Theo báo cáo của IDC, ước tính trong năm 2019, thế giới sẽ chi 1,18 nghìn tỷ USD cho chuyển đổi số. Đến năm 2020, thị trường này sẽ mở rộng thêm 67% lên gần 20 nghìn tỷ USD và đến năm 2025, nền kinh tế kỹ thuật số (digital economy) dự kiến sẽ đóng góp 24,3% vào GDP toàn cầu.
Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp Việt chưa bắt đầu chuyển đổi số còn khá lớn, gấp 1,5 lần so với thế giới. Vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp là không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, chưa tìm được mô hình nào phù hợp với đặc thù của riêng mình; chưa tìm được đối tác đồng hành tin cậy.
Tại sự kiện Internet day 2019 mới đây, ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch Công ty Nexttech cho biết các doanh nghiệp truyền thống thường rất mông lung về chuyển đổi số. Ông Bình ví von ví von chuyển đổi số ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam như việc thả ếch vào một nồi nước lạnh. Ban đầu, nước còn lạnh thì ếch không hề có phản ứng gì. Càng về sau, nồi nước càng trở nên nóng hơn, và đến lúc nước sôi thì đã muộn. Ếch đã bị luộc chín trong nồi nước.
Ông Bình cũng thẳng thắn, các doanh nghiệp đang có cái nhìn đơn giản về chuyển đổi số, trong đó ngay bản thân lãnh đạo các doanh nghiệp này cũng rất mông lung. Ông khẳng định các doanh nghiệp phải đứng trước sự lựa chọn “chuyển đổi số hay là chết” bởi vì có 20 ngành nghề của mọi mặt đời sống xã hội đều có thể bị chuyển đổi số "tiêu diệt" từ vận tải, y tế, ngân hàng, tài chính... như câu chuyện Grab, Uber đang đe doạ ngành vận tải.
Cũng chia sẻ về quan điểm của mình, ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng Giám đốc VNG, khẳng định, mọi doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng của chuyển đổi số, giống như một chiếc đồng hồ cát đếm ngược.
Nhắc đến những thất bại của Kodax dẫn đến việc phải tuyên bố phá sản, ông Trí cho hay,năm 1999, Kodax có doanh thu mỗi tháng khoảng 8 tỷ USD, đến từ việc bán cuộn phim và rửa phim. Tuy nhiên, với sự ra đời của Instagram, một startup chỉ với 12 nhân sự, Kodax đã phải tuyên bố phá sản vào năm 2011 - 2012. “Có thể thấy, đến một công ty trong top 50 thế giới còn có thể phá sản vì chậm chuyển đổi số huống chi các doanh nghiệp nhỏ hơn”, ông Trí nói.
Tại sự kiện VNG CLOUD Tech Day 2019 vừa diễn ra ngày 12/12, ông Trí cũng cho rằng, việc chuyển đổi số theo phương thức cũ là số hoá đơn thuần hoạt động của doanh nghiệp đã khiến cho hơn 80% doanh nghiệp Việt chuyển đổi số thất bại. Họ vừa tốn kém chi phí “khủng” cho việc đầu tư trang thiết bị công nghệ, vừa không biết làm gì với khối lượng dữ liệu khổng lồ sau khi số hoá.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa thực sự quyết tâm trong việc chuyển đổi số, cho rằng doanh nghiệp vẫn có thể kiếm tiền được từ mô hình kinh doanh cũ, dẫn tới khi các doanh nghiệp nước ngoài giàu tiềm lực nhảy vào thị trường thì lao đao vì không thể cạnh tranh lại.
Ông Trí nhấn mạnh nguyên nhân thất bại nằm ở việc đa phần doanh nghiệp Việt chưa hiểu mình muốn gì, mình cần gì khi chuyển đổi số. “Với chuyển đổi số, doanh nghiệp cần bắt đầu từ mục tiêu, từ đích đến: Xác định rõ mình muốn gì rồi tìm giải pháp để đạt được mục đích đó. Đó là cách tiếp cận kiểu mới: Doing & Discovering, tức là cứ làm đi, gặp vấn đề thì giải quyết”. Do đó, người dẫn dắt hành trình chuyển đổi số của một doanh nghiệp nên là người làm kinh doanh (Sales), thay vì bộ phận IT như tư duy thông thường.
“Người làm IT thường có xu hướng số hoá toàn bộ hoạt động của công ty. Nhưng người làm kinh doanh thì mới hiểu doanh nghiệp đang gặp khó khăn gì, cần gì để giảm chi phí, tăng doanh thu và tìm giải pháp công nghệ cho đúng những điểm then chốt”, ông Trí lý giải.
Một trong những lời giải đang được nhiều doanh nghiệp tìm đến chính là dịch vụ đám mây.
Chia sẻ câu chuyện của chính mình tại Tech Day 2019, ông Michael Chen, Giám đốc Nhân sự của Tập đoàn bất động sản Phú Mỹ Hưng cho biết “Nếu trong quá khứ việc kiểm soát công nhân hoàn toàn phụ thuộc vào sổ sách, ghi chép thủ công mất rất nhiều thời gian và nhân lực mà tính chính xác không cao. Thì hôm nay, chính những giải pháp và hạ tầng đám mây đã giúp Phú Mỹ Hưng chúng tôi giải quyết được những vấn đề đó.”
Minh Anh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn