Gautam thức dậy lúc 5 giờ sáng ngày 5/6 với những cơn đau chuyển dạ dữ dội. Chồng cô, Bijendra Singh, thận trọng đặt vợ lên phía sau xe và chở cô tới một bệnh viện. Gautam đau đớn và mệt mỏi tới mức không thể thở, nhưng không một bệnh viện nào nhận cô.
“Vì sao các bác sĩ không nhận cho em nhập viện? Vấn đề là gì vậy? Em chết mất”, Gautam tuyệt vọng nói với chồng.
Trong bối cảnh Covid-19 đang lây lan khắp Ấn Độ, quốc gia này đang chứng kiến số lượng ca nhiễm mới mỗi ngày tăng vọt. Số người chết vì dịch ở Ấn Độ đã vượt mốc 13.000. Một thống kê gần đây cho thấy nhiều người đã chết trên đường phố hoặc trên xe cứu thương cũng như qua đời sau khi bị bệnh viện từ chối điều trị.
“Hiện không chỉ bệnh nhân Covid-19 có rất ít hoặc không có cơ hội nhập viện để được điều trị, các bệnh nhân có nhu cầu chăm sóc tích cực khác cũng chịu cảnh như vậy”, một cảnh báo của Đại sứ quán Đức ở New Delhi viết.
Ấn Độ hiện là điểm nóng Covid-19 đáng báo động trên thế giới, với số ca mắc mới tăng nhanh mỗi ngày. Cho tới nay, nước này đã ghi nhận gần 427.000 ca Covid-19, cao thứ 4 thế giới sau Mỹ, Brazil và Nga.
Sau khi xem các đoạn video ghi lại cảnh thi thể nằm ở hành làng bệnh viện, các bệnh nhân khóc lóc vì bị từ chối điều trị, một nhóm thẩm phán ở Tòa Tối cao Ấn Độ kết luận rằng: “Tình hình ở Delhi là khủng khiếp, đáng sợ và thảm thương”.
Cặp đôi Singh và Gautam là một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ với tổng thu nhập khoảng 8.000 USD/năm. Họ sống ở Noida, thành phố vệ tinh của New Delhi.
Khi Gautam mang thai đến tháng thứ 9, cô gặp vấn đề về sức khỏe và nhập viện trong 5 ngày từ cuối tháng 5 tới đầu tháng 6. Cô bị cao huyết áp, chảy máu và có khả năng mắc thương hàn. Ngày 5/6, Gautam bắt đầu chuyển dạ và được điều trị ở bệnh viện ESIC tại Noida.
Gautam xin được thở ôxy và bệnh viện có cả dưỡng khí lẫn máy thở. Tuy nhiên, vị bác sĩ trên đã từ chối cô và yêu cầu Gautam đi tới một bệnh viện khác ở phía bên kia thành phố để sinh con.
Tại bệnh thứ 2, một bác sĩ nói với Gautam cô phải nằm phòng chăm sóc tích cực và bệnh viện không thể cung cấp dịch vụ này vào thời điểm dịch bệnh.
Trước dịch Covid-19, Ấn Độ đã đối mặt với tình trạng các bệnh viện thiếu thốn trang thiết bị. Khi dịch bùng phát, chỉ riêng New Delhi đã thiếu hàng nghìn gường bệnh. Chính phủ phải biến các toa tàu hỏa, hội trường tiệc cưới thành bệnh viện dã chiến.
Một số bệnh viện tư Ấn Độ không dám nhận bệnh nhân có vấn đề về hô hấp vì họ không muốn đối mặt với rủi ro bị đóng cửa - điều đã từng xảy ra với các phòng khám tư khi một trong các bệnh nhân của họ dương tính với Covid-19.
Bệnh viện thứ 3 mà Gautam tới là Shivalik. Họ cho sản phụ này thở ôxy, nhưng lo ngại Gautam mắc Covid-19 với Singh. Họ dừng điều trị và yêu cầu cô rời đi.
“Chúng tôi chỉ là một bệnh viện mẹ và bé quy mô nhỏ. Chúng tôi đã làm những gì chúng tôi có thể”, giám đốc của bệnh viện trên nói.
Gautam lúc này đã lịm dần đi. Cô không thể nói nên lời và bắt đầu đổ mồ hôi. Cô vịn vào tay chồng.
“Không phải là các bác sĩ không giúp được cô ấy mà là họ không muốn giúp. Họ không quan tâm cô ấy sống hay chết”, Singh bức xúc nói.
Tới bệnh viện thứ 4, Gautam tiếp tục bị từ chối vì đã không còn giường cho người phụ nữ này.
Họ tiếp tục đi tới 3 bệnh viện khác, nhưng đều không được nhập viện. Quá tuyệt vọng, Singh nhấc điện thoại gọi cảnh sát. Anh cho biết 2 sĩ quan đã nỗ lực thuyết phục Viện khoa học y tế nhận Gautam vào nhưng đều bị từ chối.
Sau đó, họ tiếp tục lên xe cứu thương tới bệnh viện Max Super Specialty ở Ghaziabad, cách đó vài chục km. Câu trả lời họ nhận được là tương tự như các cơ sở khác. Sau 8 giờ đau đớn, Gautam thay vì được đón chờ con ra đời với niềm háo hức, cô dần trở nên tuyệt vọng.
“Cứu em”, Gautam nhắm mắt, nói thều thào với chồng.
Hai người lại lên xe cứu thương quay trở lại Viện khoa học y tế. Singh khom lưng, dựa vào vợ, cầu xin cô không bỏ cuộc. Anh nhìn vào vợ. Cô với lên bám vào áo chồng. Tay cô ghì chặt vào chiếc áo.
Họ trở lại bệnh viện thứ 7 và Gautham tắt thở. Cổ cô gục xuống trong khi Singh nhảy từ xe cứu thương xuống, lấy một chiếc xe đẩy, đưa vợ vào vào phòng cấp cứu.
20h05, tức là sau 15 giờ đồng hồ và hành trình đi qua 8 bệnh viện, Gautam bị tuyên bố tử vong. Đứa con trong bụng cô chịu chung số phận.
Một cuộc điều tra sơ bộ của chính phủ cáo buộc các nhân viên hành chính của các bệnh viện đã phạm tội bất cẩn.
Tuy nhiên, Gautam không phải là sản phụ duy nhất bị chết khi trở dạ tại Ấn Độ vào lúc dịch bệnh hoành hành. Đã xảy ra những ca tương tự tại nước này.
Khi chính quyền đang xử lý vụ việc của Gautam, Singh ở nhà và trông con trai Rudraksh. Cậu muốn cha cất quần áo của mẹ đi vì “chúng gợi nhớ” tới Gautam. Vài ngày sau đó, ánh mắt Rudraksh đã trở nên buồn bã, không còn lấp lánh như ngày thường, cậu nói với cha rằng khi lớn lên cậu muốn làm bác sĩ, để “con có thể giúp người chết sống lại”.
Đức Hoàng
Theo New York Times
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn