Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến trong nước dự định bắt tay để cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google.
Trong hội thảo quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình ngày 13/10 tại TP HCM, bà Phạm Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm truyền hình TV360 của Viettel, dẫn báo cáo của Research and Market cho thấy người Việt ngày càng thích xem video ngắn trên mạng xã hội. Các đài truyền hình cũng đang đẩy nội dung lên những nền tảng này để kết nối với người xem.
"Việc người dùng ngày càng chuyển dịch từ truyền hình truyền thống lên nền tảng số như Facebook, YouTube kéo theo sự dịch chuyển doanh thu. Trong khi doanh thu từ truyền hình TV đi xuống, doanh thu từ truyền hình số lại đi lên", bà Phương nói.
Thay đổi về thời gian trung bình của người dùng dành cho TV và video kỹ thuật số. Nguồn: Insider Intelligence
Tuy nhiên, doanh thu quảng cáo video trên mạng xã hội của các đơn vị sản xuất tăng nhưng không tương xứng với số tiền đầu tư. Bà Phương lấy ví dụ, cùng đầu tư vào một tập phim hoặc chương trình thể thao 45 phút, nếu chiếu trên nhà đài vào khung giờ vàng có thể bán được 400-600 triệu đồng tiền quảng cáo. Nhưng với nội dung đó, doanh nghiệp cắt nhỏ và rồi phát trên Facebook, YouTube, chủ đầu tư chỉ được nền tảng trả 40 đồng mỗi lượt xem. Trung bình, phải cần đến 15 triệu lượt xem mới đạt bằng doanh thu quảng cáo truyền hình.
"Giá trị kinh doanh trên mạng xã hội rất nhỏ so với doanh thu quảng cáo truyền hình trả", bà Phương cho hay.
Bà Phương đề nghị doanh nghiệp OTT trong nước và nhà đài nên hợp tác với nhau, chia sẻ nội dung thế mạnh của từng bên để phục vụ tốt hơn cho người dùng, từ đó chủ động doanh thu từ quảng cáo, thay vì phụ thuộc vào nền tảng nước ngoài.
Ông Huỳnh Long Thủy, Tổng giám đốc VieON, đề xuất mô hình hợp tác mới, giúp doanh nghiệp OTT Việt có thể chủ động doanh thu quảng cáo thay vì phụ thuộc vào nền tảng Google Ads. "Hầu hết các đơn vị dùng nền tảng quảng cáo của Google. Tuy nhiên thực tế chứng minh, nhiều nơi doanh thu quảng cáo không đủ bù đắp chi phí cho nhà cung cấp. Doanh nghiệp càng làm càng lỗ", ông nói.
Ông cho rằng các doanh nghiệp OTT trong nước nên ngồi lại với nhau, chia sẻ dữ liệu về người dùng, xây dựng được chân dung người dùng, từ đó phân bổ quảng cáo chính xác. Nếu làm tốt, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để quảng cáo trên nền tảng chung của nhau, thay vì phụ thuộc vào phân bổ của Google.
Giao diện một ứng dụng OTT Việt Nam. Ảnh: Bảo An
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, việc doanh nghiệp cùng nhau đo đếm, xây dựng chân dung người dùng tưởng đơn giản nhưng khó nhất là làm sao có thể bắt tay cùng làm, tránh tâm lý sợ thiệt, không công bằng.
"Chúng ta hoài nghi với nhau trong khi lại tuân theo luật chơi của nền tảng nước ngoài, chính điều này đã tự làm mình yếu đi", ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, nói.
Để giải quyết, từ tháng 11, Bộ sẽ công bố các chỉ số, bộ đếm đo lường của cơ quan chức năng, kết hợp cùng số liệu từ các nền tảng OTT. Tuy nhiên, đại diện Bộ cũng lưu ý, khi chỉ số này được công bố, chắc chắn sẽ có những khác nhau tương đối lớn giữa các bộ đếm. "Chúng tôi mong chờ những tranh luận để xem cái nào chính xác nhất, tuy nhiên ít nhất sẽ có một số liệu chính thống, do nhà nước đo, công bố và xếp hạng", ông Lâm nói.
Một vấn đề khác là câu chuyện bản quyền. Facebook từng bỏ ra 270 triệu USD mua bản quyền bóng đá Ngoại hạng Anh tại Việt Nam ba mùa 2019-2022. Do đó, doanh nghiệp trong nước đang bàn đến chuyện hợp tác, chia sẻ nội dung để cạnh tranh với nền tảng nước ngoài, thay vì cạnh tranh nội bộ.
Đại diện VieON kiến nghị các nhà cung cấp OTT Việt có thể xây dựng một gói dịch vụ đặc biệt, tập hợp nội dung đặc sắc của mình và bán cho người dùng. Nhà đài cũng có thể hợp tác với doanh nghiệp OTT, doanh thu gói cước sẽ chia sẻ với bên cung cấp dịch vụ. Khi đó, giá trị của quảng cáo không phải là 40-50 đồng một lượt xem như Facebook, Google trả mà doanh nghiệp trong nước sẽ chủ động được giá quảng cáo theo nhu cầu của thị trường.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn