RT dẫn lời giới chức bang Minnesota cho hay, Chauvin bị bắt hôm 29/5. Cựu cảnh sát này hôm 25/5 đã gây chấn động nước Mỹ khi bị ghi hình dùng đầu gối ghì lên cổ của công dân da màu George Floyd trong vài phút tại một giao lộ ở thành phố Minneapolis. Floyd đã qua đời sau đó trong bệnh viện.
Chauvin cùng 3 cảnh sát có liên quan đã bị sa thải, song khi đó họ vẫn được tại ngoại.
Chauvin bị cáo buộc tội giết người cấp độ 3 và ngộ sát. Người đàn ông này từng làm việc 19 năm trong cơ quan cảnh sát Minneapolis và từng liên quan tới một vài vụ việc về sử dụng sức mạnh trước đó.
Theo RT, Công tố viên hạt Hennepin Michael Freeman được cho sẽ sớm phát đi các cáo buộc chống lại 3 cựu cảnh sát còn lại liên quan tới cái chết của Floyd.
Luật sư của gia đình Floyd Ben Crump cho biết việc Chauvin bị bắt là động thái “đáng hoan nghênh” nhưng họ yêu cầu cựu cảnh sát này nên bị cáo buộc tội giết người cấp độ 1.
“Chúng tôi muốn cáo buộc giết người cấp độ 1 (với Chauvin) và chúng tôi muốn các cựu cảnh sát khác bị bắt”, Crump cho biết.
Một đoạn video mới được công bố cho thấy, ngoài Chauvin chẹt cổ Floyd hôm 25/5, dường như các cảnh sát khác cũng ghì đầu gối lên cơ thể người đàn ông da màu này. Trong khi đó, nạn nhân bị còng tay, nằm úp mặt xuống đường và nói: "Làm ơn, hãy cho tôi đứng dậy đi".
Minneapolis ban bố lệnh giới nghiêm
Thị trưởng Minneapolis ngày 29/5 đã ký lệnh khẩn cấp ban hành giới nghiêm từ 20h hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau vào ngày 29-30/5.
Thống đốc Minnesota Tim Walz ngày 29/5 thừa nhận rằng cơ quan hành pháp đã thất bại trong việc cố gắng kiểm soát đám đông người biểu tình quá khích trước các hành động đốt phá, chiếm đồn cảnh sát.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ trước đó đã được điều động tới Minneapolis để hỗ trợ các lực lượng khác ứng phó với mối đe dọa leo thang, tuy nhiên, chưa thể hành động nhiều vì chưa có mệnh lệnh chính thức.
“'Minneapolis và St. Paul đang chìm trong lửa. Lửa vẫn đang cháy âm ỉ trên những con đường”, ông Walz cho biết, đồng thời nhấn mạnh ông nhận được báo cáo từ một nghị sĩ cấp bang rằng tại một số khu vực “không có cảnh sát, không lính cứu hỏa trong khi người dân sợ hãi tự khóa cửa trong nhà”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi tình trạng ở Minnesota là “tệ hại” và nhấn mạnh “công lý sẽ được thực thi”. Tuy nhiên, Thống đốc Walz cho biết dòng tweet của ông Trump về việc dọa nổ súng bắn người trộm cắp hôm qua “không hiệu quả” trong việc giúp kiểm soát tình hình.
Ông Walz cũng gửi lời xin lỗi công khai tới đội ngũ nhà báo của CNN vì lực lượng cảnh sát tiểu bang đã bắt và còng tay nhà báo da màu Omar Jimenez hôm 29/5 khi nhà báo này đưa tin về vụ việc ở hiện trường vụ bạo động. Jimenez bị bắt ngay khi đang phát sóng mà không được lý giải nguyên nhân, nhưng sau đó đã được thả.
Trong khi đó, một nhà báo khác của CNN Josh Campbell - người đưa tin ở cách Jimenez một khu và là người da trắng - cho biết anh được cảnh sát hỏi han “lịch sự” và được phép tiếp tục tác nghiệp.
Biểu tình lan rộng toàn quốc, khu vực Nhà Trắng bị phong tỏa
Theo các hãng tin Mỹ, phong trào biểu tình ủng hộ người da màu đã lan rộng trên toàn quốc.
Tại Atlanta, hàng trăm người biểu tình xuất hiện trước tòa nhà nghị viện kêu gọi công lý cho Floyd, cùng một số người da màu bị thiệt mạng trong các vụ việc gây tranh cãi khác ở Augusta, Georgia và Louisville, Kentucky.
Tại Washington DC, người biểu tình đến trước quảng trường Lafayette. Khu phố trước Nhà Trắng đã bị phong tỏa và lực lượng đặc nhiệm không cho phép ai rời khỏi khu vực.
Tại Houston, Texas, người biểu tình xuống đường mang theo biểu ngữ “Mạng sống của người da màu quan trọng”.
Cảnh sát và người biểu tình xảy ra xô xát vào tối 29/5 ở Brooklyn, New York. Trong khi đó, tại San Jose, California, một thành viên lực lượng cảnh sát tiểu bang bị người biểu tình ném các vật thể vào người. Một phần đường cao tốc 101 đã bị tạm đóng trong khi một số phương tiện bị phá hoại.
Đức Hoàng
Tổng hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn