Thông tin được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt cuộc biểu tình và bạo loạn đang xảy ra tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ sau cái chết của công dân người Mỹ gốc Phi George Floyd hôm 25/5. Người biểu tình tập trung cả bên ngoài Nhà Trắng, hô khẩu hiệu và phóng hỏa, buộc lực lượng an ninh phải tham gia giữ trật tự.
Khi nào tổng thống được sơ tán?
Nhà Trắng hiện vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức dù có nhiều thông tin nói rằng, Tổng thống Trump đã sơ tán xuống Trung tâm hoạt động khẩn cấp của tổng thống (PEOC) hôm qua. Do vậy, vẫn chưa thể xác nhận quá trình sơ tán này thực chất có diễn ra hay không và nếu xảy ra, lý do sơ tán tổng thống là gì.
Hiện có rất ít thông tin cho biết trong những trường hợp nào, tổng thống sẽ được sơ tán tới nơi an toàn, ngoài mối đe dọa chiến tranh hạt nhân hay một cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Mỹ.
Tuy vậy, ngay cả khi đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào Mỹ, ông chủ Nhà Trắng cũng chưa chắc đã thực hiện quy trình sơ tán.
Trong cuốn sách “Raven Rock” viết về các kế hoạch sơ tán khẩn cấp của chính phủ Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân với Liên Xô, nhà báo Garrett Graff tiết lộ rằng Tổng thống Mỹ Harry Truman đã từ chối sơ tán mặc dù xuất hiện thông tin cho thấy có mối đe dọa nhằm vào ông. Thay vào đó, ông Truman đã chọn ở lại Phòng Bầu Dục tại Nhà Trắng.
Một tình huống tương tự cũng từng xảy ra với Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Ngay cả khi quy trình sơ tán được kích hoạt, ông Carter vẫn chọn ở lại Nhà Trắng “để điều hành công việc của chính phủ”.
Một lý do khác có thể khiến tổng thống Mỹ phải sơ tán là trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công khủng bố hoặc xuất hiện mối đe dọa tấn công khủng bố. Tổng thống George W. Bush đã vội vã rời khỏi một ngôi trường ở bang Florida ngay sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa tháp đôi tại Mỹ vào ngày 11/9/2001. Ông Bush đã lên chuyên cơ trở về Washington và Nhà Trắng.
Ngoài ra, còn có một số lý do khác dẫn tới việc các quan chức cấp cao Nhà Trắng hoặc tổng thống xuống hầm PEOC. Theo tài liệu được công bố năm 2012, các quan chức Nhà Trắng phải tham gia vài cuộc diễn tập trong một năm để chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp.
Hiện vẫn chưa rõ hành trình của Tổng thống Donald Trump tới hầm PEOC hôm qua chỉ là một cuộc diễn tập hay là sơ tán thực sự.
Tổng thống được sơ tán như thế nào?
Khi xuất hiện một tình huống có thể gây nguy hiểm cho tổng thống, nhà lãnh đạo Mỹ có một số lựa chọn sơ tán.
Nhà Trắng là nơi đặt PEOC, căn hầm kiên cố có khả năng bảo vệ các quan chức cấp cao nhất của chính phủ Mỹ trong khi vẫn đảm bảo việc duy trì liên lạc với thế giới bên ngoài. Căn hầm này có thể lưu trữ thực phẩm, nước uống và bất kỳ khu vực nào tại Nhà Trắng được cho là cũng có thể tiếp cận với PEOC thông qua hệ thống đường hầm.
Nếu tổng thống Mỹ cảm thấy không an toàn khi ở Nhà Trắng, hoặc đơn giản là không có mặt tại Nhà Trắng vào thời điểm xảy ra tình huống khẩn cấp, tổng thống có thể được hộ tống lên máy bay Boeing E-4 Nightwatch được ví như “Trung tâm Chiến dịch Trên không Quốc gia” bằng con đường ngắn nhất. Máy bay này có khả năng chống phóng xạ và hoạt động trên không trong nhiều ngày nhằm cho phép bộ máy chính quyền Mỹ tiếp tục điều hành đất nước.
Hiện chỉ có số lượng giới hạn máy bay Boeing E-4 Nightwatch tại Mỹ. Chúng không được sử dụng cho các chuyến bay hàng ngày nhằm đảm bảo khả năng hoạt động tốt nhất với mức độ tin cậy cao nhất.
Nếu máy bay E-4 ở quá xa, tổng thống Mỹ có thể lên chuyên cơ Không Lực Một - chiếc Boeing được ví như “Nhà Trắng trên không”. Tổng thống sau đó có thể lên chiếc E-4 gần nhất hoặc hạ cánh xuống một khu vực an toàn, còn được gọi là Cơ sở Khẩn cấp Tổng thống (PEF).
Không lực Một có thể bay 9.650 km mà không cần tiếp nhiên liệu, được trang bị hệ thống chống bức xạ điện tử và phóng xạ hạt nhân, hệ thống gây nhiễu radar trinh sát và khóa mục tiêu của đối phương và mồi bẫy pháo sáng đánh lừa tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại.
Tổng thống George W. Bush từng lên Không Lực Một sau khi xảy ra vụ khủng bố 11/9. Ông đã theo dõi thông tin về thảm kịch trên chuyên cơ này. Khi về đến thủ đô Washington D.C., chuyên cơ chở Tổng thống Bush buộc phải bay vòng theo yêu cầu của lực lượng mật vụ. Cuối cùng, máy bay phải đổi hướng và tới căn cứ không quân Barksdale tại bang Louisiana.
Thông tin về việc sơ tán tổng thống phần lớn là bí mật. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, hiện có khoảng từ 9-75 cơ sở PEF tại Mỹ có khả năng đón tổng thống và các lãnh đạo quân đội, cho phép họ điều hành đất nước ngay cả khi xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Theo ghi chép của Bill Gulley, cựu lính thủy quân lục chiến Mỹ từng làm việc tại Phòng Quân sự Nhà Trắng, các cơ sở PEF do con người vận hành và hoạt động liên tục hàng ngày. Alex R. Larzelere, một quân nhân từng tới thăm PEF, cho biết cơ sở này là hầm ngầm quy mô lớn đặt dưới lòng đất, được ngụy trang khéo léo trong một khu rừng và nhìn giống như một túp lều bỏ hoang.
Thành Đạt
Theo Sputnik, Business Insider
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn