Lực lượng phòng vệ Nhật Bản duyệt binh phô diễn sức mạnh
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) ngày 14/10 đã tổ chức lễ duyệt binh với sự tham gia của 260 xe tăng và các phương tiện quân sự cùng 40 máy bay chiến đấu. Thủ tướng Shinzo Abe đã tới dự sự kiện này.
Về lý thuyết, Nhật Bản không có lực lượng quân đội mà chỉ có Lực lượng Phòng vệ (SDF). Do vậy, SDF thực chất chính là quân đội quốc gia Nhật Bản.
Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya chào cờ trong lễ duyệt binh tại căn cứ Asaka ở phía bắc Tokyo.
SDF được đánh giá là lực lượng quân sự được trang bị tốt nhất và hiện đại nhất thế giới. SDF xếp thứ 8 thế giới xét về quy mô ngân sách.
Lễ duyệt binh diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe, người vừa tái đắc cử vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do cầm quyền hồi tháng trước với nhiệm kỳ 3 năm, đang quyết tâm theo đuổi mục tiêu sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.
Được viết sau khi Nhật Bản đầu hàng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, hiến pháp Nhật Bản không cho phép nước này phát động chiến tranh và duy trì quân đội thường trực. Tuy nhiên Thủ tướng Abe muốn thay đổi Điều 9 Hiến pháp để mở rộng vai trò và năng lực của SDF.
Được thành lập từ năm 1954, dư luận ban đầu vẫn hoài nghi về vai trò của SDF. Tuy nhiên lực lượng này hiện nay đã nhận được nhiều sự ủng hộ nhờ những đóng góp tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế và cứu trợ thảm họa.
“90% người dân (Nhật Bản) hiện nay trân trọng SDF. Các bạn đã giành được sự tin tưởng của công chúng. Bây giờ đã đến lúc các chính trị gia chúng tôi hoàn thành trách nhiệm tạo ra một môi trường để SDF có thể thực hiện các nhiệm vụ với niềm tự hào”, Thủ tướng Abe phát biểu trước 4.000 thành viên thuộc SDF.
Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe, Nhật Bản liên tục tăng ngân sách cho SDF và tăng cường tham gia các cuộc tập trận hải quân trong khu vực. SDF cũng tiến hành các cuộc cải cách cơ cấu. Đội lính thủy đánh bộ đầu tiên của Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã được thành lập hồi tháng 3.
Vào năm tới, Nhật Bản dự kiến sẽ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa bổ sung tới các tỉnh phía nam. Các hệ thống này cũng có nhiệm vụ theo dõi các hoạt động Trung Quốc và Triều Tiên.
Ý tưởng sửa đổi hiến pháp của Thủ tướng Abe hiện vẫn vấp phải sự tranh cãi từ phía dư luận. Những người phản đối cho rằng việc sửa đổi là không cần thiết vì SDF đã được thừa nhận rộng rãi là quân đội Nhật Bản cả ở trong và ngoài nước.
Để thay đổi hiến pháp có hiệu lực, Nhật Bản cần ít nhất 2/3 sự đồng thuận ở cả hai viện trước khi trưng cầu dân ý. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy các cử tri Nhật Bản quan tâm đến các vấn đề về chi phí giáo dục, kinh tế hơn là quân đội.
Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản tham gia lễ duyệt binh.
Dàn vũ khí Nhật Bản phô diễn sức mạnh trong duyệt binh