Báo Mỹ nói Washington có thể xem xét cấp UAV vũ trang cho Kiev

Thứ ba - 15/11/2022 20:58

Lầu Năm Góc có thể đang nghiên cứu phương án cắt bỏ công nghệ nhạy cảm để chuyển giao UAV vũ trang MQ-1C cho Ukraine, theo CNN.

CNN ngày 14/11 dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết nước này đang xem xét các sửa đổi cần thiết với máy bay không người lái (UAV) MQ-1C Grey Eagle để viện trợ cho Ukraine. Các sửa đổi này nhằm mục đích loại bỏ bất cứ công nghệ nhạy cảm nào trên máy bay, nhằm tăng khả năng Ukraine có thể nhận UAV MQ-1C.

"Các biện pháp can thiệp, vô hiệu hóa về mặt kỹ thuật có thể giúp chúng tôi chuyển giao mẫu UAV này trong tương lai gần", một quan chức cho biết. "Tuy nhiên, hoạt động này cần thời gian và tương đối phức tạp".

Một quan chức khác xác nhận lục quân Mỹ đang dẫn đầu nỗ lực chỉnh sửa UAV MQ-1C. Mẫu MQ-1C nguyên bản có khả năng mang 4 tên lửa AGM-114, bay ở độ cao hơn 7.600 m trong 30 giờ, nhưng sẽ không nằm trong danh sách viện trợ quân sự sắp tới dành cho Ukraine do chứa nhiều công nghệ nhạy cảm của Mỹ.

 
Máy bay không người lái MQ-1C của Mỹ bay trên khu vực bang Virginia tháng 1/2018. Ảnh: US Army.

Máy bay không người lái MQ-1C của Mỹ bay trên khu vực bang Virginia tháng 1/2018. Ảnh: US Army.

"Chúng tôi vẫn thực sự quan tâm đến cung cấp hệ thống đặc biệt này, miễn là có thể thực hiện những sửa đổi cần thiết và chúng vẫn hữu ích cho Ukraine trên chiến trường", quan chức Mỹ cho biết.

Theo một quan chức Mỹ, các cuộc thảo luận liên quan đến MQ-1C đang diễn ra. Tờ Wall Street Journal từng đưa tin Ukraine đã đề nghị Mỹ chuyển giao mẫu UAV này, nhưng bị Lầu Năm Góc từ chối.

Đại tá Roger Cabiness, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, không bình luận cụ thể về MQ-1C và cho biết cơ quan này tiếp tục tham vấn với Ukraine về hỗ trợ an ninh. Nhà Trắng và General Atomics, hãng sản xuất UAV MQ-1C, không bình luận về thông tin.

Ngoài khả năng gây sát thương với tên lửa AMG-114, UAV MQ-1C có thể thu thập thông tin và thực hiện trinh sát từ khoảng cách xa hơn, mở rộng khả năng hỗ trợ mục tiêu cho pháo binh trên mặt đất. MQ-1C được cho là còn có thể đối phó với UAV của Nga trên chiến trường Ukraine.

Một quan chức Mỹ cho biết nước này không lo làm leo thang căng thẳng tại Ukraine khi viện trợ MQ-1C, nhưng e ngại khả năng mẫu UAV hiện đại này bị phía Nga bắn rơi và thu hồi.
 

Quan chức Mỹ từ chối giải thích công nghệ nào trên MQ-1C là nhạy cảm nhất, song khẳng định cung cấp UAV này cho Ukraine sẽ không bị coi là leo thang tình hình, do Kiev cũng đã nhận được các khí tài có năng lực tương tự.

Ngoài UAV MQ-1C, Mỹ cũng từ chối cung cấp cho Ukraine Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) MGM-140, có tầm bắn tới 300 km và sử dụng trên Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS), do lo ngại leo thang xung đột.

Mỹ từng viện trợ cho Ukraine một số UAV cỡ nhỏ, trong đó có 1.000 chiếc Phoenix Ghost thuộc gói hỗ trợ trị giá 400 triệu USD được công bố hồi đầu tháng 11. Tuy nhiên, khác với MQ-1C, UAV Phoenix Ghost có kích thước nhỏ hơn và chỉ sử dụng được một lần.

MQ-1C là biến thể nâng cấp của UAV MQ-1, được lục quân Mỹ biên chế từ năm 2009. Mỹ dự kiến chế tạo 152 chiếc MQ-1C cùng 31 hệ thống dưới mặt đất. MQ-1C có thể mang theo 4 tên lửa không đối đất AGM-114 hoặc 8 tên lửa không đối không AIM-92 Stinger, bay với tốc độ tối đa 309 km/h với tầm hoạt động hơn 1.000 km.

Tác giả: Nguyễn Tiến

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập675
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm98
  • Khách viếng thăm576
  • Hôm nay158,953
  • Tháng hiện tại3,484,801
  • Tổng lượt truy cập155,520,405
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây