Tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên bất ngờ họp mặt
Chỉ riêng trong tháng 5, thế giới đã có cơ hội chứng kiến hàng loạt khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử khi Triều Tiên đồng ý thả 3 công dân Mỹ bị bắt giữ, Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore vào tháng 6 và các nhà lãnh đạo Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản nhóm họp tại Tokyo để bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tất cả những sự kiện này đều gắn với vai trò của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - nhà lãnh đạo đóng vai trò trung gian kết nối, đưa các bên xích lại gần nhau sau một thời gian dài căng thẳng.
Tổng thống Moon Jae-in đã phải “vận động hành lang” rất vất vả để cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể diễn ra theo đúng dự kiến. Thậm chí ngay cả khi thượng đỉnh Mỹ - Triều có nguy cơ đổ vỡ sau tuyên bố hủy họp của Tổng thống Trump hồi tuần trước, ông Moon vẫn quyết tâm không bỏ cuộc. Ông Moon đã tổ chức cuộc gặp bất ngờ với ông Kim Jong-un vào ngày 26/5 tại khu phi quân sự liên Triều với nỗ lực làm sống lại cơ hội diễn ra hội nghị thượng đỉnh tưởng chừng không còn hy vọng.
Câu chuyện Tổng thống Moon Jae-in tìm cách đưa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới một cuộc gặp chưa từng có tiền lệ, đồng thời kéo Mỹ và Triều Tiên ra khỏi bờ vực chiến tranh, được cho là bắt đầu từ khi Hàn Quốc đăng cai Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, trên thực tế, những nỗ lực không mệt mỏi của Tổng thống Moon Jae-in đã được manh nha từ rất lâu trước đó.
Nỗ lực từ khi nhậm chức
Là người con gốc Triều Tiên và từng giữ chức Chánh Văn phòng Tổng thống dưới thời cố Tổng thống Roh Moo Hyun, ông Moon Jae-in lên nhậm chức tổng thống Hàn Quốc với mong muốn cải thiện mối quan hệ hữu nghị với Triều Tiên. Ông Moon quyết tâm không lặp lại những sai lầm của chính quyền Roh - nhà lãnh đạo từng chủ trương công khai đối đầu với Mỹ và tổ chức hội nghị thượng đỉnh với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il khi đang ở những ngày tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, khiến cả hai bên không còn nhiều thời gian để thực thi kết quả của hội nghị.
Khi mới nhận nhiệm sở năm 2017, Tổng thống Moon tỏ ra khá rụt rè. Trước khi ông đặt chân tới Nhà Xanh, quan hệ Mỹ và Triều Tiên đang ở trong giai đoạn cao trào căng thẳng khi chính quyền Trump điều tàu sân bay tới gần bán đảo Triều Tiên và hai bên liên tục đưa ra những lời cảnh báo chiến tranh. Mỹ khi đó tập trung vào việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và gây sức ép ngoại giao với Triều Tiên để đáp trả các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Tất nhiên, là một đồng minh của Mỹ, chính quyền Moon Jae-in cũng bị lôi kéo vào chiến dịch “gây sức ép tối đa” với Bình Nhưỡng.
“Một số cấp dưới của ông ấy năm ngoái từng nói rằng, vì sức ép và các lệnh trừng phạt của Tổng thống Trump nên tình trạng hòa dịu giữa Triều Tiên và Hàn Quốc rơi vào bế tắc. Do vậy, chúng ta phải phớt lờ ông Trump. Nhưng Tổng thống Moon không nghe theo họ. Ông ấy nói rằng: “Điều đó không đúng. Chúng ta phải bám chặt vào liên minh Mỹ - Hàn, từ đó bảo đảm cho mối quan hệ hòa dịu liên Triều”, Kim Hyung Wook, giáo sư tại Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, cho biết.
Trong bối cảnh Triều Tiên và Mỹ liên tục ở trong trạng thái căng thẳng khi Washington muốn sử dụng các biện pháp mạnh tay còn Bình Nhưỡng không từ bỏ tham vọng chế tạo tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân bắn tới lục địa Mỹ, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố rằng: “Vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên, chính chúng ta sẽ là những người ngồi vào vị trí của người chèo lái”.
Lộ trình kéo dài
Kế hoạch của Tổng thống Moon Jae-in là khởi động một tiến trình kéo dài, trong đó lấy việc trao đổi kinh tế và các hình thức hợp tác khác làm nền tảng, từ đó mở cửa cho Hàn Quốc và Triều Tiên cùng tồn tại hòa bình trước khi thống nhất hai quốc gia chủ quyền, thậm chí có thể hợp nhất thành một quốc gia nếu mọi việc diễn ra thuận lợi. Tổng thống Moon đã vạch ra lộ trình cho kế hoạch này trong bài phát biểu tại Berlin, Đức hồi tháng 7/2017. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc hy vọng mô hình thống nhất Đông Đức và Tây Đức sẽ lặp lại trên bán đảo Triều Tiên - “quốc gia chia tách cuối cùng còn sót lại trên hành tinh”.
Tuy vậy, việc Triều Tiên lần đầu tiên phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công Mỹ trong vài tháng sau đó đã khiến quan hệ Mỹ - Triều leo thang căng thẳng. Trong suốt mùa hè và mùa thu năm 2017, Triều Tiên đã thử nghiệm hàng loạt tên lửa tầm xa cũng như quả bom hạt nhân mạnh chưa từng có khiến Tổng thống Trump nổi giận, dọa trút “lửa và thịnh nộ” xuống Triều Tiên. Điều này khiến nhà lãnh đạo Hàn Quốc không khỏi lo ngại.
Trong một thông điệp gửi tới chính quyền Trump vào tháng 8/2017, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố không quốc gia nào được phép triển khai hành động quân sự nhằm vào Triều Tiên khi chưa có sự đồng ý của Hàn Quốc. Ông Moon khẳng định “chiến tranh không bao giờ được phép nổ ra một lần nữa trên bán đảo Triều Tiên”. Ngay cả khi Triều Tiên tuyên bố sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân trên không ở Thái Bình Dương và một số nguồn tin nói rằng Mỹ đã chuẩn bị sẵn phương án quân sự tấn công Triều Tiên, Tổng thống Moon vẫn không xa rời vị trí của người lèo lái ở phía sau hậu trường.
Một quan chức cấp cao Hàn Quốc cho biết chính quyền Moon vẫn “gửi thông điệp nhất quán tới Triều Tiên rằng Hàn Quốc luôn mở cửa đối thoại vào bất kỳ thời điểm nào và ở bất kỳ nơi nào”. Ông Moon Jae-in ngay từ đầu đã muốn tận dụng Thế vận hội mùa Đông như một cơ hội để bắt đầu đối thoại với Triều Tiên, song Bình Nhưỡng khi đó chưa có động thái phản hồi. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Hàn Quốc vẫn một mình theo đuổi chiến dịch kéo dài suốt nhiều tháng với Ủy ban Olympic Quốc tế để thuyết phục Triều Tiên cử vận động viên tham dự sự kiện thể thao này.
Tín hiệu tích cực
Sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un bất ngờ đưa ra đề xuất cử đoàn vận động viên Triều Tiên tới Hàn Quốc dự Thế vận hội trong bài phát biểu mừng năm mới 2018, chính quyền Moon Jae-in ngay lập tức bắt tay vào hành động. Ông Moon Jae-in đã đề xuất các cuộc hội đàm cấp cao với Triều Tiên và bắt đầu làm việc với chính quyền Trump dù khi đó Mỹ vẫn chưa mở lòng với Bình Nhưỡng. Những tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện khi Tổng thống Trump thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc đối thoại liên Triều và đồng ý với đề xuất của Tổng thống Moon về việc dừng các cuộc tập trận chung thời gian diễn ra Thế vận hội để tránh chọc giận Bình Nhưỡng.
Tổng thống Moon đóng vai trò như “chất xúc tác” thúc đẩy các bên thoát khỏi tình trạng bế tắc trong vấn đề hạt nhân. Theo chuyên gia John Delury tại Đại học Yonsei ở Seoul, ông Moon Jae-in “đọc vị” chính xác rằng Tổng thống Trump không muốn chiến tranh xảy ra dù ngoài miệng có thể tuyên bố cứng rắn. “Ông Moon đã giúp tạo ra những điều mà ông Trump thực sự muốn”, chuyên gia Delury nhận định.
Theo ông Chung In Moon, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Moon Jae-in về quan hệ đối ngoại và an ninh quốc gia, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã cho thấy vai trò là một “người dàn xếp xuất sắc” giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump khi tạo điều kiện cho các phái đoàn cấp cao Mỹ và Triều Tiên cùng tới Hàn Quốc dự Thế vận hội.
Sau Thế vận hội, hàng loạt động thái ngoại giao đã diễn ra: Phó Tổng thống Mỹ tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên, các quan chức Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng và Washington, mang theo lời nhắn rằng ông Kim Jong-un sẵn sàng dừng các vụ thử hạt nhân, tên lửa và thảo luận về việc phi hạt nhân hóa. Tiếp đó, Tổng thống Trump nhận lời gặp mặt ông Kim Jong-un, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặt chân sang lãnh thổ Hàn Quốc trong cuộc gặp với Tổng thống Moon Jae-in, hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều đưa ra tuyên bố chung hứa hẹn chấm dứt chiến tranh và ký hiệp ước hòa bình… Trong vài tuần tới, nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra theo đúng kế hoạch, thì đó có thể coi là một trong những thắng lợi lớn nhất của Tổng thống Moon Jae-in.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn