AFP dẫn lời ông Ben Crump, luật sư riêng của gia đình Floyd, cho biết: "Các chuyên gia y khoa độc lập đã tiến hành khám nghiệm tử thi Floyd vào ngày 31/5 và kết luận ngạt thở do lực tác động từ bên ngoài là nguyên nhân dẫn đến tử vong".
Kết quả khám nghiệm độc lập do hai bác sĩ Michael Baden và Allecia Wilson thực hiện kết luận rằng, vì cổ và lưng của ông Floyd bị ép đưa đến tình trạng máu không được đưa lên não và sức nặng ép trên lưng, kèm với tư thế bị còng tay sau lưng khiến cơ hoành, giúp phổi thở, không làm việc đúng chức năng. Hai bác sĩ nhận định, có bằng chứng rằng ông Floyd đã chết ngay tại hiện trường.
Bác sĩ Aleccia Wilson, Giám đốc Viện khoa học pháp y và khám nghiệm tử thi thuộc Đại học Michigan, cho biết: "Bằng chứng cho thấy ngạt thở dẫn đến tử vong, đây là một vụ giết người".
“Chúng ta có thể thấy chỉ sau chưa đầy 4 phút ông Floyd đã bất động, không còn sự sống”, bác sĩ Baden nói và cho biết thêm rằng ông không thấy có bằng chứng nào về việc các bệnh lý nền gây ra cái chết của Floyd.
Công dân da màu Mỹ George Floyd, 46 tuổi, chết hôm 27/5 sau khi bị một cảnh sát dùng đầu gối ghì cổ trong khoảng 9 phút. Viên cảnh sát này tiếp tục ghì lên cổ ông Floyd trong khi 2 cảnh sát khác đè lên lưng Floyd mặc dù người đàn ông da màu này không có phản ứng sau 3 phút và cố van xin vì "không thở được". Một đoạn video do người đi đường ghi lại vụ việc được công bố sau đó đã thổi bùng sự bất bình của dư luận về hành động bạo lực của viên cảnh sát.
Derek Chauvin, viên cảnh sát đã ghì cổ Floyd, bị bắt giữ hôm 29/5 và bị buộc tội ngộ sát dựa trên kết quả khám nghiệm tử thi ban đầu rằng Floyd tử vong không phải do ngạt thở mà do các bệnh lý nền sẵn gồm bệnh động mạch vành và tim.
Với kết quả khám nghiệm tử thi mới này, gia đình Floyd đề nghị tăng nặng mức án đối với Chauvin và yêu cầu trách nhiệm pháp lý với một số người có liên quan khác.
Kết quả khám nghiệm tử thi độc lập được đưa ra giữa lúc các cuộc biểu tình đòi công lý cho Floyd tiếp tục nổ ra ở các thành phố của Mỹ và thậm chí lan ra một số thành phố khác trên thế giới. Hơn 40 thành phố ở Mỹ đã phải ban bố lệnh giới nghiêm song vẫn không thể ngăn được các cuộc biểu tình bạo loạn.
Minh Phương
Theo AFP, Reuters
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn