Triều Tiên trong tuần này đã tuyên bố dừng cuộc họp cấp cao với Hàn Quốc và dọa sẽ hủy hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Mỹ, dự kiến diễn ra vào tháng tới tại Singapore, với lý do liên quan tới các cuộc tập trận quân sự chung của liên minh Mỹ - Hàn. Nhiều nhà phân tích nhận định đây là cách để ông Kim Jong-un đạt được cân bằng quyền lực trước khi bắt đầu cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump, đồng thời cũng để khẳng định rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ bước vào cuộc đàm phán hạt nhân sống còn với Mỹ từ vị thế của của bên mang sức mạnh.
Tuyên bố bất ngờ của Triều Tiên là diễn biến mới nhất trên chặng đường đàm phán ngoại giao thăng trầm kéo dài suốt hàng chục năm qua giữa Mỹ và Triều Tiên. Đây cũng là một kết quả khiến Hàn Quốc thất vọng sau khi hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc từng đưa ra cam kết về việc “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng trước.
Khởi đầu không suôn sẻ
Mỹ từng đạt được một thỏa thuận hạt nhân bước ngoặt với Triều Tiên vào năm 1994 sau nhiều tháng sống trong sợ hãi vì lời đe dọa biến kho nhiên liệu thành bom hạt nhân của Triều Tiên.
Theo “Thỏa thuận khung” giữa hai nước, Triều Tiên sẽ dừng việc xây dựng hai lò phản ứng mà Mỹ cho là để sản xuất vũ khí hạt nhân, đổi lại Mỹ và các nước phương Tây giúp Triều Tiên xây dựng hai lò phản ứng điện hạt nhân với mục đích sản xuất điện, đồng thời cung cấp 500.000 tấn dầu mỗi năm.
Tuy vậy, Triều Tiên liên tục phàn nàn về những đợt vận chuyển dầu bị trì hoãn so với cam kết, trong khi việc xây dựng các lò phản ứng nước nhẹ để sản xuất điện cũng chưa bao giờ được triển khai. Về phần mình, Washington cũng chỉ trích Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo.
Tới năm 2002, Thỏa thuận khung sụp đổ sau khi Triều Tiên thừa nhận nước này đang phát triển một chương trình hạt nhân bí mật sử dụng uranium được làm giàu.
Đàm phán 6 bên đổ vỡ
Không lâu sau khi Thỏa thuận khung đổ vỡ, Mỹ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp đàm phán với Triều Tiên. Tuy nhiên lần này không chỉ có Mỹ và Triều Tiên mà còn có 4 nước khác tham gia, tạo thành diễn đàn 6 bên gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga. Các cuộc đàm phán bắt đầu từ tháng 8/2003.
Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, Triều Tiên chấp thuận một thỏa thuận vào tháng 9/2005, trong đó Bình Nhưỡng cam kết chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy các lợi ích về an ninh, kinh tế và năng lượng.
Tuy nhiên những bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên liên quan tới các lệnh trừng phạt tài chính mà Washington áp đặt lên Bình Nhưỡng khiến chính quyền Triều Tiên tạm thời rời xa các cuộc đàm phán 6 bên trước khi nước nay tiến hành vụ thử hạt nhân lần đầu tiên vào tháng 10/2006.
Các cuộc đàm phán về giải giáp vũ khí của Triều Tiên được nối lại vài tuần sau đó và 6 chính phủ đã đạt được một thỏa thuận vào tháng 2/2007. Theo thỏa thuận này, Triều Tiên sẽ nhận được gói viện trợ trị giá 400 triệu USD để đổi lấy việc đóng cửa các cơ sở hạt nhân và cho phép các thanh tra viên quốc tế tới giám sát quá trình đóng cửa này.
Rốt cuộc, nỗ lực cuối cùng của các bên nhằm đạt được một thỏa thuận giải giáp toàn bộ chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã đổ vỡ vào tháng 12/2008 khi Bình Nhưỡng không chấp thuận các biện pháp do Mỹ đưa ra. Đàm phán 6 bên cũng bị dừng lại kể từ đó và Triều Tiên tiếp tục tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân nữa vào tháng 5/2009.
Quan hệ liên Triều thăng trầm
Triều Tiên dỡ loa tuyên truyền chống Hàn Quốc ở biên giới
Không chỉ riêng mối quan hệ với Mỹ, mà mối quan hệ giữa Triều Tiên và quốc gia láng giềng cũng trải qua nhiều thăng trầm. Kể từ sau chiến tranh liên Triều (1950-1953), các hội nghị cấp cao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên từng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tới mức có thể đẩy hai nước tới bờ vực của xung đột quân sự.
Vào năm 2015, hai cựu thù từng suýt xảy ra xung đột quân sự sau khi Triều Tiên bị cáo buộc gây ra vụ nổ mìn khiến hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương. Hai nước sau đó đã tránh được thảm họa đối đầu bằng một thỏa thuận đạt được vào phút chót, trong đó Triều Tiên bày tỏ sự tiếc nuối vì vụ nổ, đổi lại Hàn Quốc tạm thời dừng các chương trình tuyên truyền chống Bình Nhưỡng ở khu vực biên giới.
Thỏa thuận trên dẫn tới cuộc gặp cấp cao giữa Triều Tiên và Hàn Quốc tại thị trấn Kaesong ở biên giới hai nước vào tháng 12. Tuy nhiên các cuộc đối thoại bị đổ vỡ sau khi Hàn Quốc từ chối tái khởi động các chuyến du lịch chung tới khu nghỉ dưỡng Núi Kim Cương nổi tiếng của Triều Tiên, vốn bị đình chỉ từ năm 2008 sau vụ một khách du lịch Hàn Quốc bị bắn chết.
Tuyên bố hủy cuộc gặp cấp cao với Hàn Quốc vào phút chót do Triều Tiên đưa ra trong tuần này không phải là chuyện lần đầu xảy ra trong lịch sử song phương. Vào năm 2013, Bình Nhưỡng từng bất ngờ hủy sự kiện tái hợp các gia đình ly tán trong chiến tranh liên Triều chỉ vài ngày trước kế hoạch. Lý do cho động thái này là vì Bình Nhưỡng không đồng tình với cuộc tập trận quân sự chung giữa Seoul và Washington - điều mà Triều Tiên cho là hành động của liên minh Mỹ - Hàn nhằm chuẩn bị cho kịch bản xâm lược.
Triều Tiên thực sự từ bỏ vũ khí?
Vài tháng sau khi lên nắm quyền thay cha, nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi năm 2012 đã đạt được một thỏa thuận với Mỹ để tạm dừng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa cũng như làm giàu uranium để đổi lấy viện trợ lương thực. Nhưng thỏa thuận này cũng chết yểu vài tuần sau khi Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa với mục đích đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Các chính phủ nước ngoài tin rằng vụ phóng vệ tinh chỉ là vỏ bọc để che giấu mục đích thực sự của Bình Nhưỡng, đó là thử nghiệm tên lửa đạn đạo tiên tiến.
Ngay cả trong những tuần gần đây khi Triều Tiên cho thấy những nỗ lực ngoại giao của nước này, nhiều người vẫn hoài nghi về việc liệu ông Kim Jong-un có thực sự từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không vì trước đó ông từng coi đây là điều kiện sống còn để đảm bảo sự tồn vong của Bình Nhưỡng.
Một số nhà phân tích tin rằng Triều Tiên sẽ tìm kiếm một thỏa thuận mà ở đó, ông Kim Jong-un sẽ từ bỏ các tên lửa đạn đạo liên lục địa nhưng vẫn giữ lại những tên lửa tầm ngắn hơn. Điều này có thể khiến Tổng thống Trump hài lòng nhưng gây ra sự chia rẽ giữa Mỹ và Hàn Quốc. Nhiều chuyên gia dự đoán ông Kim Jong-un có thể đang tìm cách câu giờ và nghe ngóng phản ứng từ chính quyền Trump sau khi Mỹ từng cảnh báo Triều Tiên về nguy cơ xung đột quân sự.
Đường tới bàn đàm phán
Khoảnh khắc bắt tay lịch sử của hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều
Dù cho mục đích thực sự của ông Kim Jong-un là gì, các nhà phân tích cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn sẽ đến Singapore để gặp mặt ông Trump vào ngày 12/6 tới.
Thế giới trong những tháng vừa qua đã chứng kiến cảnh ông Kim Jong-un vui vẻ bắt tay Tổng thống Hàn Quốc và Ngoại trưởng Mỹ, đồng thời cam kết phá hủy khu thử hạt nhân vào cuối tháng này trước sự chứng kiến của các phóng viên quốc tế.
Theo giới phân tích, ông Kim Jong-un đã đi xa tới mức khó có thể quay đầu lại. Ông cũng đang rất cần các nước nới lỏng trừng phạt để Triều Tiên có thể phát triển kinh tế.
Tại Washington, ông Kim Jong-un đang phải đối mặt với một vị tổng thống sẵn sàng thể hiện kỹ năng đàm phán và không quá đặt nặng quan hệ liên minh với Hàn Quốc như các chính quyền tiền nhiệm. Còn tại Seoul, ông đang chứng kiến một nhà lãnh đạo tự do, người sẵn sàng hồi sinh chính sách “Ánh Dương” của thập niên 2000, trong đó thúc đẩy tình hữu nghị Hàn - Triều cũng như các dự án kinh tế chung. Ông Kim Jong-un hiểu rằng ông sẽ khó có cơ hội tốt hơn nếu bỏ lỡ cơ hội lần này.
“Triều Tiên đang phản ứng với các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc dựa trên các quy chuẩn và thông lệ nội bộ. Bình Nhưỡng sẽ không tìm cách lật đổ bàn đàm phán”, Kim Dong-yub, cựu quan chức quân sự Hàn Quốc và hiện là nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Viễn Đông tại Seoul, nhận định.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn