Mọi diễn biến bắt đầu từ tháng 5, khi các vụ nổ mà cho tới nay vẫn chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm phá hủy các tàu chở dầu gần eo biển Hormuz. Kể từ đó, khu vực này liên tục chứng kiến các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng, nhưng không phải lúc nào thủ phạm cũng lộ diện.
Gần đây nhất, hàng loạt tên lửa và máy bay không người lái đã tấn công hai cơ sở dầu mỏ lớn nhất thế giới ở phía đông Ả rập Xê út, khiến sản lượng dầu mỏ của nước này giảm một nửa và đẩy giá dầu lên cao.
Phiến quân Houthi của Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công tại Ả rập Xê út. Đây cũng là lực lượng chiến đấu chống lại liên quân do Ả rập Xê út dẫn đầu tại Yemen, quốc gia nghèo nhất thế giới Ả rập, kể từ năm 2015. Tuy nhiên, vụ việc ngày càng trở nên phức tạp hơn khi Mỹ và Ả rập Xê út cáo buộc Iran mới chính là thủ phạm gây ra vụ tấn công. Cho đến nay, bên nào phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công tại Ả rập Xê út vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.
“Iran có thể dựa trên sự hoài nghi của dư luận để để phủ nhận các cáo buộc trong một số trường hợp, tuy nhiên một vụ tấn công ở quy mô như vậy có thể dẫn tới nguy cơ gây ra hậu quả ngoại giao và quân sự nghiêm trọng”, AP dẫn lời Michael Knights, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, nhận định.
Iran cho đến nay vẫn chỉ nhận trách nhiệm về một vụ tấn công trong khu vực. Đó là vụ bắn rơi máy bay trinh sát không người lái của quân đội Mỹ mà Iran cho là xâm phạm không phận của nước này vào ngày 20/6. Ngoài ra, Iran cũng thừa nhận đã bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero gắn cờ Anh hồi tháng 7.
Mặc dù Iran đã lên tiếng phủ nhận, song các vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu và các cơ sở dầu mỏ của Ả rập Xê út gần đây được cho là có kịch bản tương tự các vụ việc từng xảy ra trước đây mà Iran bị cáo buộc là thủ phạm. Các chuyên gia nghi ngờ rằng Iran có thể đang thực hiện chiến thuật “ném đá giấu tay” khi thực hiện các vụ tấn công, song khiến cộng đồng quốc tế rất khó để tìm ra thủ phạm.
Có một số lý do để giải thích cho nhận định trên. Kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo vào năm 1979, Iran không thể mua các vũ khí hiện đại từ phương Tây như các nước láng giềng khác ở vùng Vịnh. Không quân Iran vẫn vận hành những máy bay cũ như F-4, F-5, F-14 của Mỹ và các máy bay chiến đấu từ thời Liên Xô. Hải quân Mỹ từng đánh chìm một nửa hạm đội của Iran chỉ trong một cuộc hải chiến kéo dài 1 ngày vào năm 1988.
Mặc dù Iran đã xây dựng được kho tên lửa của riêng nước này, song các chuyên gia nhận định lực lượng vũ trang Iran sẽ gánh thiệt hại trong một cuộc đối đầu quân sự trực diện. Do vậy, việc Iran tiến hành các cuộc tấn công mà khiến đối thủ không thể truy tìm ra thủ phạm sau đó sẽ làm giảm nguy cơ đối đầu trực diện.
Iran cũng nỗ lực để phát triển mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm tại Trung Đông. Iran hậu thuẫn nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon nhằm gây sức ép với Israel, một đối thủ lâu năm của Iran trong khu vực. Iran cũng dành sự hậu thuẫn tương tự cho nhóm phiến quân Houthi. Giới phân tích cho rằng các vụ tấn công có liên quan tới các nhóm này đều có bóng dáng của Iran, dù là trực tiếp hay gián tiếp.
Thời điểm trùng hợp
Những người cáo buộc Iran chỉ ra rằng, thời điểm diễn ra các vụ tấn công trùng khớp với các giai đoạn quan trọng của thỏa thuận hạt nhân Iran. Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào ngày 8/5/2018 trước khi áp lệnh trừng phạt đối với Iran.
Đúng một năm sau ngày Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran cảnh báo sẽ bắt đầu làm giàu uranium đến cấp độ gần hơn tới quá trình sản xuất vũ khí. Ngày 12/5, các vụ tấn công bí ẩn đầu tiên xảy ra nhằm vào các tàu chở dầu ở eo biển Hormuz. 2 ngày sau đó, nhóm phiến quân Houthi tuyên bố đã tấn công đường ống dẫn dầu Đông - Tây trọng yếu của Ả rập Xê út bằng máy bay không người lái.
Khi lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhà lãnh đạo mang theo thông điệp từ Tổng thống Trump hôm 13/6, một tàu chở dầu của Nhật Bản và một tàu khác đã bị tấn công. Đoạn video do quân đội Mỹ công bố sau đó cho thấy lực lượng Iran được cho là đã tháo dỡ thủy lôi được gắn trên tàu Nhật Bản và đây là bằng chứng để Washington buộc tội Tehran. Ngày 20/6, Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ.
Vụ tấn công mới nhất nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ của Ả rập Xê út diễn ra sau khi Iran tiếp tục có những động thái rời xa thỏa thuận hạt nhân, và trước thềm cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuối tháng này khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran dự kiến gặp mặt.
Những hình ảnh vệ tinh do Mỹ công bố sau vụ tấn công cho thấy thiệt hại của các cơ sở dầu mỏ tại Ả rập Xê út đều xảy ra ở khu vực phía bắc. Giới chức Mỹ cho biết nếu vụ tấn công được tiến hành từ phía Yemen, các cấu trúc bị hư hại sẽ nằm ở phía nam. Điều này khiến Washington nghi ngờ Iran là thủ phạm đứng đằng sau.
Ở phía bắc của vịnh Ba Tư là Iran và Iraq. Iraq đã phủ nhận vụ tấn công bắt nguồn từ nước này. Kuwait, nước nằm giữa Iraq - Ả rập Xê út và gần phía tây Iran, cho biết họ đang xác minh thông tin nói rằng có máy bay không người lái hoặc vật thể bay tầm thấp bay qua lãnh thổ Kuwait vào sáng sớm ngày 14/9, trước khi vụ tấn công xảy ra tại Ả rập Xê út.
Các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc nói rằng máy bay không người lái UAV-X mới của lực lượng Houthi có tầm hoạt động lên tới 1.500 km. Về mặt lý thuyết, máy bay này có thể đặt hai cơ sở dầu của Ả rập Xê út vào tầm tấn công. Liên Hợp Quốc, các nước Ả rập ở vùng Vịnh và Mỹ đều cáo buộc Iran cung cấp vũ khí cho Houthi, tuy nhiên Iran đã lên tiếng bác bỏ.
Các máy bay không người lái của Houthi thường phát nổ trên không hoặc đâm thẳng vào mục tiêu. Houthi cũng từng sử dụng máy bay không người lái trong các vụ tấn công trước đây. Tuy nhiên, hình ảnh ghi lại sau vụ tấn công tại Ả rập Xê út cho thấy những điểm tấn công thâm nhập sâu vào các cấu trúc của cơ sở lọc dầu.
“Những vụ tấn công bằng máy bay không người lái trước đây của Houthi nhằm vào các cơ sở dầu mỏ thường chỉ dẫn đến những thiệt hại hạn chế. Điều này có thấy có thể một hệ thống vũ khí khác đã được sử dụng trong vụ tấn công lần này”, Fabian Hinz, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chống phổ biến vũ khí James Martin thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California, nhận định.
Thành Đạt
Tổng hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn