Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức bỏ quy định tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 49% trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Lý giải cho điều này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nếu hạn chế có thể ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán nói riêng, Fintech nói chung. Ngoài ra, thực tế hiện nay có một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán lớn đã được cấp phép và có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vượt mức 49% nên cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp này.
Chưa kể đến, Bộ TT&TT cũng đã kiến nghị về việc thử nghiệm dịch vụ Mobile Money ngay trong quý 1/2020 để tạo đà cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau sự ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Việc bỏ giới hạn góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài và thử nghiệm sớm Mobile Money được cho là sẽ khiến thị trường Fintech năm 2020 sẽ cực kì sôi động. Bình luận về vấn đề này, đại diện ví điện tử Momo cho rằng, thị trường Fintech trong những năm qua phát triển rất mạnh, một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy là nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Chưa kể đến thị trường Fintech Việt Nam còn đang còn rất nhỏ và giới hạn về dịch vụ và nếu không có những thương vụ đầu tư lớn, thị trường sẽ không thể phát triển đột phá được. "Trong thời gian qua, Chính phủ đã thúc đẩy việc hợp tác quốc tế thông qua việc ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại xuyên thái bình dương CP-TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tôi tin rằng thông qua các hiệp định này, Việt Nam sẽ tìm ra những đối tác đầu tư lớn vào lĩnh vực Fintech, cùng đồng hành với sự phát triển bền vững của Việt Nam", đại diện Momo chia sẻ thêm.
Còn theo lãnh đạo của ví điện tử khác ở Việt Nam, thị trường Fintech năm 2020 sẽ có rất nhiều thay đổi, trong đó có việc dừng đốt tiền khuyến mãi của một số ví điện tử hay cổng thanh toán lớn. Có thể kể đến như việc ví điện tử Moca trên Grab, Airpay, Momo... đang ngày càng "thưa thớt" dần các chương trình khuyến mãi. Thậm chí, các ví điện tử còn đang chuyển dần từ việc giảm giá trực tiếp giá trị giao dịch sang hình thức hoàn tiền cho các lần mua tiếp theo để giữ chân người dùng.
Cũng vị lãnh đạo ví điện tử này, khi Ngân hàng Nhà nước gỡ bỏ mức 49%, chắc chắn sẽ có nhiều quỹ đầu tư nước hay các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư hay mua lại các công ty trung gian thanh toán đang hoạt động chậm lại. Xu hướng này đang bùng nổ trong những năm qua với những thương vụ "hợp tác" giữa TrueMoney và 1Pay, Moca và Grab, Lazada với eMonkey... hay những thương vụ đầu tư bạc tỷ của Momo, VNpay. "Xu hướng này sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2020 khi rào cản sở hữu nước ngoài ở mức 49% được gỡ bỏ", đại diện ví điện tử này chia sẻ thêm.
Bình luận về Mobile Money, vị chuyên gia này khẳng định, khi dịch vu này được cấp phép chắc chắn sẽ thay đổi toàn bộ sân chơi của các ví điện tử và công cụ thanh toán truyền thống, khi tiếp cận lớp khách hàng chiếm hơn 50% dân số Việt Nam - những người chưa có thẻ ngân hàng mà các ví điện tử không thể hướng đến. "Tuy nhiên, do dịch vụ Mobile Money sẽ chỉ ở dạng thử nghiệm nên chắc chắn hạn mức tiêu dùng sẽ bị giới hạn, nên sẽ chưa thể ảnh hưởng nhiều đến các ví điện tử hiện nay", vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị lãnh đạo ví điện tử này cũng nhấn mạnh một xu hướng sẽ bùng nổ và có những sự tăng trưởng lớn trong năm 2020, đó là mảng tài chính tiêu dùng, khi mà hiện đang có ít nhất 50 đơn vị hoạt động và còn gia tăng trong những năm tới khi mà nhu cầu vay tiền, mua trả góp của người dân ngày càng lớn hơn. Điều này sẽ đặt ra vấn đề với Ngân hàng Ngà nước cần sớm có hành lang pháp lý với mô hình p2p lending (vay ngang hàng) khi trong thời gian qua sự bùng nổ của mô hình này đã đem lại nhiều hệ luỵ xấu cho xã hội.
"Năm 2020 sẽ chứng kiến nhiều thương vụ đầu tư vào mảng Fintech - tài chính tiêu dùng", lãnh đạo ví điện tử này kết luận.
Gia Khánh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn