Hãng sản xuất Pratt and Whitney cho biết, thế hệ động cơ mới được xây dựng dựa trên nguyên bản động cơ F135, với công nghệ tổng hợp từ các chương trình vũ khí của Hải quân và Không quân Mỹ.
Theo giới thiệu của nhà sản xuất, F135 Growth Option 1 tăng lực đẩy mạnh hơn 10% và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu đi 6%.
Nhà sản xuất lý giải, lực đẩy lớn hơn sẽ giúp tiêm kích F-35 cận chiến tốn hơn, đồng thời phản ứng nhanh hơn đối với các mối đe dọa.
Được biết, trước khi có quyết định trang bị động cơ mới cho F-35, động cơ F135 trang bị cho tiêm kích F-35 đã gặp hàng loạt sự cố không thể chấp nhận được, trong đó có lỗi gãy cánh quạt turbin - lỗi rất hiếm khi xảy ra với các chiến đấu cơ khác trên thế giới.
Vì vậy, tiêm kích F-35 sẽ được trang bị động cơ F135 Growth Option 1 với kết cấu cánh quạt turbin được thiết kế lại. Tuy nhiên, dù được trang bị với động cơ thiết kế mới nhưng người Mỹ vẫn chưa thể yên tâm trước khả năng cận chiến của dòng chiến đấu cơ này khi phải đối đầu với máy bay Nga.
Tạp chí quốc phòng National Interest dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, động cơ mới không giải quyết được vấn đề mà chỉ có phi công lão luyện và tên lửa AIM-9X mới giúp F-35 có cơ hội thắng được Su-35 Nga trong cận chiến.
Nhận định trên được chuyên gia Dave Majumbar nói đến trong bài phân tích đăng trên tạp chí National Interest. Vị chuyên gia này cho rằng, để giành lợi thế trước Su-35, trong tương lai phi công lái F-35 Mỹ có thể hy vọng vào loại tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X khi chúng được tích hợp lên chiến đấu cơ tàng hình này.
Tuy nhiên, trong tình huống buộc phải đối đầu với tiêm kích siêu cơ động Su-35 hiện tại, những kỹ năng và kinh nghiệm của phi công F-35 chỉ có thể giúp họ tồn tại. Dave Majumbar cho rằng, muốn giành lợi thế, F-35 sẽ phải tấn công mục tiêu xa ngoài tầm nhìn thị giác và tránh phải giao chiến tầm gần.
Vị chuyên gia này cho rằng, trên thực tế, rất ít khả năng các chỉ huy không quân Mỹ giao nhiệm vụ không chiến cho một chiếc F-35 nếu vẫn còn phương án dự phòng bởi khi thực chiến, F-35 sẽ thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất với sự yểm trợ của tiêm kích F-22 và F-15C.
Ngay trước khi chuyên gia Dave Majumbarđưa ra những nhận định này, Tư lệnh Không quân Mỹ, Tướng Herbert Carlisle vừa thừa nhận: "Tiêm kích F-35 không phải là một mẫu máy bay linh hoạt và không được thiết kế cho cận chiến trước đối thủ như Su-35 của Nga".
Trong cận chiến, Su-35 có khả năng huyền diệu là bay tốc độ thấp và đồng thời tăng tốc độ lên đến siêu âm, biến thành một "chàng thợ săn". Tốc độ tối đa của máy bay là 2,5 M, tầm hoạt động 3.600 km có thể mang 12 tên lửa tầm trung Vympel (chẳng hạn như các biến thể sửa đổi khác nhau của R-77).
Máy bay chiến đấu F-35 mang được ít tên lửa hơn và phạm vi hoạt động chỉ đạt 2.222 km còn tốc độ tối đa của nó là 1,6 M. Trong thực tế, F-35 không có những “tính năng kỳ lạ” mà phần lớn lực lượng không quân của thế giới đang rất cần.
Ngược lại, Su-35 cung cấp hiệu suất ngang bằng với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, thậm chí nó còn đáng sợ hơn đối với các lực lượng phương Tây bởi khả năng cực linh hoạt và cơ động: bay kiểu rắn hổ mang, xoay tròn tại chỗ, chuyển hướng đột ngột… điều còn xa lạ với hầu hết chiến đấu cơ của Mỹ.
Tác giả: Theo Thùy Dung
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn