Các nghị sĩ Bulgaria phê duyệt chuyến hàng viện trợ quân sự đầu tiên cho Ukraine kể từ khi nước này xảy ra xung đột với Nga hồi tháng 2.
"Cứ bình tĩnh, chúng ta không tham gia vào cuộc xung đột. Chúng ta chỉ khẳng định rõ ràng rằng Bulgaria là một đồng minh đáng tin cậy thông qua quyết định cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine", Daniel Lorer, một trong những nghị sĩ Bulgaria ủng hộ giúp đỡ Kiev, cho biết hôm 3/11.
Biến động chính trị nội bộ Bulgaria đã cản trở nước này viện trợ quân sự cho Ukraine trong nhiều tháng. Bulgaria có khả năng phải đối mặt với cuộc tổng tuyển cử lần thứ năm trong vòng chưa đầy hai năm.
Đảng Xã hội Bulgaria, một phần của liên minh cầm quyền đã mất quyền lực hồi tháng 8 và mang quan điểm thân thiện với Nga, cảnh báo rằng việc viện trợ quân sự Ukraine có thể kéo đất nước vào xung đột tại đây. Một đảng khác theo chủ nghĩa dân tộc với mong muốn đưa Bulgaria ra khỏi NATO và Liên minh châu Âu (EU), cũng không ủng hộ viện trợ quân sự Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (giữa) thị sát tên lửa chống tăng Javelin do quân đội Mỹ viện trợ quân sự hôm 18/2. Ảnh: Reuters.
Là nhà sản xuất súng máy theo kiểu Liên Xô cùng đạn dược tương tự loại được dùng ở Ukraine, Bulgaria đã xuất khẩu các mặt hàng này tới những nước khác trong khu vực như Romania và Ba Lan. Các đảng đối lập cáo buộc chính quyền Bulgaria cung cấp vũ khí cho Ukraine thông qua bên thứ ba trong khi tuyên bố chỉ viện trợ nhân đạo nước này.
Chính phủ Bulgaria sẽ có một tháng để đề xuất tới quốc hội loại thiết bị quân sự nước này có thể viện trợ mà không làm giảm khả năng phòng thủ. Bulgaria cũng sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với những thành viên NATO khác về vấn đề này.
Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria Dimitar Stoyanov cho biết trong giai đoạn này, họ chưa thể cung cấp khí tài hạng nặng cho Ukraine khi chưa nhận được các nguồn cung thay thế.
Sau quyết định của Bulgaria, chỉ còn Hungary là quốc gia duy nhất trong EU và NATO không viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine.
Trước khi nổ ra xung đột Ukraine, Bulgaria gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ Nga với mức tiêu thụ hàng năm lên tới khoảng 3 tỷ mét khối khí đốt. Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cắt nguồn cung khí đốt đến Bulgaria từ cuối tháng 4, sau khi nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble.
Chính phủ Bulgaria thông báo sẽ tìm cách đàm phán với Gazprom để nối loại hoạt động cung cấp khí đốt trước mùa đông. Bulgaria hồi tháng trước cũng thông báo miễn trừ các mặt hàng nhiên liệu khỏi lệnh cấm vận Nga được EU áp đặt, khi nền kinh tế thiếu hụt năng lượng.
Tác giả: Ngọc Ánh
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn