“Kình ngư” dũng cảm, xả thân cứu người gặp nạn

Thứ năm - 05/04/2018 02:38
Với những thành tích đặc biệt, trong năm 2015, Thượng úy Võ Thành Công Phòng PCCC TP. HCM được vinh danh Công dân trẻ tiêu biểu gương điển hình tiêu biểu thanh niên làm theo lời Bác năm 2016.


Thân hình cao lớn, vạm vỡ, chắc nịch, khuôn mặt đầy nét cương nghị cùng tinh thần chiến đấu cao, luôn sẵn sàng xuất kích khi có hiệu lệnh để lao vào biển lửa, lặn xuống những dòng nước sâu cứu người gặp nạn hoặc mò tìm tang vật phục vụ cho công tác phá án theo yêu cầu của cơ quan điều tra. 

Đó là ấn tượng ban đầu khi tôi gặp Thượng úy Võ Thành Công, hiện đang công tác tại Phòng Cứu nạn - cứu hộ - Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP. Hồ Chí Minh. Thượng úy Võ Thành Công là Bí thư Đoàn cơ sở, từng được tuyên dương Công dân trẻ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh năm 2015. 

Ngoài ra, trong các năm 2016 và 2017, Thượng úy Võ Thành Công được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Đoàn và Cảnh sát PCCC TP. Hồ Chí Minh. 

Tôi gặp Thượng úy Võ Thành Công vào một ngày cuối tháng 3-2018, được trực tiếp nghe anh kể về những thành tích đặc biệt trong công tác cứu nạn - cứu hộ. Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tích nổi bật, nhưng Thượng úy Võ Thành Công khiêm tốn bảo: “Thành tích là của chung, của tất cả cán bộ chiến sỹ trong đơn vị và em cũng chỉ là một thành viên tham gia mà thôi…”.

Thượng úy Võ Thành Công là con trai lớn trong một gia đình nông dân ở quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Võ Thành Công nộp đơn xin tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự công tác tại Công an TP. Hồ Chí Minh. 

Thời gian huấn luyện tại trường Bồi dưỡng nghiệp vụ, Công được học về một số biện pháp nghiệp vụ phục vụ công tác, nhận thấy đây là công việc rất nhân văn, Công đã đề đạt nguyện vọng với nhà trường cho theo học chuyên ngành chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ và sau khi hoàn thành khoá huấn luyện chiến sĩ mới, được phân công về công tác tại Đội cứu nạn - cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ (nay là Phòng Cứu nạn cứu hộ thuộc Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh).

Những ngày đầu mới được điều chuyển về đơn vị, Công chỉ mới bập bẹ biết bơi, chứ chưa hề biết lặn, nhưng do lòng đam mê nên hàng ngày ngoài giờ huấn luyện, thường dành thêm vài tiếng đồng hồ tìm đến những khúc sông sâu, những con rạch tập luyện thêm. 

Nhiều lần phải nhận vài vết thương do vật nhọn, kim tiêm của đám hút chích ném xuống lẩn khuất trong dòng nước đâm cắt vào da thịt, nhưng chiến sỹ trẻ này có nhiều quyết tâm tập luyện. 

Ban chỉ huy đơn vị đã cử hẳn một cán bộ bơi lội có nhiều kinh nghiệm thường xuyên gần gũi để chỉ bảo thêm cho Công về kỹ năng bơi lặn, phòng chống đuối nước và nhất là biện pháp xử lý trong lúc lặn xuống độ sâu vài ba chục mét mà thiếu dưỡng khí hoặc bị trôi mất dây định vị… 

Với nỗ lực không biết mệt mỏi, chỉ sau 3 tháng, Công đã trưởng thành vượt bậc và được chỉ huy đơn vị xếp vào đội hình chủ lực cho tham gia nhiều vụ cứu nạn - cứu hộ cả ở dưới nước lẫn trên bờ.

“Kình ngư” dũng cảm, xả thân cứu người gặp nạn
Thượng úy Võ Thành Công.

Thượng úy Võ Thành Công bồi hồi nhớ lại lần đầu tiên được tham gia trực tiếp cứu người: Hôm ấy vào lúc 19 giờ 45 phút ngày 23-5-2008, nhận tin từ tổng đài thông báo có vụ tai nạn sập hầm tại Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn SAWACO số 1A, đường Công Trường Quốc Tế, phường 6, quận 3, có nhiều người rơi xuống hố sâu. 

5 phút sau, các thành viên trong Đội cứu nạn - cứu hộ có mặt tại hiện trường thì nghe tiếng kêu cứu từ dưới hầm sâu vọng lên. Sau chưa đầy một phút khảo sát nhanh để nắm tình hình, chỉ huy Đội ra hiệu lệnh cho tổ thợ lặn lập tức xuống dưới hầm nhanh chóng tìm cách cứu người, các tổ còn lại chịu trách nhiệm chống đỡ, gia cố lại sàn gỗ để tránh tiếp tục bị sập và chuẩn bị dây để kéo người bị nạn lên. 

Vừa tiếp cận hố sâu, phát hiện có khoảng hơn chục người đang trong cơn hoảng loạn, họ bám víu, đè cả lên nhau để mong tìm được lối thoát. Trước tình huống này, Công liên tục hô to: “Tất cả hãy bình tĩnh, không được giẫm đạp lên nhau để tránh gây thương tích. Đừng lo sợ, ai cũng được đưa lên mặt đất trong vài phút nữa…”. 

Vừa hô, Công cùng anh em trong tổ nhanh chóng móc những sợi dây đai ngang người nạn nhân để tổ trên bờ kéo lên sơ cứu khẩn cấp trước khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Đang mạch kể chuyện, bỗng nhiên Công dừng lại một lát rồi tiếp tục với giọng trầm buồn: “Với hy vọng những người bị nạn sẽ không có trường hợp xấu nhất xảy ra, đến 21 giờ, công tác cứu nạn và sơ cứu ban đầu đã được hoàn tất, nhưng trong số 15 người bị rơi xuống hố sâu đã được đưa lên mặt đất có 14 người sống được đưa đến các bệnh viện cấp cứu, đáng tiếc anh Võ Duy Linh đã tử vong do ngạt nước”.

Vụ cứu người này vừa xong, Công cùng đồng đội tiếp tục nhận lệnh lên đường đến với dòng kênh ô nhiễm tại khu vực cầu Chợ Cầu, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 để mò tìm khẩu súng tang vật trong một vụ án mà đối tượng cầm đầu khai đã ném xuống. 

Dòng kênh nước đen này vốn thuộc loại ô nhiễm nhất nhì thành phố lại thêm hàng trăm cơ sở tẩy nhuộm, hàng ngàn hộ chăn nuôi thường lén lút xả nước thải chứa nhiều loại hóa chất độc hại và phân heo xuống cùng một số phương tiện rút hầm cầu cũng tranh thủ xả phân tươi với rác thải, kim tiêm của đám con nghiện khiến cho dòng nước trở nên đặc quánh cực kỳ nguy hiểm.

“Kình ngư” dũng cảm, xả thân cứu người gặp nạn - Ảnh minh hoạ 2
Cứu sống một nạn nhân bị nước cuốn.

Nhìn những bè rác trôi khiến một vài thợ lặn mới vào nghề nôn khan ngay tại chỗ, xác định mình đang khoác trên người bộ quân phục Công an nhân dân thì phải yêu nghề và sẵn sàng sống chết với nghề, dù có khó khăn vất vả đến mấy cũng không được phụ lòng tin của quần chúng nhân dân, Công bước tới động viên anh em rồi tất cả cùng nhau nhảy xuống dòng nước ô nhiễm thực hiện nhiệm vụ. 

Xuống nước được khoảng 15 phút thì một vài anh em thấy da nóng ran, những anh em khác thấy nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy toàn thân. Xác định dòng nước đang có nhiều hóa chất, Công yêu cầu anh em rút lên bờ lấy nước sạnh dội lên người rồi nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ cấp cứu kịp thời tránh cho hóa chất nhiễm sâu vào cơ thể. 

Mặc dù được cứu chữa kịp thời nhưng vẫn có hai thành viên trong tổ bị bỏng hóa chất phải đưa lên điều trị ở tuyến trên. Hai ngày sau khi được xuất viện, tổ thợ lặn lại tiếp tục lội xuống dòng nước ô nhiễm ấy và phải mất hơn 10 giờ lặn ngụp mới mò được khẩu súng tang vật giao cho cơ quan điều tra.

Thượng úy Võ Thành Công kể, vào năm 2011, anh tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ trong vụ chìm du thuyền Dìn Ký ở khu du lịch xanh Dìn Ký trên sông Sài Gòn, thuộc ấp Bình Thuận, xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, kết quả tìm được mười lăm thi thể nạn nhân. 

Vụ lặn tìm kiếm được 8 phần thi thể của một nạn nhân nữ bị giết hại ở huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh và vụ lặn tìm kiếm trục vớt được nhiều tài sản của người dân ở khu vực sạt lở Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh trong 3 ngày liên tiếp. 

Cùng đồng đội cứu sống được 1 người và tìm 10 thi thể nạn nhân bị chôn vùi trong đống đổ nát trong vụ nổ sập nhà tại số 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, TP. Hồ Chí Minh (được gọi là vụ nổ nhà Phương khói lửa), tham gia cứu hộ thành công tàu Hoàng Phúc 18 bị chìm trên sông Soài Rạp tháng 11/2015, giải cứu thuyền viên bị kẹt trong tàu. 

Ngoài ra Công còn cùng đồng đội hàng trăm lần hỗ trợ cơ quan điều tra lặn tìm tang vật các vụ án, cùng hàng trăm lần khác lội sông cứu người bị nạn.   

“Kình ngư” dũng cảm, xả thân cứu người gặp nạn - Ảnh minh hoạ 3
Lặn xuống dòng nước xoáy mò tìm tang vật của một vụ án.

Song song với nhiệm vụ chuyên môn, hàng năm, Công còn tham gia tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nghiệp vụ chữa cháy cho nhiều thanh niên là nồng cốt trong lực lượng PCCC cơ sở khi có yêu cầu. 

Như trực tiếp tham gia tuyên truyền kiến thức sử dụng bình chữa cháy xách tay và huấn luyện kỹ thuật thoát nạn nhà cao tầng khi có cháy xảy ra cho các bạn sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh, huấn luyện và biểu diễn quy trình thực hiện cứu nạn cứu hộ khi có sự cố chìm ghe, xuồng cho hàng ngàn lượt người tại các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, quận 2, TP. Hồ Chí Minh. 

Tuyên truyền an toàn PCCC và công tác cứu nạn cứu hộ, thoát nạn nhà cao tầng khi có cháy xảy ra cho hàng ngàn lượt học sinh của các trường THCS Lương Định Của, Nguyễn Thị Định, quận 2 và Nguyễn Thái Sơn, quận 3. Tuyên truyền để phòng tránh và hướng dẫn công tác chống đuối nước cho hầu hết các cơ sở Đoàn thuộc các quận, huyện trong thành phố.

Với những thành tích đặc biệt, trong năm 2015, Thượng úy Võ Thành Công được vinh danh Công dân trẻ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Đoàn về gương điển hình tiêu biểu thanh niên TP. Hồ Chí Minh làm theo lời Bác năm 2016. 

Năm 2017, Công được tuyên dương là Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác Cụm miền Đông và được chọn là Đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. 

Đức Cương

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập759
  • Máy chủ tìm kiếm72
  • Khách viếng thăm687
  • Hôm nay126,832
  • Tháng hiện tại3,452,680
  • Tổng lượt truy cập155,488,284
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây