Giấc mơ từ nhỏ của Rianti là được phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Indonesia. Khi vừa bước sang tuổi 20 hồi năm ngoái, Rianti đã đăng ký thực hiện các bài kiểm tra đầu vào tại một trại quân sự ở Jayapura, thủ phủ của tỉnh Papua.
Mọi người nói với Rianti rằng ngày đăng ký đầu tiên sẽ chỉ liên quan tới các giấy tờ hành chính. Tuy nhiên khi Rianti nhìn thấy những người phụ nữ ra vào một căn phòng nhỏ tại trung tâm kiểm tra, cô bắt đầu cảm thấy tò mò.
“Tôi không biết tại sao họ bị gọi vào căn phòng đó. Nhưng tôi vẫn nhớ biểu cảm của họ khi bước ra ngoài. Họ trông rất căng thẳng”, Rianti nói.
Khi đến lượt mình, Rianti được gọi vào phòng cùng 3 ứng viên nữ trẻ khác. Bên trong căn phòng, 4 nhân viên y tế, gồm 3 nam và một nữ, đang chờ họ. Rianti được yêu cầu cởi đồ và mặc áo choàng để kiểm tra sức khỏe. Rianti thấy tim mình đau nhói khi biết rằng cô sắp bị kiểm tra trinh tiết.
Sau khi Rianti nằm trên giường, một bác sĩ nam đã dùng tay kiểm tra vùng kín của cô để xem cô còn nguyên vẹn hay không. Trong khi đó, một người phụ nữ trong nhóm y tế cầm đèn pin đứng cạnh trợ giúp. Người phụ này lẩm nhẩm điều gì đó mà Rianti không nghe rõ.
“Tôi chỉ muốn chuyện đó trôi qua càng nhanh càng tốt. Tôi cảm thấy như thể đó là những giây phút dài nhất trong cuộc đời mình. Chưa từng có một người đàn ông nào chạm vào tôi trước đó. Chuyện ấy thật đáng xấu hổ. Tôi bị sốc”, Rianti nhớ lại.
Đêm đó, Rianti đã hỏi một người chú của cô đang công tác trong quân đội rằng tại sao một bác sĩ nam được phép kiểm tra trinh tiết phụ nữ. Rianti nói rằng chuyện đó giống như lạm dụng tình dục vậy. Tuy nhiên, chú của Rianti nói rằng đó là quy định và các ứng viên nữ có thể được kiểm tra bởi các bác sĩ nam.
“Tôi cảm thấy buồn nôn khi nghĩ về chuyện đó”, Rianti chia sẻ.
Tuy nhiên, một điều tồi tệ hơn xảy ra với Rianti là cô phải trải qua bài kiểm tra trinh tiết hai lần. Lần kiểm tra thứ hai của Rianti diễn ra khi cô trải qua vòng tuyển chọn đầu tiên và địa điểm lần này là tại trụ sở của Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia ở Bandung, tỉnh Tây Java.
“Lần này nhanh hơn lần đầu và người bác sĩ kiểm tra tôi là một phụ nữ. Nhưng tôi vẫn phải cởi đồ và các bác sĩ nam vẫn kiểm tra những bộ phận khác như da hay ngực của tôi”, Rianti cho biết.
Quy định gây tranh cãi
Luật pháp Indonesia quy định, đối với cả Lực lượng Vũ trang Quốc gia và Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Indonesia, các tân binh phải đảm bảo khỏe mạnh về thể chất. Do vậy việc kiểm tra sức khỏe là yêu cầu bắt buộc trước khi nhập ngũ.
Thông tin về các bài kiểm tra trinh tiết chỉ được hé lộ vào năm 2014 khi một báo cáo do Tổ chức Giám sát Nhân quyền công bố cho biết những cô gái đăng ký gia nhập các lực lượng an ninh tại Indonesia không chỉ được kiểm tra sức khỏe mà còn xem ứng viên đó đã từng quan hệ tình dục hay chưa.
Ủy ban Quốc gia về chống bạo lực với phụ nữ của Indonesia đã chỉ trích các bài kiểm tra trinh tiết, cho rằng đây là hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ và vi phạm hiến pháp của Indonesia. Hơn nữa, việc vượt qua bài kiểm tra trinh tiết cũng không đảm bảo rằng ứng viên sẽ được chọn vào lực lượng vũ trang Indonesia. Như trong trường hợp của Rianti, cô đã không được chọn.
Theo Andreas Harsono, nhà nghiên cứu Indonesia tại Tổ chức Giám sát Nhân quyền, cho biết việc kiểm tra trinh tiết đã có từ cách đây hơn 5 thập niên. Do thiếu bác sĩ nữ trong lực lượng vũ trang và cảnh sát, nên 75% các nhân viên y tế thực hiện các bài kiểm tra này là nam giới.
“Tôi nghĩ nhiều người trong lực lượng vũ trang không biết rằng chúng ta không thể xác định được một người đàn ông hay phụ nữ có còn trinh tiết hay không. Không có cơ sở khoa học cho chuyện đó”, Harsono nói.
Hiện chỉ có 5% nhân sự trong cả Lực lượng Vũ trang Quốc gia và Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Indonesia là nữ. Theo Fitri Bintang Timur, nhà nghiên cứu tại phòng chính trị và quan hệ quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Jakarta, các bài kiểm tra trinh tiết càng cản trở nỗ lực của chính quyền Indonesia trong việc khuyến khích phụ nữ nhập ngũ.
“Trong một xã hội ngày càng bảo thủ như Indonesia, nhiều phụ nữ và gia đình của họ sẽ khó chấp nhận một bài kiểm tra như vậy. Họ cho rằng như vậy là không đoan chính, trừ khi họ xuất thân từ một gia đình có nền tảng là quân đội hoặc cảnh sát”, Fitri nói.
Theo Fitri, lực lượng cảnh sát Indonesia cũng đã nhận ra rằng việc kiểm tra trinh tiết thực sự là một vấn đề. Phát ngôn viên cảnh sát Indonesia hồi tháng 11 năm ngoái thông báo các bài kiểm tra trinh tiết không còn áp dụng đối với các ứng viên nữ nữa.
Tuy vậy, Sri Rumiati, một sĩ quan cảnh sát về hưu, không hoàn toàn tin vào tuyên bố trên. Theo bà Sri, có thể các bài kiểm tra trinh tiết đã được xóa bỏ tại thủ đô Jakarta, nhưng các khu vực khác vẫn thực hiện điều này đối với phụ nữ.
“Với một đất nước rộng lớn như Indonesia, rất khó để phát hiện”, Sri nói với BBC.
Trong khi đó, Thiếu tướng Mohamad Sabrar Fadhilah, người phát ngôn của Lực lượng vũ trang Quốc gia Indonesia, khẳng định dư luận đang hiểu nhầm về bản chất của các bài kiểm tra trinh tiết.
“Chúng tôi phải kiểm tra sức khỏe và các bác sĩ phải kiểm tra cả các bộ phận nhạy cảm. Các ứng viên nam cũng phải kiểm tra như vậy. Chúng tôi muốn một đội ngũ nhân lực sạch sẽ và khỏe mạnh vì về lâu dài, họ sẽ phải sống trong một môi trường rất khắc nghiệt trên chiến trường”, tướng Mohamad nói.
Cảm thấy bị sốc sau các bài kiểm tra trinh tiết, Rianti nói rằng cô không có ý định đăng ký nhập ngũ lần hai.
“Hầu hết các bạn của tôi, những người bị trượt khỏi các bài kiểm tra đầu vào, đều không muốn đăng ký nhập ngũ lại. Tôi không còn quan tâm đến việc liệu có thể thực hiện giấc mơ từ nhỏ của mình nữa hay không. Tôi không muốn bị chạm vào người một lần nữa chỉ để vào quân đội”, Rianti nói.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn