Apple chi hàng tỷ USD để tự phát triển chip mạng 5G từ cách đây 5 năm và dự kiến trang bị trên iPhone 15, nhưng vẫn chưa thành công.
Năm 2017, mối quan hệ giữa Apple và Qualcomm dần xấu đi. Cả hai đưa nhau ra tòa với những cáo buộc về hành vi lừa dối, trộm cắp và độc quyền. CEO Tim Cook khi đó muốn cắt đứt "sự phụ thuộc miễn cưỡng" vào Qualcomm và ra lệnh khởi động dự án mới về thiết kế, xây dựng chip modem.
Minh họa về mẫu chip modem 5G của Apple. Ảnh: Blog do iPhone
Apple đặt tên mã cho dự án là Sinope, theo tên nữ thần thông minh hơn Zeus trong thần thoại Hy Lạp. Chris Deaver, cựu giám đốc nhân sự Apple và là đồng sáng lập công ty tư vấn BraveCore, tiết lộ dự án bí mật này do Cook trực tiếp thành lập với thành viên nòng cốt là lãnh đạo mảng bán dẫn Johny Srouji và một số nhân vật cấp cao khác.
Theo Deaver, ngay khi khởi động đã có xung đột trong nhóm. Rubén Caballero, người đứng đầu mảng không dây của Apple, vẫn ủng hộ mối quan hệ đối tác với Intel, còn Srouji muốn theo đuổi việc tự tạo chip riêng. Năm 2019, Caballero rời Apple.
Sau khi Caballero từ chức, cấp dưới của ông - hầu hết đều thành thạo về thiết kế chip - đã về dưới quyền Srouji. Tuy nhiên, họ chỉ được giao phát triển hệ thống không dây bổ sung như ăng-ten thay vì tham gia sâu vào mảng chip. "Một quản lý trong nhóm Srouji thậm chí không có nền tảng về công nghệ không dây", một người trong dự án đã nghỉ việc cho biết.
Tháng 3/2019, Apple mở trung tâm kỹ thuật riêng ở San Diego, quê hương của Qualcomm, với kế hoạch tuyển dụng 1.200 nhân sự ở đây. Hè năm đó, công ty công bố chi một tỷ USD mua lại mảng modem không dây Intel (Intel Wireless), gồm danh mục sáng chế về mạng di động.
Srouji sau đó bay tới Munich để chào đón nhân viên Intel Wireless. Trong buổi gặp gỡ, ông nhấn mạnh dự án chip modem là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với Apple và là bước tiếp theo trong quá trình phát triển của công ty. Hãng sau đó tuyển dụng ồ ạt. Bên cạnh đội ngũ kỹ sư Intel Wireless, công ty cố gắng chiêu mộ nhân tài về thiết kế chip mạng từ nhiều nơi, gồm cả Qualcomm. Nhóm lãnh đạo đặt mục tiêu đến năm 2023, Apple sẽ có chip riêng cho iPhone mới.
Nhưng khi iPhone 15 ra mắt ngày 12/9, chip 5G trên thiết bị vẫn do Qualcomm cung cấp.
Nỗ lực chưa thành
Một số người từng tham gia dự án cho biết Apple khi đó nhận thấy việc thu hút nhân tài là điều cần thiết, nhưng chưa đủ để phát triển chip. Thực tế, chip mạng được đánh giá khó chế tạo hơn chip xử lý vì chúng phải hoạt động liền mạch với mạng 5G, cũng như các thế hệ mạng 2G, 3G và 4G ở các quốc gia trên thế giới, và mỗi quốc gia đều có những đặc điểm công nghệ riêng.
Một cựu kỹ sư của dự án nói các giám đốc điều hành Apple hầu như không có kinh nghiệm về chip không dây, nhưng lại đặt ra các mốc thời gian thiếu thực tế. Đội ngũ được yêu cầu phải nhanh chóng xây dựng nguyên mẫu chip, đảm bảo chúng sẽ hoạt động với nhiều nhà mạng không dây trên toàn thế giới, trong khi việc này vốn tốn rất nhiều thời gian.
Năm ngoái, Apple mới bắt đầu thử nghiệm nguyên mẫu chip mạng. Theo một cựu nhân viên tham gia quá trình kiểm thử, kết quả bị đánh giá "không tốt". "Về cơ bản, chip chậm hơn ba năm so với của Qualcomm. Việc sử dụng chúng có nguy cơ khiến tốc độ không dây của iPhone chậm hơn các đối thủ cạnh tranh", người này nói.
Một nguồn tin khác tiết lộ các bài kiểm tra đều có chung kết quả: chip quá chậm và dễ bị quá nhiệt. Bảng mạch thậm chí lớn đến mức chiếm cả nửa chiếc iPhone và không thể sử dụng được.
Trước vấn đề đó, Apple quyết định hủy kế hoạch đưa chip modem "cây nhà lá vườn" lên iPhone 15. Việc triển khai thử nghiệm được chuyển sang năm 2024. Họ buộc phải gia hạn thỏa thuận với Qualcomm đến tháng 4/2025, có tùy chọn kéo dài thêm hai năm tùy tình hình thực tế. Theo ước tính từ giới chuyên gia, Apple đã trả hơn 7,2 tỷ USD cho Qualcomm để mua chip mạng vào năm ngoái.
Một số người tham gia dự án nói Apple đã thất bại không chỉ vì thách thức kỹ thuật, mà còn do lãnh đạo không đủ tầm. Ban lãnh đạo Apple dường như quá lạc quan, không khuyến khích kỹ sư nêu ra các vấn đề hạn chế, khiến họ tạo ra các mục tiêu không thực tế.
"Apple có thể đã tạo được chip silicon tốt nhất hành tinh, nhưng thật nực cười khi nghĩ họ cũng có thể chế tạo được chip modem với chất lượng tương tự", Jaydeep Ranade, cựu giám đốc mảng không dây của Apple, người đã rời công ty vào năm 2018, nhận xét.
"Những khó khăn đang cho thấy Apple đã không lường trước được sự phức tạp của việc tạo chip modem. Đó là thứ không dễ chinh phục", Serge Willenegger, cựu CEO Qualcomm, cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Apple có nhiều tiền và sẽ không bỏ cuộc.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn