Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad, Iraq vào tối 2/1. Vụ tấn công do Tổng thống Donald Trump phát lệnh khiến căng thẳng Mỹ và Iran leo thang.
Một số chuyên gia pháp lý đã hoài nghi về việc liệu Tổng thống Trump có đủ thẩm quyền pháp lý để phát lệnh tấn công Tướng Soleimani trên lãnh thổ Iraq, khi chưa có sự cho phép của chính quyền Iraq, hay liệu hành động này có được coi là hợp pháp theo quy định của luật Mỹ cũng như luật quốc tế hay không.
Thủ tướng Iraq cho biết Mỹ đã vi phạm thỏa thuận về việc cho phép quân đội Mỹ đồn trú tại Iraq. Một số đảng phái chính trị tại Iraq đã cùng nhau kêu gọi trục xuất binh sĩ Mỹ khỏi lãnh thổ nước này.
Hiến chương Liên Hợp Quốc về cơ bản cấm sử dụng vũ lực để chống lại các quốc gia khác, tuy nhiên vẫn đưa ra ngoại lệ về trường hợp một quốc gia cho phép nước khác sử dụng vũ lực trên lãnh thổ của mình.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng việc Mỹ chưa nhận được sự đồng ý của Iraq trước khi tiến hành cuộc không kích khiến Washington khó có thể biện minh cho hành động giết người của mình.
Theo Giáo sư Oona Hathaway tại Trường Luật Yale, một chuyên gia về luật quốc tế, những gì diễn ra trên thực tế “dường như không ủng hộ” cho lời biện minh của Mỹ rằng, cuộc không kích là hành động tự vệ và “được thực hiện phù hợp với cả luật pháp trong nước lẫn luật pháp quốc tế”.
Lầu Năm Góc viện lý do nhắm mục tiêu tới Tướng Soleimani để ngăn chặn "các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai". Trong khi đó, Tổng thống Trump cho biết tướng Iran trở thành mục tiêu bị tấn công vì ông đã lên kế hoạch cho một cuộc tấn công "sắp xảy ra và nguy hiểm" nhắm vào các nhà ngoại giao và lực lượng quân sự Mỹ.
Hoài nghi về động cơ của Mỹ
Robert Chesney, chuyên gia về luật an ninh quốc gia tại Đại học Texas, cho rằng chính quyền Mỹ đang viện dẫn điều khoản về hành động tự vệ trong Hiến chương Liên Hợp Quốc để giải thích cho cuộc không kích tại Iraq.
“Nếu họ cho rằng ông ấy đang lên kế hoạch cho các chiến dịch nhằm giết hại người Mỹ, họ có thẩm quyền để đáp trả”, ông Chesney nói.
Theo Scott Anderson, cựu cố vấn pháp lý cho Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad dưới thời Tổng thống Barack Obama, cái cớ do Tổng thống Trump đưa ra theo luật quốc tế vẫn chưa thỏa đáng. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng có thể tìm cách lập luận rằng chính quyền Iraq hoặc chưa sẵn sàng, hoặc không đủ khả năng đối phó với mối đe dọa từ Tướng Soleimani, theo đó Mỹ có quyền để hành xử mà không cần sự chấp thuận của Iraq.
Điều 51 trong Hiến chương Liên Hợp Quốc đề cập tới quyền tự vệ cá nhân hoặc tập thể nhằm chống lại các cuộc tấn công vũ trang. Chính phủ Mỹ từng viễn dẫn Điều 51 để lý giải cho việc can thiệp quân sự ở Syria nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hồi năm 2014.
Các lực lượng quân sự Mỹ hiện diện ở Iraq cũng nhằm mục đích chiến đấu với IS. Hiện có khoảng 5.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở Iraq, trong đó phần lớn giữ vai trò cố vấn.
Thỏa thuận khung chiến lược Washington - Baghdad ký năm 2008 thúc đẩy hợp tác quốc phòng chặt chẽ nhằm ngăn chặn các mối đe dọa đối với "chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq", nhưng cấm Mỹ sử dụng Iraq làm nơi phát động tấn công các quốc gia khác.
Bà Agnes Callamard, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về các vụ giết người không qua xét xử, cũng đặt nghi vấn về tính chính đáng của cuộc không kích do Mỹ tiến hành tại Iraq.
“Việc (Mỹ) nhắm mục tiêu tới Tướng Soleimani dường như là nhằm trả đũa các hành động trong quá khứ của ông này hơn là hành động tự vệ trước các cuộc tấn công sắp xảy ra”, bà Callamard nhận định.
Theo Mary Ellen O’Connell, chuyên gia về luật quốc tế và luật chiến tranh tại Trường Luật thuộc Đại học Notre Dame, vì Mỹ chưa bao giờ tuyên bố chiến tranh chính thức với Iran, nên việc nhắm mục tiêu giết chết một quan chức cấp cao của Iran “rõ ràng là hành vi ám sát”.
Chuyên gia Ellen cho rằng, vụ giết người này không thể được coi là hành vi tự vệ, vì Iran chưa bao giờ tiến hành một cuộc tấn công toàn diện và trực tiếp nhằm vào Mỹ. Theo bà Ellen, một “vụ giết người có tính toán từ trước nhằm vào một chỉ huy vì những gì mà họ đã làm trên chiến trường hay vì những gì họ có thể làm (trong tương lai) đều bị cấm theo luật xung đột vũ trang”.
Ngoài ra, một sắc lệnh hành pháp được đưa ra từ năm 1976 và hiện vẫn còn hiệu lực tại Mỹ đã cấm Washington tiến hành các vụ ám sát chính trị. Sắc lệnh này được đưa ra sau khi có thông tin về việc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tổ chức hoặc trừng phạt các nỗ lực ám sát nhằm vào các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có lãnh tụ Cuba Fidel Castro.
Các nghị sĩ Dân chủ của Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Trump cung cấp thông tin chi tiết về các mối đe dọa “sắp xảy ra” từ Tướng Soleimani như ông chủ Nhà Trắng cáo buộc. Giới chỉ trích cũng nghi vấn về thẩm quyền của Tổng thống Trump khi giết Tướng Soleimani theo luật pháp Mỹ, đồng thời đặt ra câu hỏi về việc liệu ông Trump có phải xin ý kiến của Quốc hội trước khi phát lệnh không kích hay không.
Các chuyên gia pháp lý lưu ý rằng, các tổng thống Mỹ từ cả hai đảng gần đây đều có quan điểm rất mở về thẩm quyền đơn phương của họ trong việc sử dụng vũ lực phủ đầu.
Trong vụ việc của Tướng Soleimani, lập luận “tự vệ” của chính quyền Trump chỉ có thể dựa trên cơ sở dự đoán về kế hoạch tấn công "sắp xảy ra" nhằm tấn công người Mỹ. Theo luật Mỹ, vì lý do tự vệ, chính phủ có quyền hành động mà không cần thông báo trước cho Quốc hội hoặc hành động theo ủy quyền của Quốc hội trước khi sử dụng lực lượng quân sự. Tuy vậy, các nghị sĩ Dân chủ vẫn kêu gọi Tổng thống Trump tham vấn Quốc hội trước khi tự ý phát lệnh tấn công.
Thành Đạt
Theo AFP, Reuters
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn