Trong bài xã luận đăng tải trên một số tờ báo châu Âu hôm 15/5, ông Borrell cáo buộc Trung Quốc đang sử dụng chiến lược “chia để trị” ở châu Âu khi khai thác những sự khác biệt về ý kiến giữa các thành viên trong EU.
Ông Borrell kêu gọi các quốc gia châu Âu duy trì nguyên tắc tập thể cần thiết để tránh Trung Quốc lợi dụng quan điểm khác biệt giữa các nước trong vấn đề ngoại giao. Theo ông, thống nhất là điều kiện tiên quyết, vì ngay cả một nước lớn trong châu Âu cũng không thể một mình tạo ảnh hưởng trước một nước lớn.
“Phát triển một cách tiếp cận chung của EU với các nước lớn không bao giờ là dễ dàng, khi mỗi quốc gia đều có quan điểm và sự nhạy cảm nhất định. Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Hơn thế nữa, Trung Quốc không ngại ngùng lợi dụng những sự khác biệt đó”, ông Borrell nhận định.
Quan chức này cho rằng quan hệ giữa EU và Trung Quốc đã thay đổi nhiều kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Bình luận của ông Borell được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với Thủ tướng Hungary Viktor Orban hồi cuối tuần qua. Trong cuộc gọi với ông Tập, ông Orban không đề cập gì tới EU, tổ chức mà Hungary đang là thành viên. Thay vào đó, ông Orban tập trung vào mô hình 17+1 do Trung Quốc dẫn đầu. Đây là mô hình hợp tác gồm Trung Quốc và 17 nước Trung và Đông Âu. EU coi đây là một ví dụ khác cho nỗ lực “chia để trị” của Trung Quốc.
Ông Borrell cũng tỏ ra hoài nghi với cam kết của Trung Quốc với chủ nghĩa đa phương. Ông cho rằng cả Trung Quốc và EU đều bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ nghĩa đa phương và hệ thống Liên Hợp Quốc nhưng cách tiếp cận của 2 bên có sự khác nhau. Theo ông Borrell, sự khác biệt này thể hiện trong nhiều khía cạnh, bao gồm việc thực thi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và tình hình căng thẳng trên Biển Đông.
Đức Hoàng
Theo SCMP
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn