Theo New York Times, ông Trump ngày 1/6 đã điện đàm với ông Putin, chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ nói muốn mời Nga tham gia cuộc họp thượng đỉnh G7 dự kiến tổ chức ở Mỹ vào tháng 9.
Vài giờ đồng hồ sau khi điện Kremlin thông báo về cuộc gọi, Nhà Trắng đã đăng tải một thông báo nói rằng 2 lãnh đạo đã bàn bạc về “nỗ lực chống Covid-19 và mở cửa kinh tế toàn cầu trở lại cũng như các bước tiến trong việc tổ chức G7”.
Kremlin sau đó cho biết ông Trump là người khởi xướng cuộc gọi và bàn về khả năng mời thêm lãnh đạo từ các nước, trong đó có Nga họp G7. Một quan chức cấp cao Nhà Trắng nói với New York Times rằng ông Trump đã gửi lời mời trực tiếp tới ông Putin tham gia G7.
G7 là nhóm các quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Anh, Mỹ, Đức, Italy, Canada, Pháp và Nhật Bản. Năm 1997, nhóm đổi tên thành G8 sau khi Nga gia nhập. Năm 2014, các nước Phương Tây quyết định quay trở về mô hình G7 sau khi loại bỏ Moscow vì sự việc bán đảo Crimea sáp nhập về Nga.
Ông Trump đã nhiều lần đưa ra đề xuất về việc đưa Nga trở lại G7 trong thời gian qua, và thậm chí đã mâu thuẫn với các đồng minh của Mỹ trong vấn đề này.
Hôm 30/5, Tổng thống Trump chê G7 đã “lỗi thời” và muốn mời thêm 4 nước Nga, Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc tham gia vào hội nghị vào mùa thu để “bàn về tương lai của Trung Quốc”.
Động thái này của ông Trump là dấy lên nghi vấn ông đang tìm cách lập một liên minh mới để cô lập và kiềm chế Trung Quốc.
Anh, Canada phản đối
Một phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 1/6 tuyên bố rằng London phản đối việc cho phép đưa Nga trở lại G7 vì Anh “chưa thấy bằng chứng của việc Nga thay đổi hành vi để có thể sẵn sàng (quay lại)”.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng phản đối việc Nga quay lại G7.
Tuy nhiên, cả 2 thủ tướng đều không nói rõ liệu Anh và Canada có "tẩy chay" G7 hay không nếu Mỹ quyết mời Nga làm quan sát viên.
Theo New York Times, việc Mỹ mời Nga dự G7 được xem là động thái mới nhất trong việc nối lại mối quan hệ ngoại giao cá nhân giữa ông Trump và ông Putin trong năm nay.
Trước đó, 2 lãnh đạo đã điện đàm vài lần trong năm nay, bàn về giá dầu toàn cầu, thiết bị y tế chống dịch Covid-19…
Trong khi đó, quan hệ giữa Nga - Mỹ vẫn tồn tại một số căng thẳng. Tháng trước, Mỹ đã làm Nga không hài lòng khi tuyên bố rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí “Bầu trời Mở” có từ thời Chiến tranh Lạnh.
Về việc trở lại G7, Nga nhiều lần tỏ ra không quá “mặn mà” với điều này.
Hồi năm ngoái, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Quay trở lại G7, trước đây là G8, không phải là mục tiêu của Nga. Ông cũng cho rằng các mô hình khác, như G20, đang có ưu thế hơn. Tuy nhiên, quan chức này cũng cho biết quan điểm của Tổng thống Putin là Moscow luôn sẵn sàng hợp tác với mọi quốc gia trong bất cứ mô hình nào.
Đức Hoàng
Theo New York Times
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn