Vài giờ sau khi tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, thiệt mạng trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái ở Iraq hôm 2/1, cái chết của ông được “diễn tả” bằng nhiều hình thức khác nhau. Tổng thống Donald Trump nói rằng tướng Soleimani đã bị “kết liễu”, trong khi một số quan chức Mỹ khác gọi đây là “vụ giết người có chủ đích” và là “hành động gây chết người”.
Tuy nhiên, cả Tổng thống Iran và Thủ tướng Iraq đều khẳng định cái chết của tướng Soleimani là một “vụ ám sát” và về cơ bản là một vụ giết người mang động cơ chính trị.
Giới chức Mỹ cho đến nay vẫn không thừa nhận việc tư lệnh Iran thiệt mạng trong một cuộc không kích do Tổng thống Trump phát lệnh là một vụ ám sát. Đây là điều không bất ngờ, bởi hành vi ám sát bị coi là phạm pháp theo luật liên bang của Mỹ từ năm 1981.
Dù luật đã được ban hành, song rốt cuộc vẫn có những nhân vật bị ám sát và không phải lúc nào chính phủ Mỹ cũng bị coi là phạm luật. Điều này một phần bởi luật Mỹ không định nghĩa chính xác thế nào là “ám sát”, trong khi vẫn có những bộ luật khác được các chính quyền Mỹ sử dụng để biện minh cho hành động ám sát của mình.
Để lý giải cho quyết định không kích, chính quyền Trump đã lấy lý do về mối đe dọa xuất phát từ những kế hoạch mà họ cho là “sắp xảy ra” do tướng Soleimani chuẩn bị, theo đó phản ứng của Mỹ trong trường hợp này mang tính “tự vệ”.
Một yêu cầu then chốt để một cuộc tấn công được coi là hợp pháp theo Điều 2 của Hiến pháp Mỹ là phải có một mối đe dọa “sắp xảy ra”.
Mối đe dọa “sắp xảy ra”
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với CNN rằng tướng Soleimani đã “tích cực ủ mưu” để tiến hành các cuộc tấn công mà có thể “đặt hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm người Mỹ, vào vòng nguy hiểm”. Ông Pompeo khẳng định các cuộc tấn công này “sắp xảy ra”.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, ngày 3/1 nói rằng mối đe dọa từ tướng Soleimani được tính bằng “ngày và tuần”.
“Điều đó còn phụ thuộc vào cái mà bạn gọi là sắp xảy ra. Nhưng chúng tôi tin rằng ông ấy (Soleimani) đang thực hiện những bước cuối cùng” trước khi ra lệnh tấn công, khi ông ấy tới thăm Beirut (Li Băng) và Damascus (Syria) vài ngày trước khi ông ấy bị giết.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên rằng, có rất nhiều bằng chứng cho thấy tướng Soleimani sẽ phát động một cuộc tấn công quân sự hoặc khủng bố nhằm vào các lợi ích của Mỹ, tuy nhiên bắt giữ tư lệnh Iran là một việc khó khăn.
“Không ai có thể ngăn chặn Qasem Soleimani khi ông ta vẫn chạy lòng vòng, do vậy phải đoạt mạng ông ấy”, quan chức Mỹ cho biết.
Tấn công tự vệ
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định cuộc không kích của Mỹ là hành động tự vệ. Theo quan chức này, tên lửa giết chết một nhà thầu quốc phòng của Mỹ ở Iraq vào ngày 29/12/2019 là vụ tấn công thứ 11 trong vòng 2 tháng do tướng Soleimani và các lực lượng ủy nhiệm của ông tiến hành.
Giới chức Mỹ kết luận các cuộc tấn công này đều do Kataib Hezbollah, một nhóm dân quân Iraq được Iran hậu thuẫn, tiến hành. Thủ lĩnh của Hezbollah có mối quan hệ rất thân thiết với tướng Solemani.
Theo hiến chương Liên Hợp Quốc, tự vệ được hiểu là quyền đáp trả một cuộc tấn công vũ trang. Agnes Callamard, thanh sát viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc, cho biết luật quốc tế cho phép một quốc gia trong trường hợp tự vệ có thể thực hiện cuộc tấn công giết người nhưng phải có đủ bằng chứng để chứng minh rằng, đó là lựa chọn duy nhất để ngăn chặn một cuộc tấn công sắp xảy ra.
Theo bà Callamard, luật quốc tế về vấn đề tự vệ vẫn đang được sửa đổi, do vậy đây vẫn là câu chuyện khó giải thích và gây tranh cãi. Bà Callamard cho rằng đối với mỗi trường hợp viện dẫn luật, “chúng ta cần phải có sự minh bạch và trách nhiệm”.
Chia sẻ với CNN, bà Callamard cho biết nếu Mỹ và Iran đang xảy ra một cuộc xung đột vũ trang, luật chiến tranh sẽ được áp dụng và tướng Soleimani sẽ trở thành một mục tiêu hợp pháp. Trong trường hợp này sẽ không cần tới một tuyên bố chiến tranh chính thức.
Tuy nhiên, hầu hết giới chuyên gia đều cho rằng, có rất ít bằng chứng cho thấy Mỹ và Iran đang xảy ra xung đột vũ trang. Thậm chí, hai nước còn đang cùng chiến đấu với một kẻ thù chung là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại các khu vực như Iraq. Đó là chưa nói tới việc, Tổng thống Trump còn chưa nhận được sự ủy quyền chính thức từ Quốc hội Mỹ về việc tấn công Iran.
Hina Shamsi, giám đốc Dự án An ninh Quốc gia thuộc Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ, nhận định lời giải thích của chính quyền Trump cho vụ giết tướng Iran là không thuyết phục.
“Những trường hợp vốn rất hạn chế, trong đó việc sử dụng vũ lực được cho phép theo cả luật trong nước và quốc tế, vẫn không được áp dụng trong trường hợp này”, Shamsi cho biết.
Tổng thống Trump ngày 5/1 ngụ ý rằng, các thông tin tình báo dẫn tới quyết định giết tướng Iran sẽ được công bố. Oona Hathaway, cựu cố vấn đặc biệt tại Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận định: “Nếu có thêm thông tin, tổng thống sẽ là người chịu trách nhiệm cung cấp. Chúng ta không cần phải đoán”.
Kẻ khủng bố và người đại diện nhà nước
Trước đây, chính quyền Mỹ thường phân biệt rất rạch ròi việc tiêu diệt hai nhóm đối tượng: một là các phần tử “khủng bố”, những kẻ không đại diện cho một nhà nước, và hai là những người thuộc chính phủ nước ngoài. Tuy nhiên với trường hợp của tướng Soleimani, sự phân biệt này rất mơ hồ.
Chính quyền Mỹ từng xếp tướng Soleimani vào nhóm đối tượng khủng bố năm 2011. Trong khi đó, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, trong đó có lực lượng Quds do ông Soleimani lãnh đạo, cũng bị coi là tổ chức khủng bố vào tháng 4/2019.
Chính quyền Trump từng tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái để tiêu diệt nhiều đối tượng ở Somalia, Yemen, Syria và một số nơi khác. Gần đây nhất, Mỹ đã tiến hành cuộc đột kích tại Syria để tiêu diệt Abu Bakr al Baghdadi, thủ lĩnh của tổ chức khủng bố IS.
Tuy nhiên, theo Karen Greenberg, giám đốc Trung tâm An ninh Quốc gia tại Trường Luật thuộc Đại học Fordham, tướng Soleimani hoàn toàn khác so với các trường hợp trước đây.
“Bạn không thể nhắm mục tiêu tới một quan chức của một chính phủ nước ngoài, rồi nói rằng đó không phải là chiến tranh. Chính quyền (Trump) đã vượt qua lằn ranh đỏ và mức độ nghiêm trọng của vụ việc này là không thể xem nhẹ”, bà Karen nhận định.
Theo Agnes Callamard, thanh sát viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc, không thể so sánh tướng Soleimani với trùm khủng bố Osam bin Laden, người bị Mỹ tiêu diệt trong một cuộc đột kích, hay thủ lĩnh IS Baghdadi, bởi vì ông Soleimani “là đại diện cho một nhà nước và đây là một tình huống rất khác”.
Bà Callamard cho rằng hành động ám sát tướng Iran của Mỹ đã làm thay đổi các quy chuẩn quốc tế.
“Thể chế hay quy tắc nào sẽ bảo vệ tốt nhất cho con người trên toàn thế giới, và liệu cuộc tấn công này có lợi ích gì cho luật quốc tế hay không”, bà Callamard đặt câu hỏi.
Thành Đạt
Tổng hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn