London lại rúng động vì bị khủng bố tấn công, chỉ 11 ngày sau vụ khủng bố tại Manchester. Một loạt vụ tấn công khủng bố diễn ra trên cầu London và khu Borough Market xảy ra vào rạng sáng 4/6 (theo giờ Hà Nội). Truyền thông Anh cho biết có ít nhất 9 người chết và hàng chục người bị thương.
Toàn bộ khu vực quanh hiện trường đã bị phong tỏa, kể cả trên bờ và dưới sông Thames, để phục vụ công tác điều tra. Tất cả các ga tàu gần khu vực này cũng đã tạm thời đóng cửa. Các nhà hàng, quán bar tại khu Borough Market cũng bị yêu cầu đóng cửa và giải tán khách.
Thủ tướng Anh Theresa May đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp để xem xét tình hình.
Các vụ tấn công mới nhất tại London xảy ra trong bối cảnh nước Anh vẫn được đặt trong tình trạng an ninh cao độ sau vụ đánh bom liều chết tại thành phố Manchester hôm 22/5 khiến 22 người thiệt mạng và 59 người bị thương.
Trước đó, ngày 22/3, một đối tượng đã lái xe lao qua cầu Wesminster đâm vào nhiều người đi đường trước khi xông thẳng về phía tòa nhà Quốc hội Anh và dùng dao đâm nhân viên cảnh sát bảo vệ. IS tự xưng đã thừa nhận đứng sau các vụ tấn công này.
Như vậy là chỉ trong vòng hơn 2 tháng, các vụ tấn công khủng bố tại nước Anh đã giết chết hơn 30 người và khiến gấn 100 người bị thương.
Một con số kinh khủng!
Chủ nghĩa khủng bố đang thẩm định lại giá trị tự do - dân chủ?
Từ cuối thế kỷ 20, khi hai từ KHỦNG BỐ được dùng để đặt tên cho những kẻ thực hiện những cuộc thảm sát không mang mục đích quân sự để khẳng định vị thế chính trị, cũng không mang tính chất cướp bóc vì đói nghèo, thì lực lượng này ngày càng lớn mạnh, song hành cùng với sự phát triển của nguyên tắc tự do - dân chủ.
Khi nguyên tắc tự do - dân chủ được cổ vũ và truyền bá khắp toàn cầu nhằm chống lại độc tài quân sự hay chuyên chế chính trị, thì cùng lúc chủ nghĩa khủng bố chính thức thành hình và gieo rắc kinh hoàng ở khắp nơi trên thế giới văn minh.
Người ta giật mình khi nhìn lại những vụ tấn công đầu tiên của những kẻ khủng bố được tiến hành ở những nơi mà sức mạnh của tự do được bảo đảm và khi chủ nghĩa khủng bố thành hình thì chủ thuyết của nó lại bắt đầu từ những nguyên tắc của nền dân chủ.
Những cuộc tấn công kinh hoàng gần đây của những kẻ khủng bố khiến câu hỏi về tính ưu việt của sự tự do và giá trị của nền dân chủ theo chuẩn mực hiện thời, đã được đặt ra.
Theo chỉ số phát triển con người (HDI) của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) dựa trên chỉ số đáng sống thì các nước G-7 thuộc top đầu và các quốc gia này cũng được xem là đi đầu về tư do - dân chủ, song đây lại là những nơi chủ nghĩa khủng bố tấn công và đe doạ tấn công nhiều nhất.
Cũng theo UNDP, mức sống của những quốc gia sau khi được khai sáng bởi sức mạnh của tự do thì lại thấp hơn so với trước đó, những quốc gia trước đây được cai trị bằng chế độc tài nay được khai sáng bởi nền dân chủ thì chỉ số đáng sống lại ngày càng giảm sút. Và đây là những nơi khủng bố phát triển mạnh nhất.
Trả lời phỏng vấn của BBC, nguyên Tổng thư ký LHQ Kofi Annan cho rằng mức sống của người Iraq hiện nay tồi tệ hơn rất nhiều so với thời chính quyền Saddam Hussein.
Ông Annan tiếc vì không ngăn chặn được cuộc chiến của Anh - Mỹ tại Iraq để giảm bớt đau khổ cho người dân Iraq.
Theo The Guardian, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi là người Iraq, từng chống lại Mỹ, bị Mỹ bắt và bỏ tù. Thủ lĩnh IS đã thành lập tổ chức, phát triển lực lượng, xây dựng chủ thuyết ngay ở Iraq thời hậu Saddam, từ ngay trong nhà tù của Mỹ.
Iraq thời hậu Saddam Hussein đã trở thành nơi IS thể hiện sức mạnh và phát huy thanh thế lớn nhất.
Như vậy, có thể thấy chủ nghĩa khủng bố khẳng định sức mạnh bằng tấn công ở những nơi tự hào khai sinh ra tự do - dân chủ, chủ nghĩa khủng bố khẳng định sức sống ở những nơi may mắn được khai sáng bởi ánh sáng của tự do - dân chủ.
Sức mạnh, sức sống của chủ nghĩa khủng bố đang như một sự thẩm định lại tính ưu việt của sự tự do và giá trị của nền dân chủ đang được người ta truyền bá và phổ quát toàn thế giới.
The Guardian đã nhận định: “ IS thâm nhập vào cuộc sống của giới trẻ, chúng hiểu rõ những mâu thuẫn trong xã hội ở các nước tự do, khắc sâu những mâu thuẫn đó, khiến cho giới trẻ đầy tự tôn dân chủ trở nên căm ghét xã hội”.
Phải định nghĩa lại tự do và dân chủ để cắt nguồn sống của chủ nghĩa khủng bố?
Theo tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, khi xã hội loài người chưa có các quy phạm điều chỉnh hành động, hoạt động thì không có ý niệm tự do, không có khái niệm dân chủ, mà chỉ có sự tự do, dân chủ gắn liền với việc “có thể làm bất cứ điều gì mình muốn”. Và xã hội rối loạn.
Do vậy, khi con người đặt ra quy phạm để điều chỉnh xã hội vận hành theo những nguyên tắc nhất định, điều đó đồng nghĩa với việc “khép lại cánh cửa tự do vô tổ chức, dân chủ vô nguyên tắc” và nó dần được mở ra cùng với sự phát triển của xã hội loài người.
Tính hai mặt của mọi sự vật, hiện tượng luôn là bất biến. vì vậy khi “mở cửa cho tự do, dân chủ” để đảm bảo quyền con người, thúc đẩy xã hội phát triển thì cũng đồng thời với sự xuất hiện những ảnh hưởng trái chiều của việc mở cửa ấy.
Tự do phải trong khuôn khổ - khuôn khổ của tự do chính là tiến bộ xã hội, nếu vượt quá khuôn khổ thì tự do sẽ dẫn đến vô tổ chức và con người sẽ bị lệ thuộc, nô lệ vào “cái gọi là tự do” ấy.
Hiện nay, chủ nghĩa khủng bố đang lợi dụng, tận dụng sự vô tổ chức của “cái gọi là tự do” để xây dựng chủ thuyết của mình.
Dân chủ phải có nguyên tắc - nguyên tắc của dân chủ cũng chính là tiến bộ xã hội, nếu vượt quá nguyên tắc thì sẽ dẫn tới dân chủ quá trớn và con người ta sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn với những nguyên tắc của chính mình.
Hiện nay, chủ nghĩa khủng bố cũng đang vận dụng cái sự luẩn quẩn ấy để rao giảng chủ thuyết của chúng.
Khi “cánh cửa tự do – dân chủ” được mở không hợp lý, không tương thích với sự phát triển của xã hội, từ đó sẽ gây ra một nghịch lý là càng tự do, càng dân chủ thì chủ nghĩa khủng bố càng có điều kiện phát triển và khẳng định sức mạnh chủ thuyết của chúng.
Bom đạn có thể giết chết những kẻ khủng bố nhưng không thể tiêu diệt được chủ nghĩa khủng bố, nếu tự do và nền dân chủ không được định nghĩa lại cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Tất cả những gì được gọi là tự do, dân chủ mà không tương thích với sự phát triển xã hội, làm suy yếu nhà nước, làm lung lay chế độ, làm ảnh hưởng đến lợi ích dân tộc, chủ quyền quốc gia, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân đều không thể tồn tại hợp pháp.
The New York Times dẫn lời cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diện khi ông xác định nguyên tắc xây dựng mô hình cho nhà nước Singapore: "Mô hình nhà nước Singapore bao gồm quyền lực tập trung, chính phủ trong sạch và chủ nghĩa tự do kinh tế. Mặc dù nó có bị chỉ trích vì có đàn áp đối lập chính trị, áp đặt những giới hạn nghiêm ngặt về tự do ngôn luận và hội họp công cộng, tạo ra một môi trường quá cẩn trọng và thông tin bị kiểm duyệt”.
Ngày nay Singapore đã phát triển và trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, trong đó có cả hình mẫu về khắc chế chủ nghĩa khủng bố.
Và một thực tế đáng suy ngẫm là Libya dưới thời Gaddafi, Iraq dưới thời Saddam Hussein và Triều Tiên ngày nay, là những thực thể chính trị đảm bảo có hệ số miễn nhiễm với chủ nghĩa khủng bố cao nhất thế giới, dù luôn bị phương Tây lên án là "chuyên chế".
Tác giả: Theo Ngọc Việt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn