Cách đây ít ngày, Misty Hong, một sinh viên ở California (Mỹ) vừa đệ đơn trong một vụ kiện tập thể tới tòa án liên bang, với cáo buộc mạng xã hội TikTok đánh cắp dữ liệu người dùng và gửi đến các máy chủ tại Trung Quốc.
Được biết, sau nhiều tháng kể từ khi tải về ứng dụng TikTok, Hong phát hiện ra rằng TikTok đã tạo một tài khoản cho cô mà cô không biết và tạo ra một hồ sơ thông tin cá nhân về chính mình, bao gồm thông tin sinh trắc học lượm lặt được từ các video cô tạo nhưng không bao giờ đăng.
Misty Hong cho biết cô thậm chí chưa tạo tài khoản trên Tik Tok, dù tải ứng dụng được vài tháng, và vô cùng bất ngờ khi thấy những video của cô bỗng nhiên xuất hiện trên mạng này.
Theo cáo buộc, TikTok đã chuyển dữ liệu người dùng đến hai máy chủ ở Trung Quốc là bugly.qq.com và umeng.com, bao gồm thông tin về thiết bị người dùng và bất kỳ trang web nào mà người dùng đã truy cập.
Hiện, TikTok chưa bình luận về các cáo buộc, nhưng vẫn khẳng định rằng họ lưu trữ tất cả dữ liệu người dùng ở Mỹ, và dữ liệu sao lưu tại Singapore.
Ứng dụng quay video ngắn TikTok đang ngày càng trở nên phổ biến ở Mỹ và các quốc gia ở châu Á, đặc biệt là với nhóm thanh thiếu niên. Đây được xem là ứng dụng phát triển nhanh nhất thế giới, với cộng đồng video âm nhạc lớn nhất trên toàn cầu.
Cụ thể, ứng dụng này đạt 150 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày (và khoảng 500 triệu người dùng hoạt động hàng tháng) theo một thống kê hồi tháng 6/2018, và là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên thế giới trong quý I/2018, với ước tính 45,8 triệu lượt tải xuống.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, công ty này đang chịu sự giám sát chặt chẽ từ các nhà lập pháp và quan chức Mỹ trước những cáo buộc về xâm phạm người dùng.
Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn