“Còn sức còn cống hiến”, đó là chia sẻ của người lính Cụ Hồ Lê Đa Sỹ, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam xã Nông Thựơng (thành phố Bắc Kạn) người luôn tích cực tuyên truyền, vận động xây dựng nguồn quỹ, giúp đỡ hội viên thoát nghèo và tiên phong trong các phong trào ở địa phương.
Ông Lê Đa Sỹ ghi chép đầy đủ thông tin của hội viên. Và danh sách những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị đã đóng góp cho nguồn quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã từ nhiều năm qua vào một quyển sổ cá nhân. |
Với dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt ông toát lên khí chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ. Ông Lê Đa Sỹ, Chủ tịch hội nạn nhân chất độc da cam đi ô xin xã Nông Thượng tạo cho người tiếp chuyện một ấn tượng dễ gần. 11 năm gắn bó đời lính ở chiến trường Miền Nam, đã từng tham gia trận Mậu Thân 1968 ác liệt, tận mắt chứng kiến người dân, đồng đội mình hy sinh và bị ảnh hưởng bởi nỗi đau da cam, thấu hiểu được nỗi đau mà các nạn nhân gánh chịu, nên khi hoàn thành trách nhiệm của người quân nhân trở về địa phương, tham gia công tác trên nhiều cương vị ông Sỹ vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình, đóng góp sức mình vào sự phát triển của địa phương, tích cực tham gia phong trào, hoạt động của các tổ chức Hội, trong đó nổi bật nhất là thời gian ông tham gia Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin với vai trò Chủ tịch Hội vào năm 2014. Nhắc lại những kỷ niệm đã qua, ông Sỹ chia sẻ: “Trước đây khi đi chiến đấu có những lúc khó khăn anh em chúng tôi phải ăn rau tàu rừng trừ bữa và gạo do quân đội Mỹ dải chất độc hóa học. Khi trở về quê hương xây dựng gia đình tôi sinh được 4 người con nhưng may mắn không ai bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Giờ đây, tôi thấy mình vẫn còn đủ sức khỏe phục vụ cộng đồng nên tôi cũng cố gắng làm tốt mọi công việc của thôn, xã để đóng góp chút công sức nhỏ bé xây dựng quê hương”.
Theo đó, ngay từ ngày đầu mới tham gia công tác, ông Sỹ cho biết: Hội nạn nhân chất độc da cam/dixin xã Nông Thượng gặp không ít khó khăn về quỹ hoạt động, nơi làm việc và hội họp. Ban đầu, Hội chỉ có 36 hội viên. Là một tổ chức xã hội với nhiệm vụ chính: bảo vệ quyền lợi và chăm sóc hội viên. Tuy nhiên hội gặp nhiều khó khăn trong tổ chức các hoạt động bởi phần lớn hội viên đều suy giảm sức khỏe, hoạt động hội trên tinh thần tự nguyện, tự chủ về kinh tế. Để tháo gỡ vướng mắc này, bên cạnh sự tham gia đóng góp quỹ của hội viên, ông Sỹ đã bàn trong ban chấp hành và tham mưu với đảng ủy, UBND xã kêu gọi đợt ủng hộ quỹ chăm sóc nạn nhân da cam trong toàn bộ cán bộ, đảng viên, các cơ quan - tổ chức đóng trên địa bàn. Từ đó đến nay, hàng năm ông đã phát động xây dựng quỹ hội và vận động ủng hộ qũy từ các tổ chức, cá nhân với số tiền vận động, ủng hộ là trên 10 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, hội đã tổ chức các đợt thăm hỏi đột xuất cũng như dịp lễ tết, ngày nạn nhân da cam để chăm sóc, động viên hội viên và gia đình lúc ốm đau, qua đời kịp thời, chu đáo. Điều đặc biệt là ông Sỹ có một cuốn sổ ghi cá nhân chép đầy đủ thông tin, tình trạng thương tật, số điện thoại của hội viên. Và danh sách những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị đã đóng góp cho nguồn quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã từ nhiều năm qua. Cuốn số không chỉ để lưu lại tên tuổi, địa chỉ, số tiền những tấm lòng vàng đóng góp cho quỹ, mà còn ghi chép chi tiết những lần hỗ trợ cho nạn nhân. Đây là một cách để minh bạch, rõ ràng trong vận động và sử dụng nguồn quỹ của hội.
Không chỉ làm tốt công tác Hội, ông Lê Đa Sỹ còn là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế hộ gia đình. |
Ở tuổi 73, với trên 30 năm tuổi Đảng nhưng ông vẫn miệt mài với công việc của Hội, tìm ra những biện pháp mới để thu hút sự tài trợ của các nhà hảo tâm dành cho những nạn nhân kém may mắn. Không chỉ làm tốt công tác Hội, ông Lê Đa Sỹ còn là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế hộ gia đình. Cuộc sống của một bộ đội phục viên vất vả, sức khỏe yếu, 4 đứa con lần lượt ra đời, kinh tế khó khăn. Trăn trở trước hoàn cảnh như vậy, bằng ý chí vươn lên, không khuất phục đói nghèo, ông quyết định đầu tư, học hỏi kinh nghiệm trồng các giống cây ăn quả và trồng rừng. Ông Lê Đa Sỹ chia sẻ “Sức khỏe của bản thân cũng không được tốt nhưng tôi vẫn luôn cố gắng, động viên bản thân và gia đình phải phấn đấu vươn lên. Phải tự sức mình để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống”. Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm về việc trồng các loại giống cây ăn quả, đến nay, khu vườn của gia đình ông có trên 30 gốc mận sớm đã cho thu hoạch, hơn 1ha rừng mỡ trên 20 năm tuổi trị giá trên 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn chăn nuôi gần 100 con gà thả vườn. Mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình ông. Những ngày tháng khó khăn đã lùi lại, gia đình ông đã có một cuộc sống no đủ, khang trang hơn.
Nói về ông Lê Đa Sỹ, Chủ tịch xã Nông Thượng – ông Phượng Hoàng Minh cho biết: "Với vai trò là chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã, ông Lê Đa Sỹ rất tận tình với công việc, luôn đi đầu trong các phong trào tập thể và hoàn thành tốt mọi công việc được được giao. Chính vì vậy, nhiều năm liền ông được thành phố, tỉnh, trung ương khen thưởng. Qua đây, cũng hi vọng ông Sỹ sẽ tiếp tục gắn kết với tổ chức Hội để thực hiện những công việc cụ thể, góp phần giảm bớt khó khăn, đau thương cho những nạn nhân da cam, giúp họ có cuộc sống ngang bằng với cộng đồng".
Có thể thấy rằng, trên những vết thương và nỗi đau dai dẳng của chiến tranh, sự sống vẫn nảy sinh từ khát vọng và ý chí con người. Nghị lực của người lính cụ Hồ Lê Đa Sỹ xứng đáng là tấm gương gương mẫu, nhiệt huyết để mọi người học tập và noi theo…./.
Tác giả: Huyền Thương
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn