Trung Quốc đang phát động một cuộc chiến nhằm vào lĩnh vực giải trí. Và mục tiêu mới nhất là nhằm vào những đôi khuyên tai của đàn ông.
Trong những tháng gần đây, các nhà kiểm duyệt Trung Quốc đã làm mờ phần tai của một số “sao” nam nhạc pop nước này trên sóng truyền hình cũng như trong các phần trình diễn trên mạng. Họ lo ngại rằng những đôi khuyên tai và trang sức mà các “sao” nam đeo lên người trông quá nữ tính và có thể trở thành hình mẫu để các nam thanh niên Trung Quốc học theo.
Lệnh cấm của các nhà chức trách Trung Quốc đã gây xôn xao, thậm chí trở thành trò đùa của dư luận. Điều đó cũng cho thấy sự can thiệp ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc vào cả những chi tiết nhỏ nhất trong đời sống của người dân nước này.
Khuyên tai của đàn ông không phải là hình ảnh “chướng tai gai mắt” duy nhất bị các nhà kiểm duyệt Trung Quốc làm mờ, che đậy hoặc cắt bỏ. Các cầu thủ bóng đá cũng buộc phải mặc áo dài tay để che đi những hình xăm của họ. Những cô gái mặc đồ hở hang trong các trò chơi điện tử cũng được yêu cầu phải kéo cao cổ áo. Những người hát rap chỉ có thể “gieo vần” với nội dung hòa bình và hòa hợp.
Kiểu kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc khiến Rae Fan, một sinh viên đại học 22 tuổi tại Quảng Tây, tức giận. Một số bộ phim Mỹ và Hàn Quốc yêu thích của Fan đã biến mất khỏi các nền tảng phát trực tuyến. Mọi việc càng tồi tệ hơn khi các bạn của Fan dường như không quan tâm tới chuyện này và họ cũng không hoan nghênh bất kỳ điều gì chỉ trích chính quyền.
Cha mẹ của Fan, những người làm công chức nhà nước, khuyên con gái họ tốt hơn hết không nên xem những bộ phim đó. Nói cách khác, việc kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc đang phát huy hiệu quả.
“Mục đích của việc kiểm soát này là nhằm đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có những giá trị chung. Chúng tôi sẽ dễ bị quản lý hơn”, Fan nói.
Nỗ lực của chính quyền Trung Quốc trong việc giúp người dân thấm nhuần “các giá trị xã hội chủ nghĩa căn bản” như chủ nghĩa yêu nước, hòa hợp dân tộc và văn minh đang ngày càng tăng lên. Những nội dung tôn thờ tiền bạc, chủ nghĩa hưởng thụ và chủ nghĩa cá nhân ngày càng bị dỡ bỏ nhiều. Những nội dung từng được chấp thuận vài năm trước đây thì nay không còn được cho phép.
Trong vài năm tới, giới trẻ ngày nay sẽ không còn nhìn thấy nhiều nội dung chưa được kiểm duyệt như thế hệ lớn hơn họ 5 tuổi. Khi không còn biết nhiều thông tin nữa, họ sẽ dễ thấm nhuần tư tưởng và dễ bị kiểm soát hơn.
“Để nuôi dưỡng một thế hệ mới gánh vác trách nhiệm trẻ hóa quốc gia, chúng ta cần chống lại sự xói mòn từ văn hóa thiếu đứng đắn. Quan trọng hơn cả, chúng ta cần nuôi dưỡng nền văn hóa đặc sắc”, Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, viết trong bài bình luận năm 2018 nhằm chỉ trích những “sao nam” trẻ quá nữ tính của nước này.
Việc kiểm duyệt tại Trung Quốc không phải chuyện mới. Đã có giai đoạn Trung Quốc phát động chiến dịch chống lại “sự ô nhiễm” về văn hóa tinh thần. Trong thập niên 1980, chính quyền Trung Quốc không chấp nhận nhạc pop, quần ống loe, tóc xoăn, chuyện tình ái, thậm chí cả việc hôn nhau. Mãi tới năm 1980, Trung Quốc mới có cảnh hôn đầu tiên trên phim ảnh.
Tuy vậy, khán giả Trung Quốc đã giành được nhiều quyền tự do ngôn luận hơn trong 40 năm qua. Đó là lý do khiến một số người Trung Quốc cho rằng đợt kiểm duyệt mới trong lĩnh vực giải trí là hiện tượng đáng báo động, mặc dù đôi khi các mục tiêu bị kiểm duyệt thực sự thô tục và thiếu văn hóa.
Hai năm trước, các đài truyền hình bắt đầu làm mờ các hình xăm. Một chương trình về thám tử cũng phải che mờ các vết máu và các thi thể. Năm ngoái, phần tóc đuôi ngựa của nam giới cũng bị làm mờ.
“Nếu một nam nghệ sĩ nhuộm tóc, xăm mình, đeo khuyên tai và có tóc đuôi ngựa xuất hiện trong một chương trình, vậy trên màn hình còn chiếu cái gì sau khi kiểm duyệt”, một blog giải trí bình luận.
Ngành công nghiệp giải trí không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuân thủ quy định. Năm ngoái, các nhà kiểm duyệt đã đóng cửa hơn 6.000 trang web và hơn 2 triệu tài khoản trực tuyến cũng như các nhóm mạng xã hội.
Tương tự Internet ở những nơi khác, cộng đồng mạng Trung Quốc có nguy cơ tiếp cận với các nội dung thô tục và mang tính kích động. Do vậy, ngay cả một số người Mỹ cũng ủng hộ sự cứng rắn của chính phủ Trung Quốc khi họ thất vọng với những nội dung mà các mạng xã hội toàn cầu cho phép chia sẻ.
Tuy vậy, cách làm được cho là “cực đoan” của Trung Quốc có thể gây nguy hại cho việc trẻ hóa nền văn hóa của nước này. Trung Quốc vẫn thiếu các hệ thống kiểm duyệt nội dung, do vậy mọi sản phẩm được tung ra đều phải phù hợp để một đứa trẻ 12 tuổi cũng có thể xem được.
Nhiều người Trung Quốc từ các thế hệ trước cảm thấy bị sốc về việc chính quyền siết chặt quản lý tự do ngôn luận trong lĩnh vực giải trí và văn hóa. Liang Wendao, một nhà văn tại Hong Kong, từng viết trên một bài báo rằng anh chưa bao giờ tưởng tượng cảnh người dân Trung Quốc trong xã hội hiện đại vẫn phải đối mặt với những lỗ hổng về văn hóa và nghệ thuật mà họ từng gặp phải từ hàng chục năm trước đây.
Thành Đạt
Theo New York Times
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn