc nhập khẩu nông sản Mỹ trung bình khoảng 24 tỷ USD/năm. Con số này đạt kỷ lục năm 2012 cũng chỉ xấp xỉ 26 tỷ USD. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Mỹ đạt 138 tỷ USD, trong đó 19,5 tỷ USD xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó, theo một số dữ liệu, giá trị xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc năm 2017 đạt 24 tỷ USD, bao gồm cả các sản phẩm như cá và thậm chí lâm sản.
Đậu tương là nông sản chính mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ và được dùng chủ yếu cho chăn nuôi lợn.
Trong khoảng 10 năm trước khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc là từ đậu tương. Tổng kim ngạch xuất khẩu đậu tương của Mỹ cho tất cả thị trường năm 2017 chỉ đạt 21,5 tỷ USD. Như vậy, nếu Trung Quốc không tăng đáng kể nhập khẩu mặt hàng này thì cam kết mua 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ trong 2 năm của Bắc Kinh khó khả thi.
Thực tế, nhu cầu đậu tương của Trung Quốc có xu hướng giảm trong những năm gần đây do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến quy mô đàn lợn của Trung Quốc giảm mạnh.
Mặt khác, nếu Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu đậu tương của Mỹ, điều này có thể tác động đến mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Brazil - một đối tác lớn cung cấp nông sản cho Bắc Kinh. Theo chuyên gia Glauber, nó có thể kéo theo “căng thẳng thương mại nghiêm trọng” giữa Trung Quốc và Brazil. Đó là chưa kể đến việc thị trường đậu tương của Mỹ cũng bị ảnh hưởng đột ngột.
Thịt lợn hay thiết bị nông nghiệp?
Nếu thay vì nhập khẩu đậu tương, Trung Quốc có thể tăng nhập khẩu thịt lợn, thịt bò, gia cầm của Mỹ. Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, Trung Quốc đã nhập khẩu lượng thịt lợn kỷ lục từ Mỹ và lượng nhập khẩu này được dự báo tiếp tục tăng vào năm sau.
Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu thịt lợn đó cũng khó lòng giúp Trung Quốc đạt mục tiêu cam kết 40-50 tỷ USD. Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm cho tất cả các thị trường đạt 19 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 4%. Mỹ xuất khẩu 6,4 tỷ USD thịt lợn ra thị trường nước ngoài vào năm 2018. Mỹ chỉ cần xuất khẩu thêm 3,2 tỷ USD thịt lợn nữa cũng có thể khiến giá thịt lợn nội địa tăng mạnh.
Một giả thuyết nữa được đưa ra là Trung Quốc có thể đẩy mạnh mua thiết bị nông nghiệp từ Mỹ, song thực tế cho thấy giả thuyết này cũng không khả thi. Theo số liệu của Tổ chức giám sát kinh tế, máy kéo là mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất cho Mỹ trong số các thiết bị nông nghiệp. Tổng kim ngạch xuất khẩu máy kéo của Mỹ năm 2017 đạt 4,6 tỷ US. Trong khi đó, năm 2017, Trung Quốc chỉ chi 107 triệu USD để mua máy kéo, máy gặt của Mỹ.
Minh Phương
Theo Bloomberg, Reuters
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn