Đại dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc đã khiến 4,6 triệu người trên toàn cầu mắc bệnh, hơn 311.000 người thiệt mạng. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 1,5 triệu ca bệnh và hơn 88.700 người chết.
Thiệt hại to lớn về người và nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng được cho đã “thổi bùng” sự giận dữ của Mỹ hướng về phía Trung Quốc, theo Nikkei.
Quan điểm Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đang dần thành hình bên trong chính quyền Mỹ và cơ quan lập pháp. Một số quan chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc cố tình không cung cấp đầy đủ thông tin về sự nguy hiểm và quy mô của dịch ở giai đoạn đầu khiến Covid-19 lây lan khắp thế giới. Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc này.
Theo Nikkei, nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ, bao gồm cả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ sự thiếu tin tưởng với Trung Quốc.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang phát đi các thông điệp nói rằng họ đã chống dịch tốt hơn các nước Phương Tây. Họ nói rằng nhiều quốc gia Phương Tây vẫn đang "chật vật" chống dịch trong khi Trung Quốc đã kiểm soát được Covid-19.
Theo Nikkei, đây có thể được xem là những dấu hiệu cho một cuộc đối đầu nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc. Thông thường, một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới có thể bị ngăn chặn nếu 2 nước vẫn bị ràng buộc bởi toàn cầu hóa kinh tế và mạng lưới kinh tế song phương giữa 2 quốc gia.
Tuy nhiên, theo Nikkei, đại dịch Covid-19 dường như đã và đang đẩy 2 nước ra xa nhau hơn.
Chính phủ Mỹ đang cân nhắc các biện pháp cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Chính quyền ông Trump đang cân nhắc các biện pháp để các công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất và mua sắm ra khỏi Trung Quốc.
Mỹ hiện tại đang ưu tiên nghiêng về việc giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, phạm vi của sáng kiến chính sách này được cho sẽ được mở rộng để bao quát nhiều lĩnh vực bao gồm các sản phẩm liên quan đến cung cấp điện, viễn thông, công nghệ thông tin và giao thông vận tải.
Mỹ đã ra lệnh cấm các hãng viễn thông lớn của Trung Quốc, trong đó, có vụ việc ngăn Huawei tham gia vào mạng 5G. Mỹ lý giải động thái này được thực hiện để củng cố an ninh quốc gia chống lại nguy cơ gián điệp mạng từ Trung Quốc.
Theo Nikkei, dường như đang có một xu hướng trong chính phủ Mỹ nhằm loại bỏ càng nhiều càng tốt sự hiện diện của Trung Quốc trong các lĩnh vực an ninh quốc gia.
Trong một động thái gần nhất, ông Trump thậm chí đã đã ra cảnh báo có thể cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Mỹ có thể tiết kiệm 500 tỷ USD nếu làm việc này.
Kể cả khi ứng viên sáng giá của đảng Dân chủ Joe Biden có giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm nay, mâu thuẫn giữa 2 nước dường như cũng không thể hạ nhiệt do chương trình nghị sự hiện tại của Trung Quốc, theo Nikkei.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc trong thời gian qua được cho đã thực hiện nhiều động thái nhằm cạnh tranh vị trí dẫn đầu của Mỹ về kinh tế, công nghệ. Liên quan tới hoạt động đối ngoại, Trung Quốc được cho đang mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua sáng kiến “Vành đai, con đường”.
Chính vì vậy, giới quan sát cho rằng, kể cả khi ông Biden thay thế ông Trump, xu hướng đối đầu Mỹ - Trung Quốc hiện tại dường như sẽ khó có thể bị đảo ngược.
Nikkei cũng cho rằng “Chiến tranh lạnh” Mỹ - Trung nếu xảy ra sẽ có tầm ảnh hưởng toàn cầu mạnh hơn là cuộc đối đầu hồi thế kỷ 20 giữa Mỹ và Liên Xô.
Đức Hoàng
Theo Nikkei
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn