Mỹ nêu lý do chưa triệt hạ được IS

Thứ sáu - 04/11/2022 02:56

Quân đội Mỹ cho rằng tình hình phức tạp tại Syria và Iraq, cũng như tác động từ đối thủ lẫn đồng minh, khiến họ chưa thể quét sạch IS.

Tổng thanh tra chiến dịch Nhổ tận gốc của Mỹ ngày 3/11 công bố báo cáo, nhận định phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong ba năm qua đã "mất tất cả lãnh thổ từng kiểm soát, song vẫn duy trì phong trào nổi dậy ở cả Iraq và Syria".

Chiến dịch Nhổ tận gốc được Mỹ và các đồng minh tiến hành từ năm 2014, nhằm tiêu diệt phiến quân IS tại Iraq và Syria. Chiến dịch vẫn duy trì hoạt động tác chiến kể từ khi IS bị đánh bại ba năm trước.

"So với cùng kỳ năm 2021, tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt tấn công do IS thực hiện đã giảm đi đáng kể tại Iraq, nhưng tăng mạnh tại Syria. Điều này cho thấy nhóm phiến quân đang lấy lại sức mạnh", báo cáo có đoạn.

Báo cáo cho biết trong tháng 7-9, IS tổ chức 74 vụ tấn công tại Syria và 73 vụ tại Iraq. Các nhóm IS ở vùng nông thôn chủ yếu tập kích lực lực lượng an ninh địa phương, song song với các vụ tấn công nhằm vào quan chức ở thành phố.

 
Thiết giáp Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung tại khu vực đông bắc Syria tháng 9/2019. Ảnh: US Army.

Thiết giáp Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung tại khu vực đông bắc Syria tháng 9/2019. Ảnh: US Army.

Khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ đang đóng quân tại Syria và Iraq để ngăn IS trỗi dậy. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá một số yếu tố vượt ngoài tầm kiểm soát gần đây khiến quân đội Mỹ không thể xóa sổ IS, như bất ổn chính trị, kinh tế - xã hội trong khu vực.

Báo cáo cũng cho rằng chiến dịch truy quét IS của Mỹ tại Syria và Iraq "trở nên phức tạp hơn" do hiện diện của các đối thủ như Nga và Iran, cũng như đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn gần đây tập kích lực lượng Mỹ và liên quân tại Iraq, cũng như căn cứ của Mỹ tại miền nam Syria. Ngoài ra, Iran đã phóng ít nhất 72 rocket hoặc tên lửa vào vị trí các nhóm vũ trang người Kurd, vốn là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS, vì cho rằng họ lên kế hoạch cho cuộc biểu tình tại quốc gia Trung Đông này.

Trong khi đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hoạt động quân sự tại Iraq và Syria, một số trong đó nhằm vào Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), với nòng cốt là các nhóm dân quân người Kurd. SDF là lực lượng chủ chốt tham gia chiến dịch truy quét tàn dư IS với sự hỗ trợ của Mỹ.

Tổng thanh tra chiến dịch Nhổ tận gốc của Mỹ nhận định tất cả yếu tố trên khiến quân đội nước này và đồng minh không thể tiêu diệt hoàn toàn IS, dù đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho nhóm phiến quân trong hơn ba năm qua.

 
Thiết giáp M2 Bradley của Mỹ tại Syria tháng 6/2021. Ảnh: US Army.

Thiết giáp M2 Bradley của Mỹ tại Syria tháng 6/2021. Ảnh: US Army.

Mỹ và đồng minh công phá thành trì cuối cùng của IS hồi tháng 3/2019, song các tay súng phiến quân đã chia thành nhiều nhóm nhỏ lẩn trốn ở khu vực miền bắc Iraq và Syria.

"Phiến quân IS ẩn náu ở vùng nông thôn khi bị lực lượng của chúng tôi truy quét", thiếu tướng Rachael Jeffcoat, phát ngôn viên chiến dịch Nhổ tận gốc, ngày 3/11 cho biết.

Quân đội Mỹ nhận định IS có nguồn thu từ buôn lậu và các hoạt động bất hợp pháp khác. Phiến quân còn duy trì nhân lực bằng cách cực đoan hóa các tù nhân, cũng như dân thường trong các trại tị nạn.

Một số chuyên gia cho rằng bất chấp Mỹ gần đây tiêu diệt một số lãnh đạo của IS, chưa rõ nước này có thể thực hiện các bước đi thế nào để xử lý triệt để những điều kiện kinh tế, xã hội mà IS và các nhóm cực đoan khác lợi dụng để trỗi dậy.

Tác giả: Nguyễn Tiến

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây