Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ANC hôm 22/6, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jnr cáo buộc Trung Quốc đã có các hành động bồi đắp và vũ khí hóa bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.
Nằm cách đảo chính Luzon của Philippines 230 km về phía tây, bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) là khu vực tranh chấp giữa hai nước từ nhiều năm nay. Bắc Kinh đã chiếm giữ Scarborough từ năm 2012 và thường xuyên ngăn cản ngư dân Philippines tới gần ngư trường dồi dào này để đánh bắt, thậm chí sử dụng cả vòi rồng để xua đuổi.
Ông Locsin Jnr cho biết: "Một điều chắc chắn, họ đã xây dựng đường băng cho máy bay chiến đấu ở đây. Nó gần như là một tàu sân bay không thể đánh chìm nhưng người Mỹ đã nói rằng họ có thể xóa sổ nó 30 phút đầu nếu một cuộc xung đột diễn ra. Nhưng nó vẫn ở đó. Chúng tôi gọi đó là một nền tảng vũ khí. Và nó đã hoàn tất".
Ngoại trưởng Philippines cho biết, quyết định của Tổng thống Rodrigo Duterte hồi đầu tháng về việc ngừng hủy Hiệp ước các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ là nhằm giảm thiểu căng thẳng ở Biển Đông. Ông Locsin Jnr nói việc ông Duterte bất ngờ đảo ngược quyết định hủy VFA “không phật lòng bất cứ ai”.
Nhà ngoại giao Philippines cũng xác nhận các cuộc trao đổi về hợp tác thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc đã đình trệ, mặc dù biên bản ghi nhớ đã được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ký kết như “một hành động vói niềm tin tuyệt đối”.
“Đã có các cuộc trao đổi. Ở phía Bắc Kinh và ở phía Manila, các bên bàn bạc về sự hợp tác, các điều khoản. Tuy nhiên, tôi sẽ không tổ chức thêm một cuộc họp nào nữa”, ông Locsin Jnr cho hay.
Ngoại trưởng Philippines cũng bảo vệ Tổng thống Duterte trước những cáo buộc rằng ông đang nhượng bộ Trung Quốc khi tàu của Bắc Kinh nhiều lần đi vào vùng đặc quyền kinh tế Philippines.
Ông Locsin Jnr tiết lộ rằng Tổng thống Duterte đã vài lần nêu với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vụ việc trên nhưng “sự tiếp nhận rất lạnh nhạt”.
Tổng thống Duterte hồi tháng 2 đã tuyên bố hủy bỏ VFA, thỏa thuận ký từ hàng chục năm trước, cho phép hàng nghìn quân Mỹ tới Philippines thực hiện các cuộc tập trận quân sự và hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Dự kiến, việc hủy bỏ sẽ có hiệu lực từ tháng 8, nhưng ông Duterte đã thay đổi quyết định.
Ông Locsin Jnr cho rằng ông Duterte dường như cho rằng căng thẳng ở Biển Đông đang ngăn cản một nỗ lực thống nhất chống Covid-19 và diễn biến ở Biển Đông "không có lợi cho bên nào”.
Nhà ngoại giao Philippines cũng khẳng định việc Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông là quyền lợi quốc tế.
Năm ngoái, Tổng thống Duterte từng phát biểu rằng sẽ cân nhắc phớt lờ phán quyết của tòa quốc tế về Biển Đông để tham gia vào thỏa thuận khai thác năng lượng chung với Trung Quốc. Phe đối lập đã phản đối bình luận này, cho rằng việc Philippines tham gia vào bất cứ thỏa thuận nào đều không nên phải trả giá bằng việc làm mất đi quyền lợi của Manila tại Biển Đông.
Năm 2016, Philippines từng kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay, Hà Lan về các đòi hỏi chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh ở Biển Đông. PCA đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh đối với Biển Đông. Phán quyết này trong luật pháp quốc tế đã vô hiệu hóa yêu sách đơn phương của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” đối với hầu hết vùng biển bận rộn của thế giới.
Đức Hoàng
Theo SCMP
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn