Hồi cuối tháng 10, Thủ tướng Merkel tuyên bố bà sẽ không tái cử vị trí Chủ tịch đảng CDU trong hội nghị dự kiến diễn ra trong tháng này. Ngày 7/12, CDU sẽ bỏ phiếu chọn ra người kế nhiệm bà Merkel. Hiện dự luận đang rất quan tâm tới 3 ứng viên cho "ghế nóng" bao gồm bà Annegret Kramp-Karrenbauer, ông Jens Spahn và ông Friedrich Merz.
Trước đó, bà Merkel đã tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo CDU nhưng vẫn giữ chức Thủ tướng, sau khi CDU cùng đảng liên minh thất bại trong một số cuộc bầu cử địa phương từ năm 2015 tới nay liên quan tới chính sách cho người tị nạn gây tranh cãi mà bà Merkel đưa ra.
Lãnh đạo đảng CDU sẽ được chọn ra bởi 1001 thành viên trong đại hội đảng ở Hamburg. Đây là một chức vụ rất quan trọng vì người chiến thắng có thể sẽ kế nhiệm chức Thủ tướng của bà Merkel khi nhiệm kỳ của bà kết thúc vào năm 2021.
Một khảo sát thực hiện bởi hãng truyền hình ARD ngày 6/12 cho thấy 47% thành viên CDU bầu cho bà Kramp-Karrenbauer, 37% cho ông Merz và 12% cho ông Spahn.
Bản sao của bà Merkel
Bà Kramp-Karrenbauer, 56 tuổi, được bà Merkel chọn giữ chức Tổng thư ký CDU hồi đầu năm. Giới quan sát cho rằng đây có thể được coi là động thái đầu tiên của bà Merkel trong việc chọn người kế nhiệm.
Bà Kramp-Karrenbauer từng giữ chức Thủ hiến của bang Saarland. Bà được truyền thông Đức đánh giá là có phong thái chính trị mạnh mẽ, cứng rắn, sắc sảo tương đồng với bà Merkel.
Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier, một đồng minh của bà Merkel cho rằng với sự dẫn dắt của bà Kramp-Karrenbauer, CDU có cơ hội tốt nhất để chiến thắng bầu cử. Ông Altmaier cũng cho rằng bà là một ứng viên sáng giá khi làm việc với đảng trung tả Dân chủ Xã hội và đảng Xanh.
Điểm mạnh của bà Kramp-Karrenbauer có 7 năm làm Thủ hiến bang (2011-2018). Bà đã lãnh đạo liên minh đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do trong thời gian đó. Kỹ năng xây dựng liên minh của bà trong bối cảnh nền chính trị Đức đang có nhiều chia rẽ là một điểm sáng.
Tuy nhiên, bà Kramp-Karrenbauer có quan điểm khác biệt so với bà Merkel về một số vấn đề xã hội và chính sách đối ngoại, trong đó có quan điểm cứng rắn hơn với Nga.
Chính trị gia kỳ cựu
Ông Merz, 63 tuổi, cũng là một thành viên chủ chốt của CDU. Ông là người đầu tiên để lộ ý định sẽ chạy đua vào ghế chủ tịch CDU sau khi tin tức bà Merkel không làm chủ tịch được công bố.
Ông có chiến lược chính trị khá rõ ràng. Chính trị gia này muốn cắt giảm thuế, thiết lập một liên minh châu Âu EU mạnh mẽ hơn và có những cách tiếp cận cứng rắn hơn nhằm thách thức đảng thuộc phe cực hữu.
Ưu thế của ông Merz chính là quê nhà của ông, vùng phía tây North Rhine-Westphalia chiếm 296 ghế đại biểu trong đại hội (30% tổng số). Một chính trị gia kỳ cựu của CDU nói rằng nhiều đại biểu tới cuộc họp khi chưa chốt sẽ bầu cho ai, sẽ có xu hướng cân nhắc xem ai có thể đại diện cho họ dựa vào một số yếu tố. Với lợi thế quê nhà, ông Merz có thể tạo nên sự thay đổi.
Theo Straits Times, ông Merz từng thua bà Merkel hồi năm 2002 trong cuộc đua vào ghế lãnh đạo CDU. Ông đã quay lại con đường chính trị sau 10 năm tập trung làm kinh doanh. Ông nhận được sự ủng hộ từ những thành viên CDU không ủng hộ phong cách làm chính trị của bà Merkel.
“Ngôi sao” đang lên
Ứng cử viên cuối cùng là chính trị gia trẻ tuổi Jens Spahn. Ông sinh năm 1980 và hiện đang là Bộ trưởng Y tế Đức, đồng thời là thành viên của Quốc hội Đức.
Ông Spahn có thể trở thành “ngựa ô” của cuộc bầu cử lần này. Ông là người có quan điểm chỉ trích thẳng thắn bà Merkel về chiến lược cho người tị nạn của bà. Ông từng bày tỏ quan điểm bất đồng với việc bà Merkel mở cửa chào đón hơn 1 triệu người tị nạn vào Đức năm 2015.
Vào Hạ viện Đức khi mới chỉ 22 tuổi, ông Spahn đã có những đóng góp nhất định cho CDU và nước Đức. Ông được truyền thông và một số chính trị gia lão luyện ưu ái gọi bằng cái tên “ngôi sao” đang lên.
Ông Spahn là một người đồng tính. Ông đã kết hôn với nhà báo Daniel Funke hồi năm ngoái.
Tuổi trẻ tài cao là lợi thế, song một số thành viên CDU tỏ ra ngoài khi rằng ông Spahn còn quá trẻ, và thiếu kinh nghiệm cần thiết để trở thành lãnh đạo đảng. Ngoài ra, việc chỉ trích thẳng thắn chính sách của bà Merkel có thể là điều bất lợi vì nó có thể khiến các đồng minh của Thủ tướng Đức giảm bớt thiện cảm với chính trị gia này.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn