Trấn áp tội phạm tín dụng đen ở các vùng quê

Thứ bảy - 13/04/2019 15:44
Những ngày cuối tháng 3-2019, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ đã điều tra, làm rõ vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và đánh bạc, khởi tố 9 đối tượng về các tội danh trên.


Nạn nhân của đường dây cho vay lãi nặng này phần lớn là công chức đang công tác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Khi sa chân vào cái bẫy của các đối tượng tín dụng đen, họ rơi vào nợ nần chồng chất, tình cảnh vô cùng đáng thương... 

Được biết, đây là một trong những vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ điều tra, khám phá thành công trong thời gian qua. Trước tình hình tội phạm, vi phạm liên quan đến tín dụng đen trên địa bàn có xu hướng diễn biến phức tạp, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đã tích cực triển khai các giải pháp đấu tranh với loại tội phạm này và bước đầu mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

Tìm hiểu về gia cảnh của các 'con nợ" trong vụ án, chúng tôi không khỏi xót xa về cảnh ngộ đáng thương của họ. Khi sa chân vào cái bẫy của tín dụng đen, một số trường hợp đã phải bỏ nhà đi biệt xứ. Nhiều trường hợp, đồng lương công chức bọt bèo, không đủ để trả tiền lãi mỗi tháng... 

Vì thế, có những nạn nhân, số tiền lãi phải trả đã cao hơn nhiều so với số tiền gốc. Nhưng họ chẳng biết  xoay xở làm sao để trả khoản gốc khi ngày lại ngày, khoản tiền lãi vẫn treo lơ lửng ở trên đầu. 

Một trong số đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị H, giáo viên của một trường học trên địa bàn. Khoảng tháng 4-2018 đến ngày 16-3-2019, do cần tiền mua xe máy làm phương tiện đi lại, chị H có vay của Nguyễn Văn Hiếu (SN 1983, trú tại phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ) 20 triệu đồng, lãi suất thỏa thuận là 3 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày. Cho đến thời điểm vụ án được Phòng Cảnh sát hình sự điều tra, khám phá thành công, nạn nhân H đã trả cho các đối tượng gần 22 triệu đồng tiền lãi nhưng chưa trả được một đồng tiền gốc nào.

Trấn áp tội phạm tín dụng đen ở các vùng quê
Công an tỉnh Phú Thọ hỏi cung đối tượng Nguyễn Văn Hiếu.

Để vay được tiền của các đối tượng ngoài xã hội, nhiều trường hợp phải thế chấp cả quyết định tuyển dụng để vay tiền, tình cảnh hiện nay vô cùng khó khăn. Trường hợp của Vũ Thị Thanh S, giáo viên của một trường học trên địa bàn thi xã Phú Thọ cũng là một ví dụ. 

Qua một người đồng nghiệp tên là Long, chị S cũng đến nhà của Hiếu vay 40 triệu đồng, tài sản thế chấp là quyết định tuyển dụng biên chế cùng sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân. Trong giấy vay tiền không ghi lãi suất nhưng đối tượng thỏa thuận là 4 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày. Số tiền sau khi cầm về, chị S lấy 10 triệu đồng, còn Long lấy 30 triệu đồng. 

Hàng tháng, chị góp 1,2 triệu đồng cho Long để trả tiền lãi. Đến tháng 8-2018, Long bỏ trốn thì từ đó toàn bộ số tiền lãi chị phải chi trả. Với đồng lương công chức còm cõi, tiền lãi chị cũng không có khả năng trả đủ. Vì thế, số tiền lãi hàng tháng lại bị cộng dồn vào tiền gốc. Đến thời điểm này, số tiền nợ đã lên tới 47 triệu đồng dù số tiền lãi đã trả là gần 60 triệu đồng...

Từ công tác quản lý địa bàn, Phòng Cảnh sát hình sự  Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện những biểu hiện bất thường của Hiếu và Cao Mạnh Thắng (SN 1988, trú tại phường Vân Cơ, thị xã Phú Thọ). Quá trình lập án đấu tranh, đến 17h ngày 16-3, Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt quả tang Cao Mạnh Thắng  khi đang sử dụng điện thoại di động để nhận số lô, số đề của Phạm Mạnh Cương (SN 1980, trú phố Phú Hà, phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ) và nhiều người khác trên địa bàn thị xã Phú Thọ, tổng số tiền khoảng 40 triệu đồng. 

Quá trình đấu tranh, Thắng khai nhận, trong thời gian từ tháng 1-2019, Nguyễn Văn Hiếu (SN 1983, ở tại phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ) cho Thắng và 4 đối tượng khác nhau, mỗi người góp 50 triệu đồng, với tổng số là 250 triệu đồng, tổ chức cho vay với lãi suất 4 nghìn đồng/1 triệu đồng/1 ngày, lợi nhuận từ việc cho vay nặng lãi chia đều mỗi người 20%. Cơ quan điều tra đã làm rõ được 13 bị hại với tổng số tiền Hiếu cho vay là 371 triệu đồng số tiền thu lời là 43 triệu đồng...

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Đình Thi, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Những năm gần đây, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong đó, đáng chú ý là việc các đối tượng lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để hoạt động biến tướng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen... 

Các đối tượng hoạt động phạm tội có liên quan đến "tín dụng đen" thường tổ chức phát tán, dán tờ rơi tại các địa điểm công cộng, cột điện, tường rào, nơi có nhiều người qua lại hoặc phát tán các tin nhắn nhằm lừa người dân vay tiền với lãi suất cao. Do thủ tục cho vay đơn giản, không cần tài sản thế chấp nên dù lãi suất cao gấp nhiều lần so với ngân hàng, vẫn có nhiều người dân tìm đến dịch vụ này khi cần tiền. Các hoạt động chỉ trong thời gian ngắn đã lan rộng từ địa bàn thành thị đến nông thôn. 

Trong quá trình vay tiền của các tổ chức trên, một số người dân không có khả năng trả nợ theo như thỏa thuận đã dẫn đến tình trạng đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản..., gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đồng thời là điều kiện phát sinh, gia tăng hàng loạt tội phạm và tệ nạn xã hội như cố ý giết người, gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật...

Trấn áp tội phạm tín dụng đen ở các vùng quê - Ảnh minh hoạ 2
Tang vật thu giữ của Nguyễn Văn Hiếu và đồng bọn.

Theo thống kê của Công an tỉnh Phú Thọ, trên địa bàn toàn tỉnh có 532 cơ sở hoạt động kinh doanh cầm đồ, cho vay tài chính. Trong đó, có 91 cơ sở kinh doanh cầm đồ, cho vay tài chính không đăng ký hoạt động... 

Các vụ liên quan "tín dụng đen" chủ yếu là cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng. Có thời điểm, hoạt động của "tín dụng đen" diễn biến phức tạp, đối tượng mở các cơ sở cầm đồ, điểm cho vay không cần thế chấp, cho vay lãi suất thấp, hỗ trợ tài chính, với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, người cho vay chỉ cần hộ khẩu, chứng minh nhân dân, bằng lái xe là các đối tượng đồng ý cho vay tiền. Tuy nhiên, các đối tượng thường nhằm tới các tổ chức, cá nhân đang gặp khó khăn về tài chính và người vay được yêu cầu viết tay giấy bán tài sản thế chấp. 

Khi người vay không trả đúng kỳ hạn thì chúng tiếp tục chốt tiền lãi thành tiền gốc. Trường hợp các con nợ chây ỳ, kéo dài không trả thì các đối tượng tổ chức thành từng nhóm đến gia đình người vay nợ đe dọa, đòi nợ bằng nhiều hình thức như đặt vòng hoa trước cửa nhà, ném chất thải..., để uy hiếp tinh thần, gây áp lực với người vay, buộc họ phải tìm mọi cách để trả nợ.

Cũng theo Thượng tá Phạm Đình Thi thì có cầu ắt có cung. Nguyên nhân khiến cho hoạt động tín dụng đen phát triển là do một bộ phận người dân chưa nắm được phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cho vay. 

Nhiều thanh niên thua cờ bạc nên đã đi vay nợ với lãi suất cao để tiếp tục đánh bạc với hy vọng gỡ gạc lại nên lâm vào tình trạng không thể chi trả. Trong khi đó, các quy định của pháp luật chưa đủ nghiêm, đủ mạnh để xử lý, ngăn chặn và giải quyết các vấn đề liên quan phát sinh từ cho vay lãi suất cao. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tín dụng, ngân hàng còn có những bất cập, đặc biệt là quản lý Nhà nước đối với công tín dụng.

Trước diễn biến phức tạp của hoạt động "tín dụng đen", lực lượng Cảnh sát hình sự đã đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội; chỉ đạo Công an các huyện, thành, thị tiến hành rà soát, lập danh sách, lý lịch các đối tượng; quản lý các đối tượng cầm đồ, hỗ trợ tài chính trên địa bàn tỉnh. 

Đồng thời đã tiến hành gọi, hỏi, răn đe, giáo dục, yêu cầu viết cam kết, phân công cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường quản lý đối tượng và cơ sở có biểu hiện đòi nợ, siết nợ, không để các đối tượng hoạt động phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã triệt xóa 4 vụ/10 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. 

Vào hồi 18h15 ngày 19-12-2018, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Đức Việt (SN 1989) đang có hành vi mua bán số lô đề với Lã Đức Công (SN 1993, ở tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) và một số đối tượng khác. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản phạm tội quả tang, tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Nguyễn Đức Việt ở xã Thạch Đông, huyện Thanh Thủy và Lã Đức Công (SN 1993, ở thị trấn Thanh Thủy. 

Quá trình khám xét đã thu giữ tại nhà của Việt và Công nhiều bản chính, bản sao giấy tờ thể hiện việc vay nợ, cầm cố tài sản  với số tiền lớn. Theo đó, tổng số tiền Công cho 39 người vay từ năm 2015 đến nay là hơn 2 tỷ đồng. Nguyễn Đức Việt cho 32 người vay với tổng số tiền là 2,3 tỷ đồng.

Trấn áp tội phạm tín dụng đen ở các vùng quê - Ảnh minh hoạ 3
Các đối tượng trong nhóm cho vay lãi nặng và đánh bạc bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ.

Một trong những khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là do công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị nghiệp vụ trong Công an tỉnh và các cơ sở quản lý cầm đồ, hỗ trợ tài chính... còn chưa chặt chẽ. Núp danh nghĩa hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, các cơ sở hỗ trợ tài chính, cho vay, cầm đồ, không thuộc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Do đó, việc kiểm tra, giám sát, xử lý những vi phạm của lực lượng Công an gặp nhiều khó khăn. 

Thượng tá Phạm Đình Thi nhấn mạnh: Các cơ sở cầm đồ thường cất giữ tài sản cầm cố ở một địa điểm khác để đối phó với lực lượng Công an khi bị kiểm tra. Các đối tượng còn chống đối bằng cách không ghi sổ sách hoặc ghi thành hai sổ. Một cuốn sổ chúng dùng để "phục vụ" các lực lượng kiểm tra, sổ còn lại để tiến hành theo dõi. Một số đối tượng không treo biển hiệu, mà hoạt động trên mạng xã hội như dán tờ rơi quảng cáo, liên hệ bằng điện thoại.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, trấn áp tội phạm, trong thời gian tới Phòng Cảnh sát hình sự sẽ tham mưu với Ban Giám đốc Công an tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về chính sách tài chính, quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; các quy định của pháp luật về hình sự, xử phạt vi phạm hành chính và các nội dung pháp luật khác về bảo đảm an ninh trật tự.  

Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng; kịp thời phát hiện, tập trung đấu tranh, triệt phá các đối tượng, ổ nhóm có hoạt động tín dụng đen. 

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý cư trú, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT. Phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh cần đầy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là những vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bảo đảm xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội.

Xuân Mai

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập494
  • Máy chủ tìm kiếm114
  • Khách viếng thăm380
  • Hôm nay203,491
  • Tháng hiện tại3,540,312
  • Tổng lượt truy cập155,575,916
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây