Người cựu chiến binh 75 năm tuổi Đảng và hồi ức Tháng Tám

Thứ ba - 20/08/2019 10:12
Ở tuổi 99, ông Lường Chính Thắng- lão thành Cách mạng 75 năm tuổi Đảng đã lúc nhớ, lúc quên. Thế nhưng khi nhắc về những năm tháng tuổi trẻ lăn xả ở chiến trường, những giây phút chiến thắng ông vẫn nhớ như in.

Ở tuổi 99, ông Lường Chính Thắng- lão thành Cách mạng 75 năm tuổi Đảng đã lúc nhớ, lúc quên. Thế nhưng khi nhắc về những năm tháng tuổi trẻ lăn xả ở chiến trường, những giây phút chiến thắng ông vẫn nhớ như in.

Người cựu chiến binh 75 năm tuổi Đảng và hồi ức Tháng Tám
Ông Lường Chính Thắng nghẹn ngào nhớ về những ký ức hào hùng.


Trong căn nhà yên tĩnh tại tổ 2, phường Phùng Chí Kiên (thành phố Bắc Kạn), chúng tôi may mắn có dịp được trò chuyện với người cựu chiến binh có mái tóc bạc trắng, làn da điểm đồi mồi và giọng nói có phần run rẩy. Ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe ông cũng đã ảnh hưởng ít nhiều, dù khi nói chuyện phải ghé sát tai nhưng ông vẫn tự đi lại và chủ động trong sinh hoạt hàng ngày.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Lường Chính Thắng tự hào kể về những năm tháng hoạt động khi xưa không thiếu một mốc thời gian nào: Lường Chính Thắng có tên khai sinh là Nguyễn Văn Khắc, quê ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Năm 1943, khi vừa tròn 22 tuổi ông đã được cán bộ Việt Minh Hồ Văn Lạng giác ngộ tham cách mạng với bí danh Lường Chính Thắng. Bằng sự nhanh nhẹn và gan dạ, chàng thanh niên ấy được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Đội trưởng đội tự vệ bí mật; chính trị viên đại đội; huấn luyện quân sự; cán bộ Bí thư Nông Hội Xã... và cả Tuần đinh xã Đoàn.

Ông nhớ lại: “Tuần đinh xã Đoàn là một chức vụ nhỏ tay sai cho địch. Nghĩa là ngoài mặt chúng tôi là người nghe theo lệnh của chúng, nhưng thực tế là của quân mình được cử vào để nghe ngóng, truyền tin ra ngoài. Lúc ấy chẳng biết sợ là gì, còn tranh thủ có cơ hội ban đêm trộm súng của bọn chúng tuồn ra cho quân mình. Dù được ít nhưng khi ấy Dân quân tự vệ bên mình vũ khí thô sơ lắm, nên anh em chúng tôi liều mình với những suy nghĩ đơn giản và có phần ngây ngô.”

Đến năm 1945, trong khí thế sục sôi tổng khởi nghĩa của cả nước, Lường Chính Thắng đã cùng đơn vị mình tham gia giải phóng huyện Lục Nam, phá đồn bốt, lập chính quyền. Bằng sự anh dũng và những cống hiến của mình, tháng 7/1945, Lường Chính Thắng vinh dự được chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cùng với niềm hạnh phúc của bản thân, năm 1945 với những dấu mốc quan trọng của dân tộc được ông nhắc đến nhiều hơn cả.

“Cả cuộc đời tôi, có rất nhiều những giây phút không thể quên. Nhưng cảm giác “tự do” khi nghe tin chiến thắng của Cách mạng Tháng Tám đến nay vẫn vẹn nguyên. Khi ấy, tin mừng đến cùng những giọt nước mắt, nước mắt của những người dân lam lũ, nước mắt của cả những thanh niên trai tráng mặt còn nhem nhuốc. Chúng tôi lặng lẽ đón nhận tin mừng ấy, cùng rơm rớm lau nước mắt và phần nào hít hà không khí “tự do” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi vẫn nhớ bài thơ tôi viết diễn tả cảm xúc khi ấy: “Cột cờ Hà Nội cờ bay/ Chính quyền xác lập về tay dân nghèo/ Bên hàng tôi các cụ reo/ mắt rưng rưng lên lời reo nghẹn lời/ Đổi đời rồi dân làng ơi...” Đọc đến đây, người lão thành Cách mạng 75 tuổi Đảng xúc động đến nghẹn lời, đưa tay lên chấm khóe mắt nhăn nheo...

Năm 1947, ông đến tỉnh Bắc Kạn và nên duyên với cô gái Na Rì. Từ đây ông tiếp tục hoạt động và cống hiến hết mình cho cách mạng. Hòa bình lập lại từ năm 1957-1969, ông Lường Chính Thắng đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Phó ban Tuyên huấn tỉnh; Trưởng ban Thanh tra tỉnh. Sau đó, ông được điều động về công tác tại Ủy ban Kiểm tra khu tự trị Việt Bắc. Trước khi nghỉ hưu năm 1980, ông là Phó Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Thái. Đến nay, ông Lường Chính Thắng vinh dự là đảng viên duy nhất của tỉnh Bắc Kạn được trao huy hiệu 75 năm tuổi Đảng./.

Tác giả: Bích Phượng

Nguồn tin: http://baobackan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây