Ảnh minh họa: Wikimedia
Theo hãng tin RT, khoảng 8,2 triệu ngôi nhà hoang này thuộc chương trình Akiya - nghĩa là bỏ không - nhằm hỗ trợ các gia đình trẻ có thể sở hữu căn hộ, đồng thời giải quyết tình trạng bất động sản bị bỏ hoang.
Theo chương trình này, các ngôi nhà hoang sẽ được tặng miễn phí hoặc bán với giá cực rẻ cho các gia đình trẻ. Chính quyền địa phương cũng có thể hỗ trợ ngân sách nâng cấp lại các căn nhà nếu chúng đã hư hại sau nhiều năm bị bỏ không.
Hầu hết các ngôi nhà này nằm ở vùng nông thôn Nhật Bản, nơi mà người trẻ muốn tìm cuộc sống ở nơi thành thị. Để đáp ứng yêu cầu của chương trình, người nhận nhà phải dưới 43 tuổi, và có con đi học. Họ phải cam kết ở lâu dài trong căn nhà đó.
Đến nay, nhiều ngôi nhà vẫn bị bỏ không vì chúng gắn liền với các vụ tự tử, giết người hay những cái chết cô đơn và điều đó bị coi là “xui xẻo” đối với những người mê tín ở Nhật Bản. Đây chính là một trong những trở ngại của chương trình Akiya. Tuy nhiên, với chi phí xây mới một ngôi nhà ở Nhật Bản lên tới 790.000 USD, thì Akiya vẫn được coi là lựa chọn của nhiều gia đình trẻ.
Dân số Nhật Bản có xu hướng giảm và hiện đang ở mức 127 triệu người. Con số này được dự đoán giảm còn khoảng 88 triệu người vào năm 2065. Ước tính đến năm 2033, hơn 20 triệu căn nhà ở Nhật Bản sẽ bị bỏ không. Đến năm 2040, gần 900 thị trấn, làng mạc trên khắp Nhật Bản không còn tồn tại.
Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu nhà cửa, đặc biệt ở các vùng nông thôn sẽ ít hơn, khi người trẻ có xu hướng chuyển đến các thành phố lớn.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn