Một chủ đề xuyên suốt trong nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Donald Trump là chỉ trích các cuộc chiến kéo dài bất tận tại Trung Đông sau vụ khủng bố 11/9 đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD như thế nào.
Tổng thống Trump tin rằng ông đắc cử, một phần, bởi cam kết rút Mỹ khỏi các cuộc chiến này. Và trong một năm qua, ông Trump đã làm được điều mà ông đã hứa, khi rút dần quân đội Mỹ khỏi Afghanistan và Syria.
Một cuộc không kích xảy ra vào ngày 2/1, do đích thân ông Trump ra lệnh, đã cướp đi sinh mạng của Tư lệnh Iran Qasem Soleimani, một trong những vị tướng có vai trò quan trọng nhất và tầm ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Đông.
Max Boot, chuyên gia phân tích các vấn đề toàn cầu, nói với CNN rằng, Mỹ chưa từng giết bất kỳ lãnh đạo quân đội cấp cao nào của một nước khác kể từ năm 1943, thời điểm Mỹ bắn rơi máy bay chở Đô đốc Isoroku Yamamoto - “kiến trúc sư” của trận Trân Châu Cảng.
Cuộc không kích lần này đã đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng của cuộc đối đầu kéo dài từ lâu giữa Mỹ và Iran, bởi Tướng Soleimani là lãnh đạo của lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei thề sẽ “trả thù” cho cái chết của Tướng Soleimani.
Trong bối cảnh lực lượng ủy nhiệm của Iran hiện diện trên toàn Trung Đông, từ Lebanon cho tới Iraq, từ Syria cho tới Yemen, cùng với đó là năng lực tên lửa đạn đạo và sức mạnh quân sự đáng gờm của Iran, đây là mối đe dọa mà Mỹ phải nghiêm túc cân nhắc.
Ngày 3/1, Mỹ kêu gọi sơ tán toàn bộ công dân nước này khỏi Iraq “ngay lập tức”.
Tổng thống Trump bây giờ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại nghiêm trọng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Một phần của cuộc khủng hoảng này do chính tổng thống tự gây ra cho mình.
Theo cách nói của nhà lý luận cách mạng Leon Trotsky: Bạn có thể không quan tâm tới các cuộc chiến tại Trung Đông, nhưng những cuộc chiến này vẫn dính líu tới bạn.
Tuy nhiên, ông Trump không phải tổng thống Mỹ đầu tiên nhận ra rằng, việc rút Mỹ hoàn toàn khỏi khu vực này khó khăn như thế nào.
Bài toán “đau đầu” các đời Tổng thống Mỹ
Tổng thống Jimmy Carter từng đối mặt với cuộc khủng hoảng con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Iran, khiến ông chỉ có thể làm tổng thống một nhiệm kỳ.
Tổng thống Ronald Reagan phải rút quân khỏi Li Băng, sau khi 241 quân nhân Mỹ bị giết trong một vụ đánh bom bằng xe tải ở Beirut vào năm 1993 do lực lượng dân quân Hezbollah được Iran hậu thuẫn gây ra.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Reagan cũng lao đao do vụ bê bối trao đổi vũ khí với Iran để đổi lấy các con tin người Mỹ và châu Âu bị Hezbollah bắt giữ ở Li Băng.
Tổng thống George H.W. Bush cũng đáp trả việc Tổng thống Iraq Saddam Hussein đưa quân vào Kuwait năm 1990, vốn đe dọa cả nước láng giềng Ả rập Xê út, bằng việc triển khai hàng trăm nghìn binh sĩ Mỹ để đẩy lùi nhà lãnh đạo Iraq khỏi Kuwait.
Nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton chứng kiến sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Trong giai đoạn này, al-Qaeda đã ném bom 2 đại sứ quán Mỹ ở châu Phi, khiến hơn 200 người thiệt mạng vào năm 1998.
Hai năm sau đó, al-Qaeda tiếp tục tấn công tàu khu trục USS Cole của Mỹ tại Yemen, khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng.
Vụ khủng bố 11/9 là một trong những sự kiện ghi dấu ấn mạnh nhất trong lịch sử Mỹ. Kết quả là, Tổng thống George W. Bush đã phát động một cuộc chiến tại Afghanistan nhằm tiêu diệt al-Qaeda và Taliban, và 2 năm sau đó là cuộc chiến ở Iraq.
Tổng thống Barack Obama cũng gia tăng đáng kể các chiến dịch bí mật bằng máy bay không người lái của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhằm vào tổ chức khủng bố al-Qaeda tại Pakistan và Yemen.
Ông Obama cũng chứng kiến việc rút quân đội Mỹ khỏi Iraq vào năm 2011. 3 năm sau đó, khi IS gần như nắm giữ cửa ngõ vào thủ đô Baghdad, ông Obama đã đưa hàng nghìn quân Mỹ trở lại Iraq để chiến đấu với lực lượng khủng bố này.
Tổng thống Trump có khuynh hướng muốn rút Mỹ khỏi Trung Đông. Nhưng cũng giống như các đời tổng thống trong hơn 4 thập niên trước đó, ông đang bị kéo ngược trở lại khu vực này. Chính ông Trump đã góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng ở Trung Đông khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ngày 3/10/2017, cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã điều trần trước Uỷ ban quân vụ Thượng viện Mỹ rằng, Iran vẫn đang tuân thủ thoả thuận hạt nhân. Khi Thượng nghị sĩ Angus King hỏi ông Mattis về việc liệu ông có tin thoả thuận này phù hợp với các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ hay không, ông Mattis nói: “Tôi nghĩ là như vậy”.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định suốt 2 năm qua rằng, thoả thuận hạt nhân Iran là “thoả thuận tồi tệ nhất từ trước đến nay”. Do vậy, năm 2018, ông Trump đã rút Mỹ khỏi thoả thuận này. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng bổ sung các biện pháp trừng phạt nhằm hủy diệt nền kinh tế của Iran và góp phần dẫn đến các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Iran.
Tháng 7/2019, Iran thông báo rằng họ đang phá vỡ cam kết trong thoả thuận hạt nhân bằng cách làm giàu uranium vượt ngưỡng cho phép. Mặc dù ngưỡng này còn cách xa mức để chế tạo bom hạt nhân, song cũng là một bước tiến trên con đường tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, chương trình mà ông Trump từng nhiều lần nói sẽ không bao giờ cho phép.
Từ tháng 6/2019, Iran nhiều lần “phản đòn” Mỹ, bằng việc bắn rơi một máy bay trinh sát không người lái của Mỹ và bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công các cơ sở dầu quan trọng nhất của Ả rập Xê út. Trong khi các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn đã tấn công các căn cứ của Mỹ ở Iraq.
Ở thời điểm hiện tại, Mỹ và Iran đang đứng bên bờ vực của cuộc chiến mà không bên nào thực sự mong muốn. Tuy nhiên, Iran có lẽ đang cảm thấy rằng họ phải đáp trả thích đáng vụ Mỹ giết Tướng Soleimani. Khi đó, hai bên có thể leo lên “bậc thang căng thẳng” và dẫn tới một cuộc xung đột lớn hơn.
Thành Đạt
Tổng hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn