Nhân kỷ niệm 220 năm ngày thành lập Bộ tài chính, Moscow ngày 1/11 đã cho ra mắt bộ phim tài liệu "Lịch sử tài chính Nga". Phát biểu trong bộ phim này, Bộ trưởng Anton Siluanov khẳng định: "Thành tựu chung, đặc biệt của Bộ Tài chính là đã thiết kế một loạt biện pháp để đối phó với tình hình khó khăn hiện nay". Theo ông Anton Siliuanov, Nga đã học được cách đối phó với những hạn chế mà phương Tây áp đặt lên nước này, nói cách khác, Moscow đã "tìm thấy thuốc giải độc cho những lệnh trừng phạt đó".
Hồi tháng 9, phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Vladivostok, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga kể từ khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, thay vì mang lại hiệu ứng như phương Tây mong muốn, lại đang làm xói mòn chất lượng cuộc sống của chính người châu Âu và khiến các nước nghèo khó tiếp cận lương thực.
Theo các chuyên gia phân tích của tờ The Economist, có ba lý do dẫn tới việc nền kinh tế Nga chống chịu tốt trước tác động của các lệnh trừng phạt hơn dự báo. Thứ nhất, Tổng thống Vladimir Putin là người am hiểu về kinh tế và giao quản lý lĩnh vực này cho những nhân sự chủ chốt có trình độ cao. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Nga đã nhanh chóng tăng mạnh lãi suất, triển khai các biện pháp kiểm soát để nâng giá đồng ruble nhằm kiềm chế lạm phát.
Thứ hai, lịch sử kinh tế Nga đã chứng minh rằng người dân nước này có sức chịu đựng rất tốt. Trong gần 25 năm, Nga đã đối mặt với 5 cuộc khủng hoảng kinh tế gồm: 1998, 2008, 2014, 2020 và 2022. Do đó, họ đã học được cách thích nghi thay vì hoảng loạn.
Thứ ba, ngay khi các nước phương Tây và đồng minh ở Thái Bình Dương chọn cắt giảm nhập khẩu dầu Nga, hầu hết lượng dầu được chuyển hướng sang châu Á và Trung Đông, nơi có các nước trung lập không đứng về phía nào trong xung đột Nga - Ukraine. Thậm chí theo Guardian, doanh thu từ năng lượng có thể giúp Nga chịu được một cuộc bao vây kinh tế kéo dài.
Trái lại, Liên minh châu Âu (EU) khẳng định, các lệnh trừng phạt Nga được EU áp dụng ở mức cứng rắn nhất là thế giới từng chứng kiến. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt này là hiệu quả và ngành tài chính Nga đang nguy khốn.
Kết quả cuộc khảo sát của tờ The Conversation nêu rõ, có tới 78% người châu Âu được hỏi vẫn đang ủng hộ các lệnh trừng phạt do EU áp đặt lên Nga dù họ sẽ phải trả giá vì điều đó. Còn tại Đức, 51% số người được hỏi tin rằng các lệnh trừng phạt đang thực sự làm tổn thương Berlin hơn Moscow.
Nguồn tin: cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn