Mạng xã hội làm gì để kiểm soát tin giả?

Thứ ba - 17/10/2023 22:30

Mạng xã hội làm gì để kiểm soát tin giả?

Các mạng xã hội áp dụng nhiều biện pháp, kết hợp công nghệ và nâng cao nhận thức nhưng việc ngăn chặn tin giả không dễ dàng.

"Thông tin đăng trên Internet lan tỏa rất nhanh, tiếp cận rất nhiều người. Vì vậy tin giả có tác hại rất lớn và gây nên một vấn nạn toàn cầu như hiện nay", ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, nói về thực trạng tin giả trong một sự kiện công bố chiến dịch Tin hôm 11/10.

Hơn một thập kỷ qua, sự phát triển của mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok thu hút hàng chục triệu người dùng tại Việt Nam, nhưng cũng trở thành môi trường để tin giả lan tỏa, gây nhiều ảnh hưởng đến xã hội. Điều này đặt ra cho các nền tảng trách nhiệm hợp lực để giải quyết vấn nạn.

Từ 2012, Facebook, nay là Meta, đã công bố một nghiên cứu về mức độ mà các mạng xã hội trực tuyến có thể làm tăng sự lan truyền của thông tin mới và quan điểm trái chiều, trở thành nền tảng cho sự phát triển các công cụ hỗ trợ chống tin giả. Facebook cho biết đã làm việc với đối tác chuyên về xác minh thông tin để phát hiện và xem xét thông tin sai sự thật. Nền tảng không đề cập đến việc có xóa các nội dung sai lệch hay không, nhưng những thông tin như vậy sẽ bị đưa xuống vị trí thấp để giảm khả năng tiếp cận đến người dùng, đồng thời người đăng bị hạn chế phân phối bài đăng và không thể quảng cáo.

 
Tính năng báo cáo tin sai sự thật của ứng dụng Facebook. Ảnh: Lưu Quý

Tính năng báo cáo tin sai sự thật của ứng dụng Facebook. Ảnh: Lưu Quý

YouTube, mạng xã hội video hàng đầu thế giới, cũng là nơi bùng phát nhiều tin giả, xấu độc, đặc biệt từ các nguồn nước ngoài nhắm tới người dùng Việt. Trên website của mình, YouTube khẳng định nội dung xấu "chỉ chiếm một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ" với tỷ lệ lượt xem chiếm khoảng 0,16-0,18%. Nền tảng Google cho biết họ xử lý thông tin sai lệch theo bốn nguyên tắc, gồm: gỡ bỏ nội dung vi phạm chính sách, giảm nội dung đề xuất gần ranh giới vi phạm chính sách, ưu tiên nguồn đáng tin cậy, đồng thời khen thưởng các nhà sáng tạo uy tín.

TikTok ra đời muộn hơn và mới xuất hiện chính thức ở Việt Nam từ năm 2019. Tuy nhiên, đây cũng là mạng xã hội xuyên biên giới lớn đầu tiên có văn phòng trong nước. Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, việc quản lý nội dung được thực hiện theo tiêu chuẩn cộng đồng, được xây dựng từ năm 2018 và cập nhật liên tục. Ngoài việc xác định tin giả theo báo cáo của người dùng, nền tảng "đẩy mạnh mối liên hệ giữa công nghệ kiểm duyệt tự động và đội ngũ kiểm duyệt có chuyên môn để đưa ra kết luận chính xác đối với các nội dung". Những thông tin vi phạm, trong đó có thông tin sai lệch, bị gỡ bỏ hoặc giảm tiếp cận người dùng. Ngoài ra, ứng dụng cũng được trang bị tính năng giới hạn thời gian sử dụng, kết nối gia đình để cha mẹ quản lý con cái.

Tạo "bộ lọc tin giả" cho người dùng

Đại diện các nền tảng đều khẳng định đã có những những tiêu chuẩn cộng đồng cùng giải pháp phát hiện, ngăn chặn tin giả, nhưng thừa nhận vấn nạn chưa thể được xử lý triệt để. Thậm chí với sự xuất hiện của những công nghệ mới như AI tạo sinhdeepfake, chúng còn trở nên khó lường và nguy hiểm hơn, theo ông Lê Quang Tự Do.

Khuyến khích các công nghệ mới song song với việc ngăn chặn mặt trái, ông Do đánh giá "đây là cuộc rượt đuổi không có hồi kết". Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng mấu chốt trong cuộc chiến chống tin giả nằm ở ý thức người dùng.

"Mỗi người có 'sức đề kháng' và 'bộ lọc' thì sẽ tốt hơn rất nhiều cách của cơ quan quản lý. Nếu mỗi chúng ta có một sức đề kháng fake news, chắc chắn sẽ giảm rất nhiều trong những tình huống bất ngờ nhất", ông nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam, nói nền tảng đã có đầy đủ quy định cũng như các tính năng hỗ trợ. "Việc nâng cao kỹ năng số để có bộ lọc tin giả ở tất cả người dùng là mục tiêu quan trọng nhất", ông nói. "Trách nhiệm của nền tảng là đẩy mạnh hơn nữa việc trang bị kỹ năng số, để người dùng biết và sử dụng".

Đặc tính của một nền tảng UGC (User-Generated Content) là người dùng có thể tự tạo nội dung, đồng thời tiêu thụ, lan truyền nội dung đó. Với tin giả, mức độ lan truyền có thể nghiêm trọng hơn nếu chúng được phát đi từ những người có lượng theo dõi và mức độ ảnh hưởng lớn (Influencer). Ở hướng ngược lại, nếu những Influencer này được khuyến khích tạo ra nội dung hữu ích và lan tỏa đến cộng đồng sẽ giúp toàn bộ người dùng có thể nâng cao nhận thức về tin giả. Đây cũng là mục tiêu được đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đề cập tại lễ công bố chiến dịch "Tin".

Ở phía nền tảng mạng xã hội, một hướng tiếp cận khác là đưa thêm lợi ích đến nhà sáng tạo nội dung. Ví dụ xu hướng thu phí của YouTube, Facebook giúp họ kiếm tiền từ nội dung sạch thay vì tạo nội dung "câu view".

Chiến dịch Tin do Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, Báo VnExpress và FPT Online tổ chức từ 2/10 đến 15/11, hướng đến mục tiêu cung cấp những kỹ năng cơ bản để người sử dụng Internet có thể nhận biết, đánh giá, sàng lọc và xử lý hiệu quả khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng.

Các hoạt động chính của chiến dịch gồm: Cuộc thi sáng tạo nội dung "Anti Fake News" trên nền tảng TikTok; Chương trình nâng cao văn hóa mạng Việt Nam và rất nhiều những hoạt động, ấn phẩm truyền thông được chia sẻ rộng rãi trên mọi nền tảng mạng xã hội.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây