Đó là các diễn biến sơ bộ về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại một số quốc gia ở châu Á.
Theo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), một đợt bùng phát Covid-19 mới tại Trung Quốc đã thổi bùng nỗi sợ hãi khắp thế giới về một làn sóng lây nhiễm thứ 2, đặc biệt tại những quốc gia đã thành công trong việc kiểm soát đại dịch và đang mở cửa dần nền kinh bị tổn hại nặng nề vì đại dịch.
Một số quốc gia châu Á vốn dỡ bỏ các giới hạn và nối lại các hoạt động kinh tế, trong đó có Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc, đều thông báo các cụm lây nhiễm mới trong tháng qua, dao động từ vài một chục đến vài chục ca mắc bệnh.
Phần lớn các đợt bùng phát mới xảy ra tại các thủ đô, một phần do dân số đông. Đợt bùng phát thứ 2 tại Trung Quốc xảy ra ở thủ đô Bắc Kinh, với ít nhất 184 ca nhiễm mới được thông báo kể từ tuần trước, khiến giới chức phải hủy hàng nghìn chuyến bay, cấm người dân ra khỏi thành phố và áp dụng lệnh phong tỏa từng khu vực.
Đối mặt với nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 2, các chuyên gia nhìn chung đều cho rằng các chính quyền địa phương dường như đã chuẩn bị tốt hơn để ứng phó sau kinh nghiệm thu được từ đợt bùng phát dịch bệnh ban đầu.
Chưa có vắc xin, cần cảnh giác cao độ
Tính tới ngày 21/6, thế giới đã ghi nhận trên 8,8 triệu ca mắc Covid-19 và 465.000 người tử vong. Các mắc mới và tử vong vẫn gia tăng trên thế giới với tốc độ chóng mặt mỗi ngày.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt trong việc duy trì sự cảnh giác và đảm bảo rằng các ổ dịch nhỏ nhanh chóng được kiểm soát để không bùng phát thành các ổ dịch lớn dẫn tới mất kiểm soát.
Paul Ananth Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Singapore, cho rằng các quốc gia và cộng đồng có nguy cơ nhất hứng chịu làn sóng thứ 2 là những khu vực đang xảy ra các vụ lây nhiễm trong cộng đồng, với con số thống kê hàng ngày lên tới hàng trăm hoặc hàng nghìn.
“Mặc dù có thể lập luận rằng đây vẫn là giai đoạn cuối của làn sóng thứ nhất, nhiều khả năng có các chuỗi lây nhiễm tại các quốc gia này, vốn chưa được chặn đứng”, chuyên gia trên nói.
Theo chuyên gia trên, các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm đang rất cao bao gồm Ấn Độ, vốn ghi nhận mức kỷ lục trong ngày 19/6 lên tới 13.586 ca, nâng tổng số ca mắc lên 380.532, cao thứ 4 thế giới sau Mỹ, Brazil và Nga. Số người chết vì dịch bệnh tại Ấn Độ hiện là 12.573 người.
Tại quốc gia láng giềng Pakistan, 136 người chết vì Covid-19 đã được thống kê trong ngày 19/6, nâng tổng số ca tử vong lên 3.229 và tổng số ca mắc là 165.062.
Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo đã đặt mục tiêu xét nghiệm 20.000 người mỗi ngày. Quốc gia Đông Nam Á đã ghi nhận 1.331 ca nhiễm mới trong ngày 18/6, mức cao chưa từng có kể từ khi đại dịch nổ ra, nâng tổng số ca mắc lên 42.762. Số người chết được ghi nhận là 2.339.
Đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy đại dịch đại dịch vẫn hiện hữu và các quốc gia từng vượt qua làn sóng thứ nhất giờ đây phải căng mình để đối phó với làn sóng thứ 2.
Hàn Quốc đã thông báo 49 ca mắc mới trong ngày 19/6, trong đó có 32 ca trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 12.306. Số ca mắc mới này giảm nhẹ so với 59 trường hợp một ngày trước đó, mức cao kỷ lục trong 3 tuần tại Hàn Quốc. Trong số các ca nhiễm trong cộng đồng, 26 trường hợp được phát hiện tại thủ đô Seoul đông dân cư và các vùng phụ cận.
Lee Hoan-jong, một giáo sư tại Bệnh viện Nhi Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng việc virus lây lan nhanh hơn và rộng hơn là không thể tránh khỏi, sau khi Hàn Quốc nới lỏng giãn cách xã hội khoảng 1 tháng trước.
“Làn sóng lây nhiễm thứ 2 có thể diễn ra bất kỳ lúc nào cho tới khi sẵn có vắc xin, hoặc 60% người dân nhiễm bệnh để có miễn dịch cộng đồng”, giáo sư Lee nói.
Sự lo lắng cũng là câu chuyện diễn ra tại Nhật Bản, nơi giới chức y tế cho biết có khả năng cao là một làn sóng lây nhiễm thứ 2 sẽ tấn công nước này.
Nguy cơ cao trong mùa đông tới
Giới chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo đại dịch Covid-19 còn lâu mới chấm dứt, chừng nào thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh. Các dự đoán cho thấy vắc xin Covid-19 sớm nhất cũng phải đầu năm tới mới sẵn sàng để đưa vào sử dụng.
Theo SCMP, giới chức tại Tokyo đã xác nhận 43 ca mắc Covid-19 mới trong ngày 18/6, đánh dấu lần thứ 3 trong tuần số ca mắc theo ngày vượt 40 trường hợp. Con số này nâng tổng số ca mắc tại Tokyo lên 5.674 ca.
Theo Kazuhiro Tateda, chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản và là một thành viên của ủy ban do chính phủ thiết lập nhằm chiến đấu với đại dịch, nhiều trong số các mắc gần đây tại Tokyo liên quan tới các quận có đời sống về đêm sôi động.
“Chúng ta biết rằng có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn trong những tháng mùa hè, điều đó cũng có nghĩa là có nguy cơ xảy ra làn sóng thứ 2… từ tháng 10 trở đi”, chuyên gia trên nói.
Để đề phòng làn sóng lây nhiễm thứ 2, giới chức đã đưa ra một loạt các hướng dẫn để các cửa hàng phục vụ đời sống về đêm tuân thủ. Tuy nhiên, bà Yoko Tsukamoto, một giáo sư về kiểm soát lây nhiễm tại Đại học khoa học y tế Hokkaido, cho rằng rất khó để các cửa hàng tuân thủ các quy định, trong bối cảnh các nhân viên cần tiếp xúc khách hàng để phục đồ uống hay châm thuốc lá.
“Thật phi thực tế khi kỳ vọng họ sẽ giữ khoảng cách 2 mét, vì vậy chính phủ phải nghiêm ngặt thực hiện những gì đã làm và đóng cửa các cửa hàng này”, bà nói.
Bà Yoko cho rằng giới chức có thể không có lựa chọn nào khác là phải tái áp dụng tình trạng khẩn cấp ở Tokyo nếu các mắc mới tăng lên 100 mỗi ngày.
Tình hình dường như cũng không khả quan tại Australia, nơi hàng chục ca mắc mới được ghi nhận trong tuần qua, phần lớn ở bang Victoria.
Ngày 18/6, Victoria đã ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất trong hơn 1 tháng qua, với 21 trường hợp, khiến Thủ hiến Daniel Andrews phải lên tiếng cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc. Thêm 13 trường hợp khác được ghi nhận tại Victoria trong ngày 19/6, nâng tổng số ca mắc tại bang này lên 1.792. Toàn Australia ghi nhận tổng cộng 7.409 ca mắc.
Bài học từ Mỹ
Michael Baker, giáo sư về y tế cộng đồng tại Đại học Otago ở Wellington (New Zealand), cho rằng khả năng xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 2 sẽ khác nhau, phụ thuộc vào chiến lược mà từng nước áp dụng.
“Ví dụ, New Zealand đã đi từ lệnh phong tỏa tới một quốc sạch virus một cách rất thận trọng, vì vậy không có trường hợp nào có thể làm bùng phát đợt lây nhiễm mới”, ông Baker nói. “Vài quốc gia khác tại châu Á cũng kiểm soát virus theo cách tương tự, vì vậy chúng ta sẽ không nhìn thấy nhiều ca mắc khi họ giảm bớt lệnh phong tỏa”.
Trái lại, tại Mỹ, một số bang nới lỏng lệnh phong tỏa đã chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng đột biến do vẫn có nhiều virus lây lan trong cộng đồng, làm bùng phát các đợt lây nhiễm mới, ông Baker nói.
Về những bài học mà châu Á có thể rút ra từ đợt bùng phát đầu tiên, ông Baker chỉ ra tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang, cũng như sự cần thiết phải xét nghiệm và duy dấu vết tiếp xúc.
Một điều cũng quan trọng, theo ông Baker là “nền khoa học tốt, sự lãnh đạo tốt và đối phó nhanh chóng với dịch bệnh. Cách thức ngăn chặn và kiểm soát lây nhiễm từ thời đại dịch Sars vẫn hiệu quả trong đại dịch Covid-19”.
Bắc Kinh, từng là một trong nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch Sars, đã thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn khi đối phó với đợt bùng phát thứ 2, như kiểm soát an ninh 24/24 tại các cộng đồng địa phương, đóng cửa trường học và khuyên người dân tăng cường giãn cách xã hội.
Ông Baker cho rằng nguy cơ các ca nhập khẩu gây các đợt bùng phát mới vẫn là mối đe dọa chính với Trung Quốc, nơi các biện pháp mạnh và nhanh là cần thiết nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Wu Zhiwei, giáo sư Trung tâm nghiên cứu y tế công cộng tại Trường Y thuộc đại học Nam Kinh, cho rằng mặc dù Bắc Kinh vẫn duy trì mức cảnh giác cao từ làn sóng lây nhiễm đầu tiên, số lượng dân thường xuyên thay đổi, tỷ lệ di chuyển cao và các kết nối thường xuyên với quốc tế có thể gây ra những thách thức rất rõ ràng đối với các nỗ lực phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.
Ở cấp độ quốc gia, Wu cho rằng mặc dù khả năng các ca mắc mới không cao nhưng Trung Quốc vẫn phải rất cảnh giác.
“Khi cuộc sống trở lại bình thường tại một số thành phố và các tiếp xúc giữa người với người gia tăng, khả năng xảy ra các cụm lây nhiễm quy mô nhỏ là rất có thể. Nếu các cụm này không được phát hiện nhanh chóng, điều này có thể dẫn tới các ca lây nhiễm lớn trong cộng đồng, thậm chí là khu vực”, SCMP dẫn lời giáo sư Wu.
Về những việc cần làm khi làn sóng thứ 2 xảy ra, chuyên gia Tambyah nói: “Mấu chốt là xác định nhanh chóng các nhiễm, xét nghiệm những người có nguy cơ, duy trì giám sát chặt chẽ. Một khi các ca lây nhiễm được xác định, cần truy dấu vết, cách ly nhanh chóng”.
An Bình
Tổng hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn