Tờ Nikkei Asian Review mới đây cho biết Google và Microsoft đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi dây chuyền sản xuất các thiết bị phần cứng của mình từ Trung Quốc về khu vực Đông Nam Á. Theo đó, các nhà máy sẵn có tại Việt Nam và Thái Lan sẽ được hưởng lợi.
Ông lớn ráo riết "chuyển nhà" về Việt Nam
"Google đã lên lịch sản xuất dòng smartphone giá rẻ mới nhất của mình - dự kiến có tên Pixel 4A - với các đối tác tại Việt Nam, khu vực miền Bắc", Nikkei cho biết. Không chỉ vậy, cả dòng flagship Pixel 5 cũng có thể được sản xuất tại Việt Nam trong quý 2 năm nay.
Trong cùng thời gian đó, Microsoft cũng dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất các dòng thiết bị thông minh Surface, bao gồm cả máy tính xách tay và máy tính để bàn tại Việt Nam. "Khối lượng sản xuất ban đầu tại Việt Nam có thể sẽ nhỏ, nhưng sản lượng sẽ tăng, và đây là hướng là Microsoft mong muốn", một giám đốc chuỗi cung ứng của Microsoft cho biết.
So với các đối thủ nặng ký về phần cứng như Apple, thì Google và Microsoft ít chịu nhiều gánh nặng khi chuyển sang đa dạng hóa sản xuất để giảm thiểu rủi ro do tập trung quá mức, các nhà theo dõi thị trường cho biết.
Cụ thể, so với gần 200 triệu smartphone của Apple được bán ra mỗi năm, thì Google chỉ xuất xưởng khoảng 7 triệu chiếc vào năm 2019, theo dữ liệu của IDC. Trong khi đó, toàn bộ dòng Surface của Microsoft cũng chỉ đạt 6 triệu chiếc trên toàn cầu vào năm ngoái, ít hơn nhiều so với 17 triệu máy tính của Apple.
Được biết, cả Google và Microsoft đều đang đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm phần cứng tiêu dùng như một phần trong chiến lược của 2 gã khổng lồ Internet nhằm "khóa chặt" người dùng vào hệ sinh thái phần mềm/dịch vụ, và thị trường Đông Nam Á chính là chìa khóa cho mọi nỗ lực của họ.
Dịch virus corona củng cố quyết tâm của Google, Microsoft
Tính đến nay, mặc dù hầu hết smartphone của Google và máy tính của Microsoft đều được sản xuất trên dây chuyền tại Trung Quốc, nhưng ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung từ lâu đã khiến nhiều ngành công nghiệp - đặc biệt là công nghệ - phải cân nhắc những rủi ro của sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc trong sản xuất.
Theo đó, đại diện một chuỗi cung ứng cho rằng các công ty vẫn sẽ tiếp tục với kế hoạch chuyển đổi dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc ngay cả khi Washington và Bắc Kinh ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu vào tháng 1. "Dịch Covid-19 bùng phát nhanh chỉ củng cố quyết tâm của họ", nguồn tin cho biết.
"Dịch virus xảy ra một cách bất ngờ chắc chắn sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất thiết bị điện tử trong nỗ lực tìm kiếm năng lực sản xuất bên ngoài cơ sở tại Trung Quốc", người này cho biết thêm. "Không một đơn vị nào có thể bỏ qua rủi ro sau sự việc này. Nó không chỉ đơn thuần là chi phí - mà là sự ổn định, tính liên tục trong khâu quản lý của chuỗi cung ứng."
Được biết, sau khi Covid-19 khiến các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc không thể quay lại làm việc trong tháng 2, Google thậm chí yêu cầu các nhà cung cấp đánh giá tình hình để ngay lập tức tháo dỡ một số thiết bị sản xuất và chuyển nó từ Trung Quốc sang Việt Nam thông qua vận tải đường bộ, đường biển hoặc đường hàng không.
Microsoft cũng đã khởi động kế hoạch sản xuất tại Việt Nam sớm hơn dự tính trước bối cảnh dịch bệnh lan rộng.
Nguyễn Nguyễn
Theo Nikkei
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn