Đức: Châu Âu không chấp nhận "một thỏa thuận nửa vời" với Trung Quốc

Thứ bảy - 20/06/2020 19:21
(Dân trí) - Đại sứ Đức tại Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo Trung Quốc rằng khối sẽ không chấp nhận “một thỏa thuận đầu tư nửa vời” với Bắc Kinh, cáo buộc Trung Quốc không mở cửa thị trường tương xứng. >>
Đức: Châu Âu không chấp nhận

Đại sứ Đức tại EU Michael Clauss (Ảnh: SCMP)

Trong cuộc phỏng vấn với Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, ông Michael Clauss, người từng là Đại sứ Đức tại Bắc Kinh trước khi trở thành Đại sứ Đức tại EU vào năm 2018, đã miêu tả tiến trình các cuộc đàm phán về thỏa thuận nhằm bảo vệ các nhà đầu tư Đức tại Trung Quốc là “không mấy tiến triển”.

Trong bối cảnh Đức chuẩn bị đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu vào tháng tới, Đại sứ Clauss đã tỏ ra thận trọng về quan hệ EU - Trung Quốc và hoài nghi về bất kỳ nỗ lực nào nhằm chia rẽ quan điểm của EU về Bắc Kinh.

“Ngày nay, có sự đồng thuận ngày càng gia tăng giữa các quốc gia thành viên châu Âu về một chính sách chung, thống nhất đối với Trung Quốc”, ông nói.

Sân chơi bình đẳng cho các công ty châu Âu

EU và Trung Quốc đã khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận đầu tư 7 năm trước và mọi hi vọng ban đầu rằng có thể đạt được một thỏa thuận đã mờ dần. Điều đó một phần là do khối này đang chuyển dịch các ưu tiên sang khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 và cũng một phần vì Bắc Kinh không muốn nhượng bộ về vị thế đặc biệt mà các doanh nghiệp nhà nước được hưởng.

“Cho tới nay, tiến triển về hiệp ước đầu tư vẫn khá hạn chế. Chúng tôi rõ ràng là chưa đồng thuận. Chúng tôi hiện vẫn không có động lực cần thiết để đi tới một thỏa thuận”, ông Clauss nói. “EU và Trung Quốc đã đàm phán 7 năm rồi, vì thế tôi nghĩ chúng ta nên đi tới thỏa thuận vào lúc này”.

Thỏa thuận trên dự kiến sẽ là một trong tâm của cuộc họp trực tuyến giữa Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong thượng đỉnh EU-Trung Quốc đầu tiên vào thứ 2 tới.

Thỏa thuận đầu tư cũng sẽ được đưa ra thảo luận khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có chuyến thăm thành phố Leipzig của Đức vào tháng 9 tới và gặp gỡ 27 người đứng đầu chính phủ các quốc gia thành viên của EU. Tuy nhiên, cuộc họp này đã bị hủy vô thời hạn khi Thủ tướng Đức Angela Merkel viện dẫn lý do dịch bệnh.

Một số nhà phân tích cho rằng sự trì hoãn này phản ánh sự thiếu tiến triển của thỏa thuận đầu tư, khi Trung Quốc từ chối có thêm nhượng bộ về việc tiếp cận thị trường và một sân chơi bình đẳng cho các công ty châu Âu tại Trung Quốc.

“Về cơ bản, nền kinh tế châu Âu mở cửa nhưng Trung Quốc thì không”, Đại sứ Clauss nói. “Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải có thêm các bước đi hơn chúng tôi để đạt tới mức độ mở cửa kinh tế tương xứng”.

“Chúng tôi đã cố gắng để đi tới một sân chơi công bằng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa từ bỏ nỗ lực này. Hi vọng, hội nghị thượng đỉnh vẫn có thể diễn ra trong khi Đức làm chủ tịch Hội đồng châu Âu”, nhà ngoại giao Đức nói.

Trong một cuộc phỏng vấn với SCMP hồi tháng trước, Đại sứ Trung Quốc tại EU Zhang Ming đã đề nghị khối này linh động về thỏa thuận. “Chúng tôi hi vọng các đối tác EU sẽ gặp chúng tôi ở nửa đường”. Nhưng ông Clauss nói “một thỏa thuận tồi không phải là lựa chọn”.

“Nó phải là một thỏa tham vọng và bao quát, mang tới tiến triển thực sự”, ông nói. “Trong bất kỳ trường hợp nào, phía EU tuân thủ hạn chót vào cuối năm nay, nhưng chỉ với điều kiện chúng tôi có một thỏa thuận xứng đáng”.

Hình ảnh của Trung Quốc tại châu Âu bị tổn hại

Nhiệm kỳ 5 năm của ông Clauss tại Bắc Kinh với tư cách là Đại sứ Đức diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh mở rộng tầm với tới châu Âu thông qua sáng kiến “Vành đai, con đường” và cơ thế “17+1” với các quốc gia trung và đông Âu mà một số là các nước thành viên EU.

Nhưng trong 2 năm qua, Clauss cho biết ông đã nhìn thấy sự thay đổi về thái độ với Trung Quốc trong số các quốc gia châu Âu.

Đề cập tới các quốc gia “17+1”, ông nói: “Tôi cho rằng 17 - đặc biệt là các quốc gia trong khối EU - đều có chính sách coi châu Âu là trên hết. Điều này khác biệt so với chỉ vài năm trước”.

Theo Đại sứ Clauss, có một điều không thay đổi là Đức sẵn sàng liên tiếng về các vấn đề nhạy cảm với Bắc Kinh. Trước đó, một số nhà hoạt động tại Hong Kong đã chỉ trích Thủ tướng Đức Merkel ít lên tiếng về kế hoạch của Trung Quốc nhằm áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong.

Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã cùng những người đồng cấp trong khối G7 ủng hộ một tuyên bố với những ngôn từ mạnh mẽ về luật an ninh Hong Kong và nhất trí phối hợp với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab về vấn đề này.

Vào ngày 19/6, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết chỉ trích các động thái của Trung Quốc đối với Hong Kong, kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu nêu ra vấn đề này với Thủ tướng Lý Khắc Cường vào tuần tới và đề xuất các quốc gia thành viên EU kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế vì luật an ninh đối với Hong Kong.

Ngoài ra, một số quốc gia EU, trong đó có Pháp và Thụy Điển, đã chỉ trích về chính ngoại giao hung hăng của Trung Quốc, trong đó có việc lan truyền các thông tin quan trọng, đôi khi không đúng sự thật, trên mạng xã hội.

“Cái gọi là ‘ngoại giao chiến lang’ là một khái niệm tương đối mới trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc”, ông Clauss nói. “Nó đang tạo ra một cách tiếp cận hung hăng hơn nhiều tới mức bắt đầu làm tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc tại châu Âu”.

Một động thái cũng diễn ra trong EU nhằm thúc đẩy một đường hướng riêng đối với Trung Quốc, chuyển hướng từ phong cách đối đầu của Mỹ.

Nhưng với Berlin, điều đó không có nghĩa là phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington. “Khi xét tới các giá trị và hệ thống chính trị, chúng tôi gần gũi Mỹ hơn là Trung Quốc. Nhưng cùng lúc đó, Trung Quốc vẫn là một đối tác thương mại quan trọng, vì thế khi giải quyết các vấn đề quốc tế, Bắc Kinh vẫn quan trọng”, Đại sứ Clauss nói.

An Bình

Theo SCMP

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây