Truyền thông nhà nước Iran ngày 11/5 đã xác nhận vụ việc một tên lửa nước này trong khi tập trận ở vịnh Oman hôm 10/5 đã bắn nhầm vào tàu hỗ trợ lớp Hendijan Konarak, khiến ít nhất 1 thủy thủ thiệt mạng và 15 người khác bị thương.
Truyền thông Iran cho biết vụ bắn nhầm tên lửa là một vụ tai nạn, do tàu Konarak ở quá gần so với mục tiêu diễn tập. Khi vụ tai nạn xảy ra, tàu Konarak có nhiệm vụ đặt các mục tiêu giả định vùng biển cho các tàu khác diễn tập đạn thật bắn tên lửa. Tuy nhiên, do nó không di chuyển đủ xa với các mục tiêu sau khi hoàn thành nhiệm vụ nên đã dẫn tới vụ bắn nhầm.
Một bệnh viện địa phương đã tiếp nhận 12 thủy thủ và chữa trị cho 3 người bị thương nhẹ, theo hãng tin nhà nước Iran IRNA. Iran tuyên bố đang mở cuộc điều tra điều tra chi tiết về vụ việc.
Truyền thông Iran cho hay, tàu Konarak được đại tu vào năm 2018 và có thể phóng được tên lửa chống hạm. Đây là chiến hạm sản xuất ở Hà Lan, nặng 447 tấn, dài 47 mét và có trọng tải 40 tấn. Nó thường chở theo 20 thủy thủ. Tuy nhiên, Iran chưa cung cấp thông tin về số lượng thủy thủ chính xác trên Konarak vào thời điểm tai nạn xảy ra.
Trong khi đó, hãng tin Tasnim cho biết tàu bắn nhầm Konarak là tàu hộ tống lớp Moudge Jamaran. Trước đó, một số nguồn tin nói rằng "hàng chục" thủy thủ của Iran có thể đã thiệt mạng, nhưng thông tin này vẫn chưa được xác thực.
Theo Guardian, truyền thông nước này thường hiếm khi đưa tin về các vụ tai nạn trong khi tập trận, vì vậy, việc nước này lên tiếng có thể làm dấy lên đồn đoán rằng vụ việc khá nghiêm trọng.
Vụ tai nạn xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Mỹ vẫn chưa hạ nhiệt ở khu vực. Gần đây nhất, Iran hôm 23/4 cảnh báo rằng nước này sẽ phá hủy tàu chiến Mỹ nếu các khí tài này đe dọa tàu của Tehran. Đây là động thái nhằm đáp trả lời cảnh báo ngày 22/4 của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump cho biết ông đã ra lệnh cho quân đội Mỹ sẽ “phá hủy bất cứ tàu nào của Iran có hành vi phá rối tàu Mỹ trên biển”.
Iran thường xuyên tổ chức tập trận tại gần eo biển Hormuz chiến lược, cửa ngõ quan trọng đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của thế giới, với hơn 1/5 nguồn cung dầu mỏ toàn cầu đi qua eo biển hẹp này.
Trong khi đó, Hạm đội 5 của Mỹ, đơn vị phụ trách theo dõi khu vực, chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.
Đức Hoàng
Theo Guardian
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn