Các diễn giả tại sự kiện nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo không quá kì diệu và cao siêu như trong suy nghĩ của mọi người, các công ty tại Việt Nam đang dần đưa AI vào từng chi tiết nhỏ của cuộc sống. Zalo AI Summit 2019 là đánh dấu bước tiến của AI tại Việt Nam sau một thời gian “xông vào” kỉ nguyên trí tuệ nhân tạo.
“Vẻ đẹp của AI không chỉ nằm ở thuật toán, mà đến từ sức mạnh của AI trong việc tác động đến cuộc sống hằng ngày. Chúng ta ở đây chia sẻ thành công, chia sẻ khát vọng, đem lại một cảm hứng mới trong việc phát triển công nghệ để thay đổi cuộc sống con người”, ông Vương Quang Khải, đại diện cộng đồng AI Việt Nam chia sẻ tại sự kiện.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Hoàng Tùng, CEO của VVN AI đã demo trực tiếp giải pháp SMART eKYC - AI được xây dựng nhờ công nghệ nhận dạng hình ảnh. Chỉ bằng việc chụp 2 mặt của CMND, mô hình của VVN AI nhanh chóng xuất ra toàn bộ thông tin tương ứng của người dùng với thời gian chưa đến 2 giây.
Công nghệ này đặc biệt hữu ích đối với các đơn vị như ngân hàng, nhà mạng, thậm chí là dịch vụ công. Người dùng có nhu cầu sử dụng dịch vụ sẽ không cần điền tay bất cứ mẫu giấy tờ nào. Được biết, sản phẩm của VVN AI đang được triển khai ở VPBank, Viettel, Mobifone, VinGroup… cùng một số công ty khác của Mỹ, Đức, Hong Kong.
Đến từ VTCC (Viettel Cyberspace Center), ông Trần Mạnh Quân, AI-based Product Manager, mang đến giải pháp xử lý các bài toán trên hạ tầng viễn thông giúp tiết kiệm chi phí, cụ thể là chatbot chăm sóc khách hàng và giải pháp tối ưu dữ liệu về khách hàng. Hiện tại, tỉ lệ bot trả lời khách hàng của nhà mạng này là 50% và kỳ vọng sẽ tăng lên 65-80% trong tương lai.
“Kỳ vọng của con người vào AI rất cao, mong muốn AI có thể thay thế được con người, thay đổi hoàn toàn phương thức giao tiếp, phương thức kinh doanh. Tuy nhiên, ở góc nhìn thực tế, AI có thể áp dụng vào tất cả các quy trình bán hàng, chăm sóc khách hàng, và những ứng dụng nội bộ, dù chỉ là ứng dụng rất nhỏ. Chúng ta dần dần đưa AI đi vào cuộc sống như vậy”, ông Quân chia sẻ.
Nhân viên lễ tân ảo, nhân viên bán hàng ảo… là những sản phẩm AI đang được triển khai bởi Aimesoft. Không chỉ ứng dụng tại Việt Nam, giải pháp lễ tân ảo của Aimesoft đã có mặt tại 70 chi nhánh bệnh viện và 30 chi nhánh siêu thị ở Nhật Bản.
Kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh đến từ Aimesoft đã giới thiệu các sản phẩm này tại sự kiện, đồng thời chia sẻ về hệ thống hỏi đáp trong hội thoại tự nhiên được tích hợp vào Trí tuệ nhân tạo đa thể thức (Multimodal AI). Sự khác biệt của Multimodal AI với các mô hình thông thường là sự kết hợp nhiều nguồn dữ liệu (văn bản, tiếng nói, ảnh, số liệu) và nhiều thuật toán xử lý thông minh để giải quyết các bài toán phức tạp và đạt được độ chính xác cao.
Với thế mạnh về xử lý tiếng nói tiếng Việt, ông Nguyễn Quốc Bảo, Lead Scientist tại Zalo đã chia sẻ hướng ứng dụng công nghệ này trong các sản phẩm triệu người dùng của Zalo. Bí quyết tạo ra AI có độ chính xác cao được ông Bảo “bật mí” là quy trình sàng lọc và xử lý dữ liệu ban đầu rất kỹ càng, công phu.
Công nghệ xử lí tiếng nói này đã được thử nghiệm tích hợp trên ứng dụng Zalo. Tin nhắn bằng voice (giọng nói) sẽ được tự động chuyển thành tin nhắn văn bản, giúp người nhận đọc được tin nhắn thoại trong một số trường hợp không tiện hoặc không nghe được thoại.
AI này cũng tích hợp lên Zing News và Báo Mới để giúp chuyển đổi từ văn bản thành giọng nói. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với người khiếm thị, người mắt kém khi họ có thể đọc tin mà không nhờ đến sự giúp đỡ của người khác.
Ngoài ra, Zalo vẫn đang tiếp tục đầu tư nguồn lực để hoàn thiện trợ lý ảo Ki-Ki. Tại sự kiện, đội ngũ Zalo cũng demo loa thông minh. Khát vọng của Zalo là mang AI để phục vụ cuộc sống của hàng triệu người dùng.
Nằm trong chuỗi sự kiện về Trí tuệ nhân tạo 2019, Zalo AI Hackathon và Zalo AI Challenge là 2 cuộc thi thú vị, mang tính chuyên môn và thực tế cao dành cho cộng đồng AI Việt Nam. Các đội quán quân đã chia sẻ giải pháp và được trao tổng giải thưởng gần 400 triệu đồng tại Zalo AI Summit 2019.
Zalo AI Hackathon có đề tài mang tính thời sự cao: phát hiện đường lưỡi bò trong các bức ảnh, từ đó đánh dấu và ngăn chặn hình ảnh này xuất hiện phi pháp ở Việt Nam. Các đội thi có 24 giờ làm việc liên tục để tạo ra giải pháp. Đội thắng cuộc được ông Nguyễn Thọ Chương, Lead Scientist tại Zalo đánh giá là sử dụng các phương pháp rất mới, có tính cập nhật.
Zalo AI Challenge có 3 mảng thi đấu: Motorbike Generator - xây dựng model để sáng tạo ra những mẫu xe máy mới, Hit Song Prediction – dự đoán ca khúc ăn khách trên bảng xếp hạng âm nhạc, Vietnamese Wikipedia Question Answering – hỏi đáp tiếng Việt.
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn