“Thời lồng tiếng phim, có ngày tôi mang hơn nửa chỉ vàng về cất tủ”

Thứ tư - 08/07/2020 22:36
(Dân trí) - “Vàng hồi đó giá trị lắm nhưng có ngày tôi mang về nửa chỉ vàng cất vào tủ. Giả sử vàng trị giá 500 nghìn/chỉ thì tôi mang về 300 nghìn đồng”, NSND Hoàng Dũng chia sẻ. >> >> >>

Anh có thể chia sẻ về quãng thời gian gắn với công việc “bầu sô” lồng tiếng phim?

Tôi tham gia công việc lồng tiếng phim từ những năm cuối của thập niên 80. Tôi lồng tiếng cả thể loại phim nhựa, phim truyền hình và phim truyền hình dài tập của nước ngoài được trao đổi bản quyền để phát sóng.

“Thời lồng tiếng phim, có ngày tôi mang hơn nửa chỉ vàng về cất tủ”

NSND Hoàng Dũng từng lồng tiếng rất nhiều bộ phim kinh điển thập niên 80, 90.

Tôi may mắn được mời lồng tiếng cho toàn những gương mặt lớn của điện ảnh Việt thời bấy giờ. Ngoài ra, tôi cũng đảm nhận phần lồng tiếng các vai nam chính trong hàng loạt phim truyền hình nước ngoài kinh điển như: Oshin, Đơn giản tôi là Maria, Người giàu cũng khóc, Cô chủ nhỏ, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên… Nhiều khi có một phim mà lồng cả vai chính lẫn vai phụ, một người lồng đến mấy vai.

Lồng tiếng là công việc có sự chọn lọc nhất định, không phải ai thích cũng có thể đi lồng được. Và thời điểm đó cũng không có nhiều nhóm làm công việc này. NSƯT Lân Bích, NSƯT Tất Bình, Trọng Phan… là những người làm công việc này từ thời kỳ đầu. Thế hệ chúng tôi là thế hệ sau nhưng bao giờ 3 người chúng tôi gồm Hoàng Dũng, Trung Anh và Minh Hằng thường hay đi làm với nhau.

Vậy cơ duyên nào đưa anh đến với công việc này?

Trước đó, tôi được gọi lên lồng các vai quần chúng nên rất hứng thú với công việc này. Có những hôm xong việc rồi tôi vẫn cứ nán lại để quan sát người ta lồng. Xem xong tôi tự tập một mình, cứ lẩm bẩm trong miệng vậy. Một vài lần, tôi được gọi lên thử tiếng nhân vật thứ chính, mọi người rất thích tiếng của tôi nên cho tôi thử vai. Ban đầu chỉ cho lồng tiếng vai thứ thôi, dần dần mới lên nhân vật chính.

NSND Minh Hằng cho rằng, thu nhập của nghề lồng tiếng phim thời đó rất tốt. Anh còn nhớ bộ phim nào mang đến cho mình số tiền lớn nhờ lồng tiếng thời đó?

Công việc lồng tiếng thời đó đều đặn và mang đến thu nhập tốt hơn cả đóng phim. Thu nhập của lồng tiếng phim cũng khắc hẳn với thu bên phát thanh. Chẳng hạn, thu các mẩu kịch truyền thanh hoặc bài minh hoạ trong các chương trình phát thanh thường thù lao rất ít. Nhưng lồng tiếng phim thì đủ tiền để trang trải sinh hoạt cho gia đình.

Ví dụ, một ngày cả gia đình tiêu hết 10.000 đồng thì mình cũng kiếm được tới 60.000 đồng. Tôi không nhớ chính xác đơn vị tiền tệ lúc đó như thế nào nhưng nói chung công việc lồng tiếng khiến đời sống gia đình nâng cao hơn.

Phim truyện nhựa thì thù lao lồng tiếng nhỉnh hơn một chút nhưng đòi hỏi độ chính xác phải cao hơn. Bởi vì ngày xưa không như bây giờ. Bây giờ lồng trượt vẫn có “công nghệ” để kéo lại khớp với hình nhân vật trên màn ảnh, còn ngày xưa, phim nhựa làm bằng phim từ, một đoạn phim và một đoạn từ cuốn tròn vào nhau xong cả hai cùng chạy, hình đến đâu lắp tiếng vào đến đó. Mỗi lần như thế, nếu 4 – 5 người cùng tham gia lồng tiếng mà một người hỏng thì cả nhóm phải làm lại từ đầu.

“Thời lồng tiếng phim, có ngày tôi mang hơn nửa chỉ vàng về cất tủ” - Ảnh minh hoạ 2

Nghệ sĩ Hoàng Dũng thừa nhận công việc lồng tiếng phim đã giúp gia đình anh khá lên trong những năm đất nước khó khăn.

Có thời điểm, nhất là khi vợ tôi đang mang bầu con trai đầu, tôi làm rất nhiều công việc khác nhau. Cả lồng tiếng, đóng phim, dựng kịch, đóng kịch… Vàng hồi đó giá trị lắm nhưng có những ngày tôi mang về nửa chỉ vàng cất vào tủ. Giả sử vàng trị giá 500 nghìn/chỉ thì tôi mang về 300 nghìn đồng. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng có ngần đó tiền mang về nhưng nói chung công việc lồng tiếng hồi đó là thu nhập chính.

Thời đó, đời sống vẫn còn thiếu thốn lắm, không mấy ai có tivi hoặc xe máy đâu. Ra phố uống cốc sen dừa là “sang chảnh” lắm rồi và như chúng tôi được xem là dạng có tiền.

Trong số những phim đã lồng tiếng, có kỷ niệm nào mà anh còn nhớ?

Trong phim truyền hình “Người giàu cũng khóc”, tôi được phân lồng tiếng vai nam chính, anh Trung Anh được phân lồng một vai khác. Khi bắt đầu vào lồng tiếng thì tôi phải đi công tác nên ê-kíp bố trí một người khác vào lồng vai của anh Trung Anh, còn anh Trung Anh vào lồng vai của tôi. Lúc tôi đi công tác về thì đã lồng được mấy chục tập rồi nhưng ê-kíp vẫn mời tôi đến lồng lại. Vậy là tôi lồng vai được giao ban đầu còn anh Trung Anh trở lại lồng vai của anh ấy.

Đến một ngày đẹp trời, cô biên tập mang lên phòng lồng tiếng hai chồng thư giấy. Một tập thư phản đối giọng lồng của tôi vì họ quen nghe giọng anh Trung Anh trước đó rồi. Một tập thư thì bày tỏ sự khen ngợi đối với giọng lồng của tôi. Hồi đó, khán giả nghe giọng lồng chỉ biết giọng nọ, giọng kia thôi chứ họ không biết ai là người lồng đâu. Đó cũng là một kỷ niệm khá vui.

Một kỷ niệm khác đó là khi lồng tiếng phim của đạo diễn Đức Hoàn, đạo diễn thì muốn tôi lồng tiếng nhân vật của nghệ sĩ Thương Tín, còn âm thanh lại muốn tôi lồng tiếng nhân vật của nghệ sĩ Trần Vân. Hai bên cứ dằng co nhau mãi, cuối cùng tôi vẫn được giao lồng cho nhân vật của Thương Tín.

Nhưng có một nỗi là ai lên lồng cho vai của nghệ sĩ Trần Vân cũng khổ vì bên âm thanh họ không vừa lòng nên nắn rất nhiều, mà càng nắn họ lại càng căng thẳng. Khi phim chiếu xong, nghệ sĩ Trần Vân giận tôi nên kéo ra bảo: “Tại sao chú không lồng cho anh?”. Vì anh ấy không thích giọng người kia lồng cho nhân vật của anh ấy.

“Thời lồng tiếng phim, có ngày tôi mang hơn nửa chỉ vàng về cất tủ” - Ảnh minh hoạ 3

Nghệ sĩ Hoàng Dũng và Minh Hằng.

Hoặc phim “Thời hiện tại” của đạo diễn Trần Đắc, tôi vừa đóng, vừa lồng tiếng luôn. Lần đó, tôi được lồng cho nhân vật của mình đóng nên rất cẩn thận, nhưng người lồng cho nhân vật chính lại chỗ khớp chỗ không. Đến khi dựng phim, kỹ thuật phải co kéo để nhân vật chính khớp khẩu hình thì nhân vật của tôi lại bị lệch. Lúc phim chiếu, tôi xem phim mà tức không chịu được vì nhân vật của mình “tiếng toàn bị văng ra khỏi mồm”. Sau đó, đạo diễn có nói lời thông cảm nhưng mãi tôi vẫn không hết tức.

Có thể hình dung một phòng thu có mỗi một chiếc mic mà mấy chục người cùng thu thì sẽ như thế nào?

Thời lồng tiếng phim “Số đổ” là ở Trung tâm nghe nhìn của Đài Truyền hình Việt Nam, dãy nhà đó bây giờ đã bị đập bỏ xây mới rồi. Hồi đó, tôi và NSƯT Quốc Trọng đảm nhận phần lồng tiếng chính của phim đó. Vì phòng thu có mỗi một mic nên phải hẹn các giọng lồng tiếng cách giờ nhau.

Tuy nhiên, do mất điện nên đến 6 giờ tối, cả phòng thu chứa hơn 30 người chờ đợi đến lượt lồng tiếng. Nhớ lại buồn cười lắm, thời đó có mỗi một cái mic nên cận thì dí sát mồm vào, trung toàn thì lùi ra xa… Đoạn nào cần nhiều tiếng quần chúng thì người này nói xong ngồi xuống để người kia nhô lên.

Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

 Từ khóa: trị giá, giả sử, giá trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập1,122
  • Máy chủ tìm kiếm137
  • Khách viếng thăm985
  • Hôm nay155,839
  • Tháng hiện tại740,699
  • Tổng lượt truy cập156,857,200
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây