Những ngày gần đây, Wilson Mak thường ngủ thiếp đi sau 14 ngày làm việc tại nhà tang lễ ở New York, Mỹ. Hình ảnh những nạn nhân Covid-19 liên tục xuất hiện trong suy nghĩ của anh.
“Khi nhắm mắt, tôi vẫn nhìn thấy những cảnh tượng kinh hoàng đó. Không thể chịu đựng nổi”, Mak, quản lý của công ty dịch vụ tang lễ Ng Fook ở New York, cho biết.
4 nhà tang lễ trong hệ thống của Ng Fook được đặt tại các cộng đồng người Hoa ở thành phố New York chỉ là mô hình thu nhỏ của một ngành công nghiệp đang bị quá tải, khi thi thể chất đống tại các hành lang, xe tải và nhà xác tạm thời ở các điểm nóng Covid-19 trên toàn nước Mỹ.
Tình trạng quá tải buộc các nhà chức trách phải chuyển thi thể tới những nhà xác ở xa và giảm bớt các dịch vụ tang lễ, đặc biệt ở New York - nơi ghi nhận hơn 25.000 ca tử vong vì Covid-19, nhiều hơn tất cả bang khác tại Mỹ.
Mặc dù vậy, các thi thể vẫn tiếp tục được chuyển đến.
“Các nghĩa trang, nhà hỏa táng đều kín chỗ. Các bệnh viện không muốn giữ thi thể. Chúng tôi bị mắc kẹt ở giữa. Tôi chưa bao giờ làm nhiều việc như vậy trong đời, mà vẫn chưa hết việc”, Mak nói.
Theo CNN, dịch Covid-19 càn quét khiến hơn 80.000 người thiệt mạng và hơn 1,3 triệu người bị nhiễm bệnh tại Mỹ. Đây là cái giá đắt đỏ cho sự quản lý thiếu hiệu quả của Nhà Trắng, một hệ thống y tế rạn nứt và áp lực chính trị phải mở cửa trở lại nền kinh tế.
Ngay cả khi Tổng thống Donald Trump ca ngợi nỗ lực ứng phó dịch bệnh của Mỹ, chính quyền liên bang vẫn âm thầm đặt hàng thêm 100.000 túi đựng thi thể và mở thầu khoảng 200 xe đông lạnh làm “nhà xác di động”.
Các quản lý nhà tang lễ tại New York phải chờ từ 3-4 tuần mới có một vị trí ở các nghĩa trang hay nhà hỏa táng. Hồi đầu tháng, các nhà chức trách còn thu hồi giấy phép hoạt động của một nhà tang lễ ở Brooklyn, sau khi những người dân xung quanh phàn nàn về mùi hôi thối và nước rỉ ra từ hai xe tải chở hàng chục thi thể bị phân hủy.
“Tôi chắc chắn rằng không chỉ một nhà tang lễ sử dụng xe tải để chứa xác”, Mak nói.
Hình ảnh chụp từ thiết bị bay không người lái cho thấy, các quan tài bằng bìa các-tông chất đống trong các ngôi mộ tập thể trên đảo Hart - nơi thường được sử dụng để chôn cất những người không được thừa nhận hoặc người nghèo ở New York trong 150 năm qua.
Thay đổi tang lễ truyền thống
Tại một số nghĩa trang, những quy định mới đã được đề ra, yêu cầu các thành viên trong gia đình phải ngồi trong xe để theo dõi quá trình chôn cất người thân từ xa. Quản lý của các nhà tang lễ từ những nơi rất xa như Australia cũng đề nghị giúp đỡ New York, trong khi các nhà hỏa táng hoạt động 24/7 và không khuyến khích sử dụng quan tài gỗ vì thiêu mất nhiều thời gian hơn so với quan tài bằng vải hoặc ván ghép.
Chính quyền New York đã đề xuất chôn tạm thời các thi thể tại các công viên trong thành phố. Các sinh viên ngành khoa học ướp xác cũng được tuyển dụng để xử lý thi thể tại các bệnh viện, trong khi số xe tải đông lạnh được thuê để lưu trữ xác tăng gấp đôi so với số nhà xác tại các bệnh viện.
Số thi thể cần được xử lý tại nhà tang lễ Hannemann ở Nyack, phía bắc New York tăng 500%. Lần đầu tiên trong 36 năm, Keith Taylor, chủ sở hữu nhà tang lễ này, đã phải từ chối các gia đình có người thân qua đời.
Taylor nói rằng anh rất đau lòng, nhưng không thể đồng ý tiếp nhận số thi thể vượt quá khả năng xử lý.
“Tôi không thể chôn cất tất cả thi thể. Tôi không khát tiền tới mức đó”, Taylor nói.
John D’Arienzo, quản lý nhà tang lễ D’Arienzo ở Brooklyn, cho biết anh đã làm việc cật lực đến mức quên cả ăn và sụt mất 9kg. Quản lý của các nhà tang lễ cho biết họ càng gặp khó khăn hơn khi nhiều người chết là các thành viên trong cùng một gia đình.
Gần đây, Taylor vừa tiếp nhận thi thể một người đàn ông thì được yêu cầu tạm hoãn tổ chức tang lễ, vì vợ của người này đang nguy kịch và phải điều trị bằng máy thở. Vài ngày sau đó, người vợ cũng qua đời.
Một gia đình khác thậm chí còn khủng khiếp hơn khi cả chồng, vợ và con gái đều chết trong 8 ngày.
“Thật phát điên”, Taylor nói.
Số thi thể tăng chóng mặt buộc các nhà tang lễ phải tránh tổ chức lễ tang cùng nhau. Các thi thể được chuyển thẳng từ bệnh viện tới các nghĩa trang hoặc nhà hỏa táng. Không quá 10 người được tập trung bên cạnh một quan tài đóng kín.
Mặc dù nguy cơ lây nhiễm từ các thi thể vẫn tương đối thấp, song các nhà nghiên cứu tại Thái Lan đã ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 đầu tiên từ người chết. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người thân không nên hôn từ biệt người đã mất.
Tầm quan trọng của giãn cách xã hội càng được chú ý nhiều hơn, sau khi các đám tang ở Illinois và Georgia hồi tháng 2 đã biến thành các sự kiện “siêu lây nhiễm” khi hàng trăm người dự tang lễ bị nhiễm virus. Taylor nói rằng các nhân viên nhà tang lễ đã trở thành các “cảnh sát” nhắc nhở những người tham dự lễ tang phải giữ khoảng cách an toàn.
Công nghệ cũng vào cuộc để hỗ trợ các dịch vụ tang lễ. Zoom, Google Hangout và các nền tảng công nghệ khác phát triển bùng nổ trong các đám tang trực tuyến. Nhằm giúp các gia đình, những người đưa người nhà vào bệnh viện và không bao giờ được gặp lại, Taylor đã chụp ảnh thi thể và gửi cho họ.
Thành Đạt
Tổng hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn