Suốt 68 năm qua, Lee Keum-seom chưa gặp lại con trai. Lần cuối cùng bà nhìn thấy con, cậu bé Sang Chol mới bốn tuổi. Cùng chồng và con gái, bà Lee bế Sang Chol chạy về phía nam để tránh chiến tranh. Lúc đó, cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953) mới bắt đầu.
Trong dòng người lên đến hàng trăm ngàn đang cố đào thoát khỏi bom đạn, bà Lee và con gái lạc chồng và cậu bé Sang Chol. Bà cùng con gái đi tiếp về phía nam, cùng dòng người tị nạn vượt qua khu phi quân sự để bước vào đất Hàn Quốc. Sau này, bà mới biết chồng và con trai vẫn còn ở CHDCND Triều Tiên.
Họ nằm trong số hàng chục ngàn gia đình người Triều Tiên bị phân ly bởi chiến tranh.
Bà Lee may mắn nằm trong số ít người được chọn tham gia chương trình tái hợp do chính quyền đài thọ.
Bà Lee Keum-seom.
“Khi qua tới Hàn Quốc, tôi chợt nhận ra rằng rất có thể tôi sẽ không được nhìn thấy chồng con nữa”, bà Lee, năm nay đã 92 tuổi, nói.
Bà Lee lớn lên ở tỉnh Nam Hamgyong, hiện nay thuộc lãnh thổ Triều Tiên.Rồi bà lấy chồng, có hai con trai.Đứa đầu chết vì bệnh, đứa thứ hai là Sang Chol.
Ngày 25/6/1950, chiến tranh nổ ra sau nhiều tháng căng thẳng giữa Hàn Quốc, được Mỹ hậu thuẫn, và CHDCND Triều Tiên, được Liên Xô ủng hộ.
Gia đình bà Lee ở một vùng nông thôn và tin tức rất ít khi tới được cửa nhà họ.Nhưng rồi những người chạy loạn nói với gia đình bà những gì đã xảy ra.“Họ là dân sống trong núi, ở vùng sâu.Họ bảo chúng tôi phải chạy ngay không thì nguy đến nơi”. Gia đình nhà Lee gói ghém thực phẩm và đồ đạc lên một xe bò kéo và nhằm phía nam thẳng tiến. Họ cứ thế mà đi.“Rồi đến lúc chúng tôi phải đi bộ. Tôi phải cho con gái bú vì nó còn rất nhỏ. Nhưng ngoài đường đông người, tôi ngại nên không thể làm việc ấy”. Bà Lee lội qua một con suối nhỏ, tay bế con, tìm một chỗ kín đáo cho nó bú, để người chồng ở lại trông cậu bé Sang Chol 4 tuổi.
Khi bà Lee quay lại, hai bố con không còn ở đó. Bà Lee đi bộ cả ngày nhưng không tìm thấy chồng và con trai. “Tôi vẫn tiếp tục đi tìm.Tôi nghĩ anh ấy đã đi rất xa”, bà kể. “Tôi không dám dừng lại ăn hay ngủ, cứ đi liên tục”.
Cuối cùng bà gặp một người anh chồng. Người này nói chồng bà cùng ông ấy đã đi tìm mẹ con bà suốt. Chồng Lee đã quay lại tìm vợ con, và rồi họ lạc mất nhau. Từ đó bà không gặp lại chồng và con trai.
Bà Lee cùng mấy người trong gia đình nhà chồng đi về phía nam trong khi vẫn hy vọng chồng mình và con trai sẽ bắt kịp. Và cũng có thứ bắt kịp bà: đó là chiến tranh.
Một đêm nọ, họ đang trú tạm trong một ngôi nhà hoang, bà Lee bị đánh thức bởi tiếng súng nổ.“Chúng tôi nằm rạp xuống, không thể chợp mắt”.
Rồi họ lên được một con tàu hỏa chật ních người tị nạn. Tàu đi xuyên đêm và sáng hôm sau họ tới một bến cảng, từ đó được đưa bằng phà tới đảo Geoje. Trong đám hỗn loạn, Lee lạc gia đình nhà chồng. Sau này bà tìm lại được một số người họ hàng nhà chồng nhưng bóng dáng chồng và con trai vẫn bặt tăm. Bặt tăm cho tới tận ngày nay, khi bà đã 92 tuổi.“Tôi đã khóc suốt một năm ròng”.
Rồi bà đi bước nữa, với một người đàn ông lạc mất vợ trong hành trình chạy về phía nam như nhà Lee.
Thời gian trôi qua và bây giờ bà Lee chỉ nhớ chút chút về con trai Sang Chol, rằng nó là đứa trẻ ngoan, rất ít khi đòi hỏi.
Cậu con trai ấy, năm nay đã 72 tuổi. Sau khi bố Sang Chol lạc vợ và con gái, anh bế con trai quay về làng cũ tìm họ. Bà Lee chỉ biết là Sang Chol còn sống, nhưng thông tin về ông rất hiếm hoi ở một đất nước khép kín như Triều Tiên. Và sau 68 năm, bà Lee sắp được biết cụ thể cuộc sống của con trai ra sao.“Tôi không thể tin được tôi sắp được gặp con trai. “Liệu tôi có nên ôm lấy đứa con trai đã ngoài 70 vào lòng không nhỉ”?
Khoảng 57.000 người đăng ký tham gia chương trình tái hợp năm nay, nhưng chỉ có 93 người được chọn. Những người không may mắn rất có thể không còn cơ hội nhìn thấy người thân bởi họ đã quá già. Hơn 75.000 người đã chết mà chưa được gặp lại những người thân yêu.
Tác giả: Theo Anh Minh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn