Phong trào biểu tình đòi quyền lợi cho người da màu đang lan rộng khắp nước Mỹ sau vụ George Floyd, 46 tuổi, bị một cảnh sát ở Minneapolis, Minnesota ghì đầu gối lên cổ hôm 25/5 và qua đời sau đó. Cái chết của công dân da màu này đã “thổi bùng” phẫn nộ tại Mỹ.
Tuy nhiên, ngoài các cuộc tụ tập ôn hòa để thể hiện quan điểm, nhiều vụ bạo động, đốt phá, cướp bóc đã diễn ra tại một số bang và thành phố tại Mỹ, gây ra tình trạng an ninh bất ổn.
Một số nhân vật tại Mỹ đã đồn đoán về “thế lực” đứng đằng sau làn sóng biểu tình.
Theo RT, một khách mời trên hãng tin Mỹ CNN đã đưa ra nghi vấn rằng Nga có thể đứng sau vụ việc vì “kích thích” tâm lý chống cảnh sát ở Mỹ.
Bình luận trên đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump nổi giận với CNN.
“Lại như vậy nữa. Hãng 'tin giả' CNN đang đổ lỗi cho Nga, Nga, Nga. Hãng này là những người thua cuộc với tỉ lệ người xem rất thấp. Tái bút: Không thể đổ lỗi cho Trung Quốc vì họ (CNN) cần tiền ư?”, ông Trump viết trên Twitter.
Nghi vấn thế lực đứng sau làn sóng biểu tình
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Liên đoàn đô thị quốc gia, cựu thị trưởng New Orleans Marc Morial cáo buộc các vụ bạo động ở Minneapolis kéo dài trong 4 ngày qua - bị kích động bởi “các đặc vụ Nga” và “những người theo quan điểm da trắng thượng đẳng”.
Bên cạnh đó, các quan chức cấp cao ở Minnesota cũng đưa ra các ý kiến khác nhau về nguồn cơn bạo lực. Thống đốc Tim Walz đã cáo buộc những người “da trắng thượng đẳng” và các “trùm ma túy” đã kích động bạo lực. Trong khi đó, Thị trưởng Minneapolis Jacob Frey, Thị trưởng St. Paul Melvin Carter cùng Tổng chưởng lý Minnesota Keith Ellison đều cho rằng có sự liên quan của “thế lực” bên ngoài với các cuộc bạo động.
Ông Trump nghi ngờ phong trào cánh tả ANTIFA và những người theo quan điểm “cực tả” đứng sau vụ bạo động. Bộ trưởng Tư pháp William Barr cũng đồng ý với điều này, cho rằng “hoạt động bạo lực được lên kế hoạch, tổ chức và dẫn dắt bởi các nhóm cực đoan cánh tả và nhóm vô chính phủ”.
Tại một số địa phương như Minneapolis, Atlanta, Charlotte, nhiều người biểu tình cho biết họ xuống đường vì muốn thấy sự thay đổi của cảnh sát, và thay đổi cách ứng xử với cộng đồng người da màu.
Người biểu tình Payton Bowdry, 22 tuổi, ở Minneapolis, khẳng định rằng bạo động không phải là một phần của các cuộc biểu tình. "Các cuộc cướp bóc và gây náo loạn không được thực hiện dưới danh nghĩa vì George Floyd".
Nhiều người biểu tình cho rằng diễn biến hiện tại không chỉ vì cái chết của Floyd mà còn là vì họ muốn có một sự thay đổi về mặt hệ thống và họ đã sẵn sàng cho sự thay đổi đó.
Đức Hoàng
Theo RT
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn