Việt Nam kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền hợp pháp được luật pháp quốc tế công nhận trên Biển Đông
Những leo thang nguy hiểm
Từ đầu tháng 7 tới nay, việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 (HaiyangDizhi 8) với sự hộ tống của nhiều tàu vũ trang cỡ lớn tiến hành các hoạt động phi pháp tại khu vực bãi Tư Chính đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam vốn được luật pháp quốc tế công nhận và bảo hộ đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của các quốc gia theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Hành vi hung hăng, gây hấn và leo thang căng thẳng còn gây lo ngại sâu sắc, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Tham vọng độc chiếm Biển Đông này bộc lộ rõ từ khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, cưỡng chiếm một số đảo đá, bãi ngầm tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988.
Kể từ khi công khai đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn để đơn phương và phi lý đòi chủ quyền với khoảng 80 diện tích Biển Đông vào năm 2009, Trung Quốc càng ráo riết và hung hăng hơn trong việc hiện thực hóa tham vọng nguy hiểm này. Những năm qua, Trung Quốc với sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế, quân sự đã huy động nguồn lực rất lớn cùng sức mạnh quân sự để bồi đắp trái phép các thực thể chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo.
Trung Quốc đã xây dựng các sân bay có khả năng triển khai các máy bay chiến đấu hạng nặng, cảng nước sâu cho tàu chiến cỡ lớn cùng những vũ khí hiện đại khác như radar quân sự, tên lửa phòng không… Tăng tốc quân sự hóa, toan tính thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) Biển Đông, Trung Quốc tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng với chủ quyền các bên liên quan; đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải, hàng không trên vùng biển cũng như tuyến vận tải biển huyết mạch đối với toàn cầu.
Thiết lập các căn cứ làm bàn đạp quân sự, Trung Quốc toán tính leo lên nấc thang mới trong việc đòi hỏi chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Đó là xâm phạm, “tấn công” vào vùng biển thuộc chủ quyền của các bên trên Biển Đông vốn được thừa nhận vào bảo hộ theo UNCLOS 1982 - bản “hiến pháp về đại dương” của toàn thế giới, văn bản pháp lý về biển quan trọng nhất và có hiệu lực pháp lý cao nhất toàn cầu hiện nay.
“Liều thuốc thử” đầu tiên cho sự leo thang đó bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp chủ quyền hợp pháp của các bên trên Biển Đông là việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào tháng 5-2014 và nay “nối gót” là nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8. “Được đằng chân, lân đằng đầu”, chủ quyền của các bên, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông sẽ ra sao một khi Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà”, hoàn toàn kiểm soát vùng biển chiến lược trọng yếu đối với khu vực và toàn cầu này?
Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế
Là một quốc gia bị Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn, âm mưu, sức mạnh để chiếm đoạt, vi phạm chủ quyền hợp pháp được luật pháp quốc tế công nhận, Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền hợp pháp, được công nhận và bảo hộ theo UNCLOS 1982. Bảo vệ chủ quyền của mình bằng biện pháp hòa bình, Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu Hải Dương 8 trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của 2 nước, nhân dân 2 nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Sự chính nghĩa cùng lập trường giải quyết hòa bình các tranh chấp, bảo vệ tự do hàng hải và hàng không, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông của Việt Nam được các nước và dư luận thế giới đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ. Đồng thời, dư luận quốc tế cũng lên án, chỉ trích mạnh mẽ, vạch rõ những toan tính nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trang Geopoliticalmonitor.com mới đây đăng bài viết của nhà báo độc lập James Borton với tiêu đề “Mỹ ngủ quên, Trung Quốc làm dậy sóng Biển Đông”, trong đó nhận định Trung Quốc đang ngày càng lấn tới, vi phạm UNCLOS 1982, làm ngơ trước phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế (PCA), xây các đảo nhân tạo với “tốc độ điên cuồng”, quân sự hóa quần đảo Trường Sa, ngang nhiên ban hành lệnh cấm đánh cá, liên tục hủy hoại sinh thái các rạn san hô… Nhà báo lo ngại cảnh báo, hồi kết của trò chơi này là Bắc Kinh sẽ hoàn toàn kiểm soát Biển Đông.
Nhà báo Alex Svamberg, chuyên gia phân tích các vấn đề an ninh quốc tế thuộc báo Tin tức của Cộng hòa Séc (Novinky.cz) cho rằng, việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng nhiều tàu hải cảnh vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính là hoạt động leo thang căng thẳng. Điều này cho thấy Trung Quốc muốn sử dụng sức mạnh nước lớn để thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông và đây là tín hiệu hết sức nguy hiểm.
Ông Gregory B. Poling - Giám đốc cơ quan Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định, Trung Quốc đang triển khai một chiến lược lâu dài và nhất quán nhằm cưỡng ép các quốc gia phải từ bỏ các quyền hợp pháp ở Biển Đông. Những hành vi đó ngày càng trở nên thách thức khi họ triển khai nhiều tàu hơn so với trước đây. Ông Poling khuyến nghị các nước Đông Nam Á cần phải thể hiện rõ ràng quan điểm trong việc bảo vệ quyền hợp pháp theo luật pháp quốc tế.
Cùng chung quan điểm này, Giáo sư Stein Tonnesson thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo (Na Uy) cũng cho rằng, việc Trung Quốc ngăn cản các nước tiến hành các hoạt động hợp pháp tại Biển Đông cũng như can thiệp vào các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này là có tính hệ thống. Các nước Đông Nam Á cần nỗ lực đối thoại nhằm hướng tới các giải pháp hợp lý và thực chất hơn.
Trong khi đó, Tiến sỹ Rajaram Panda, nghiên cứu viên cao cấp tại Hạ viện Ấn Độ lại lên án Trung Quốc đang tìm cách hăm dọa các nước nhỏ hơn, buộc họ phải từ bỏ các quyền hợp pháp của mình. Tiến sĩ Panda nhấn mạnh đó là hành động không thể chấp nhận đối với bất cứ quốc gia thượng tôn pháp luật nào và Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế. Theo Tiến sĩ Panda, Việt Nam có quyền bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình vì điều đó hoàn toàn hợp pháp theo quy định của UNCLOS 1982. Việt Nam cũng có quyền tìm kiếm sự hợp tác của bất cứ một quốc gia bạn bè nào trong quá trình yêu cầu nhóm tàu của quốc gia vi phạm rút khỏi vùng biển của mình.
Trang Eurasia Review mới đây đăng bài của một nhà báo kỳ cựu Indonesia phản đối những hành động phi pháp của Trung Quốc tại khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam. Bài báo khẳng định những động thái mới của Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS 1982 mà chính quốc gia này đã ký kết và là nguyên nhân làm cho tình hình Biển Đông xấu đi.
Tác giả đánh giá cao việc Việt Nam thẳng thắn, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút ngay các tàu của nước này ra khỏi khu vực bãi Tư Chính. Hội Những người Hàn Quốc yêu Việt Nam (VESAMO) cũng đã ra tuyên bố yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có việc rút ngay tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nguồn: https://anninhthudo.vn/the-gioi/du-luan-quoc-te-ung-ho-tinh-chinh-nghia-cua-viet-nam-tren-bien-dong/825847.antd
Tác giả: Hoàng Hà
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn