HOICHOTHUONGMAI

Bàn về tội đe dọa giết người theo quy định của pháp luật hiện hành

Thứ hai - 27/05/2019 23:14
Vì một mâu thuẫn nhỏ cũng có thể dọa giết nhau, một người nợ tiền vay chưa kịp trả cũng có thể trở thành đối tượng bị “truy sát” nhiều ngày … Đây đang là thực trạng đáng báo động tại một số địa phương hiện đang được các phương tiện truyền thông phản ánh. Thậm chí, các nhóm “đòi nợ thuê” còn dùng nhiều thủ đoạn kinh hoàng để đe dọa người khác, mà cao nhất chính là đe dọa giết người. Tuy nhiên, để kết luận hành vi đe dọa giết người bị xử theo Luật hình sự là điều không đơn giản, gây tranh cãi trong lĩnh vực hành pháp.


Theo Điều 133, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017: “Tội đe doạ giết người là hành vi đe doạ giết người mà hành vi đó có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện.

Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Đối với 2 người trở lên;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”

Về dấu hiệu pháp lý của tội đe doạ giết người

Tội đe doạ giết người có dấu hiệu khách thể của tội phạm là xâm phạm đến quyền sống của con người.

Mặt khách quan tội đe dọa giết người, chủ thể phải có hành vi “đe doạ” nạn nhân, sự đe dọa trên có thể được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn như bằng lời nói trực tiếp, viết thư đe dọa, điện thoại hoặc phương tiện khác, hành động đe dọa này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp và nhằm vào một người cụ thể. Việc đe dọa được hiểu phải gây ra tâm lý bất an, lo sợ cho người bị đe dọa, chứ không phải là dọa vu vơ hoặc hăm dọa không hướng tới đối tượng cụ thể. Như vậy,“hành vi đe doạ giết người chỉ cấu thành tội đe doạ giết người khi hành vi đó đã làm cho người bị đe doạ thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện”.

Xin nêu ví dụ: Khoảng 20h ngày 22-4-2009, thấy Lê Văn Ích cùng con trai là Lê Văn Quốc Tuấn uống cà phê tại quán của chị Nguyễn Thị Ánh, bà Huỳnh Thị Liên (mẹ của Tuấn) đến gọi Tuấn về và nói Ích không được rủ Tuấn đi chơi nữa để Tuấn còn học. Điều này làm Ích bực tức vì cảm thấy bị coi thường trước mặt mọi người. Sau đó, Ích đi uống rượu với bạn. 

Đến khoảng 19h tối, vẫn còn tức vì bị bà Liên cấm chơi với Tuấn, Ích mang cưa cầm tay (lưỡi dài 41 cm, dùng để cưa gỗ), đến cửa nhà bà Liên, cầm cưa và hướng vào nhà nói: “Hôm nay tao sẽ cưa người mày làm 3 khúc vì mày dám làm nhục ông ở quán”. Bà Liên sợ hãi không dám ra khỏi nhà và khóa trái cửa. Chửi bới khoảng hơn một tiếng, Ích về nhà. 

Khoảng gần 8h sáng hôm sau, Ích lại cầm dao phay đến nhà bà Liên, ném gạch vào nhà và thách thức: “Mày bước ra đây, ông chém chết mày ngay”. Chỉ đến khi có người đến can ngăn, Ích mới bỏ đi. Buổi chiều, khoảng 17h, Ích lại quay lại, cầm dao đứng trước cửa nhà chửi bới, hăm dọa giết bà Liên. Sau đó, bà Liên phải đến nhà họ hàng ở nhờ để tránh mặt.

Trong vụ án này, có thể thấy rõ là bị cáo Ích đã đe dọa bà Liên làm bà lo sợ có căn cứ vì hành vi của de dọa của Ích rất hung hãn làm bà Liên không dám ra khỏi nhà và sau đó phải đến nhà họ hàng xin ở nhờ. Như vậy, Ích đã phạm tội đe dọa giết người theo Điều 103 BLHS năm 1999, nay là Điều 133 BLHS năm 2015.

Để đánh giá người bị đe dọa có ở trong tình trạng tâm lí như vậy hay không, cần phải dựa vào những tình tiết sau:

+ Nội dung và hình thức đe dọa;

+ Thời gian, địa điểm cũng như hoàn cảnh cụ thể khi hành vi đe dọa xảy ra;

+ Sự tương quan về lực lượng giữa người đe dọa và người bị đe dọa;

+ Thái độ và xử sự của người bị đe dọa sau khi họ bị đe dọa…

Trong quá trình vận dụng để áp dụng điều luật này, cần lưu ý là:

Phải xác định hành vi đe dọa giết người là có thật (như: nói trực tiếp công khai là sẽ giết, giơ phương tiện như súng, dao đe dọa), và phải xem xét “căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ…”, một cách khách quan, toàn diện như: thời gian, hoàn cảnh, địa điểm diễn biến, nguyên nhân sâu xa (nếu có) và trực tiếp của sự việc, mối tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa (về thể lực, tuổi đời, trình độ v.v…). Nếu thông thường ai cũng phải lo lắng là sự đe dọa sẽ được thực hiện, thì đó là trường hợp lo lắng có căn cứ. Nếu cùng với hành vi đe dọa, còn có hành vi chuẩn bị giết người bị đe dọa (như mài dao, lau súng đạn…) thì xử lý các hành vi đó về tội giết người (ở giai đoạn chuẩn bị)”.

+ Nếu sau khi đe dọa đã giết người bị đe dọa, thì xử lý về tội giết người (Điều 123). Nếu đe dọa giết người để chống người thi hành công vụ, thì xử lý về tội chống người thi hành công vụ (Điều 330), nếu đe dọa giết người nhằm chiếm đoạt tài sản thì xác định là phạm tội cướp tài sản (Điều 168), nếu đe dọa giết người để giao cấu trái ý muốn nạn nhân thì xác định là phạm tội hiếp dâm (Điều 141).

Xin nêu ví dụ: Chị Vũ Thị Hoàng Anh (26 tuổi), Q.5, TP.HCM. Trước đó, khoảng tháng 8-2010, chị Vũ Thị Hoàng Anh cho gia đình biết việc có một người đàn ông tên Nguyễn Đăng Thành (30 tuổi), quê ở Bình Định, tạm trú tại quận Gò Vấp theo đuổi và đặt mối quan hệ tình cảm. Tuy nhiên, Hoàng Anh không có tình cảm với Nguyễn Đăng Thành nên đã nhiều lần từ chối. 

Không bỏ cuộc, Nguyễn Đăng Thành tiếp tục theo đuổi bằng cách thường xuyên gọi điện thoại đến nhà, cơ quan nơi Hoàng Anh làm việc để quấy rầy. Nguyễn Đăng Thành cũng đã không ít lần gây sự với bạn bè, đồng nghiệp của Hoàng Anh. Chỉ cần thấy Hoàng Anh đi cùng hay ngồi chơi với người con trai nào, lập tức Nguyễn Đăng Thành xuất hiện và gây sự. 

Sau đó, Nguyễn Đăng Thành gửi đến cho Hoàng Anh tin nhắn: “Hoặc Hoàng Anh phải chấp nhận lấy Thành làm chồng, hoặc Thành sẽ giết Hoàng Anh và giết cả những thanh niên nào muốn đến tìm hiểu Hoàng Anh”.  Chưa chịu dừng lại ở đó, tên Thành đã dọa chị Hoàng Anh rằng nếu báo công an thì sẽ “giết cả nhà”. 

Quá lo lắng cho gia đình, chị Hoàng Anh không dám báo công an. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, tên Thành đã cầm dao bầu đâm nạn nhân 5 nhát làm nạn nhân tử vong.

 Trong vụ án này, tên Thành mới đầu đã có hành vi đe dọa giết nạn nhân, nhưng sau đó, tên này đã có hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật, gây nên cái chết thương tâm cho nạn nhân. Do đó, hành vi của tên Thành phải xác định là phạm tội giết người.

Chủ thể của tội đe doạ giết người: là bất kỳ người nào có năng lực TNHS và đạt độ tuổi theo luật định.

Mặt chủ quan của tội đe dọa giết người: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội là đe dọa cho nạn nhân lo sợ chứ không có ý định giết người.

Về đường lối xử lý của tội đe doạ giết người

Khung cơ bản của tội phạm này có mức phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm, được áp dụng cho các trường hợp tội không có tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại khoản 2.

Khung tăng nặng có mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm, được áp dụng cho trường hợp phạm tội có 1 trong những tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại khoản 2 điều 133 BLHS 2015, theo đó, có 5 tình tiết định khung tăng nặng đó là:

a) Đối với 2 người trở lên;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”

Xin nêu ví dụ: Vào hồi 23h05 ngày 5-4-2018, tại trước cửa số nhà 9 phố Đông Thiên, phường Vĩnh Hưng, Quận Hoàng Mai, Hà Nội, Nghiêm Xuân Tuấn sử dụng dao dài khoảng 30cm có đầu nhọn chặn đầu xe máy nhãn hiệu Honda vision màu sơn xanh, BKS: 19 K1-26873.

Tấn quát tháo và cầm dao khua khoắng trước mặt anh Phạm Tuấn Anh. Khi thấy anh Phạm Tuấn Anh sợ chạy, bỏ lại xe máy thì Tấn lấy xe máy của anh Phạm Tuấn Anh phóng đi. Khi bị anh Phạm Tuấn Anh cùng quần chúng nhân dân đuổi bắt thì Tấn đã dùng dao đe doạ đâm người đuổi bắt. 

Đến 23h30 phút ngày 5-4-2018, đồng chí Phạm Văn Chung và đồng chí Phạm Văn Đăng là Công an Phường Vĩnh Hưng nhận được tin báo và đến tiếp cận hiện trường. Lúc này, Tấn dùng tay trái túm vào cổ áo, tay phải dùng dao dí vào cổ đồng chí Đăng doạ nếu ai vào sẽ đâm chết. 

Sau đó, theo yêu cầu Tấn, đồng chí Chung đã điều khiển xe máy chở Tấn về trụ sở phường, Tấn tiếp tục túm cổ áo và dùng dao dí vào cổ đồng chí Phạm Văn Chung đe doạ đâm chết đồng chí Phạm Văn Chung. 

Như vậy, hành vi của Nghiêm Xuân Tấn đã cấu thành Tội đe doạ giết người được quy định tại khoản 3 Điều 133 với khung tăng nặng là “Đối với 2 người trở lên” và “Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”

Như vậy, trong BLHS năm 2015, qui định về dấu hiệu pháp lí của tội đe doạ giết người thì không có thay đổi so với BLHS năm 1999. Qui định về tội đe doạ giết người có một số thay đổi về đường lối xử lý hình sự, sửa đổi khung hình phạt đối với tội này như sau: Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm (trước đây là 2 năm) hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (trước đây mức phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm); bổ sung trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. 

Ngoài ra còn có một số nội dung sửa đổi về kĩ thuật. Đó là: “đối với trẻ em” được thay thế bằng “người dưới 16 tuổi”; “đối với nhiều người” được thay thế bằng “đối với 02 người trở lên”, định lượng mức hình phạt bằng chữ được thay thế bằng con số.

Tóm lại, trên cơ sở nghiên cứu về dấu hiệu pháp lí và đường lối xử lý tội đe dọa giết người theo qui định của BLHS năm 2015, chúng tôi thấy rằng, tội đe doạ giết người được ghi nhận đã xảy ra trên thực tế chiếm tỷ lệ cao và đáng kể trong nhóm các tội cố ý xâm phạm tính mạng con người. sở dĩ, các vụ phạm tội đe doạ giết người xảy ra chiếm tỉ lệ đáng kể trên thực tế như vậy một phần nguyên nhân là do mức hình phạt mà BLHS hiện hành qui định chưa đủ sức răn đe đối với xã hội. 

Như vậy, theo quy định của BLHS năm 2015, việc tăng mức hình phạt của tội đe doạ giết người lên so với qui định tại Điều 103 BLHS năm 1999 là đúng, tuy nhiên, chưa đến mức phù hợp với thực tế đấu tranh và phòng ngừa loại tội phạm này. Do đó, khi Nghiên cứu về tội đe doạ giết người theo quy định của BLHS năm 2015, tác giả kiến nghị: Về đường lối xử lý của tội đe doạ giết người, cần tăng nặng hình phạt qui định đối với tội đe dọa giết người ở cả khung cơ bản và khung tăng nặng. Cụ thể, khung cơ bản tăng hình phạt từ 2 năm đến 5 năm; Khung tăng nặng tăng lên từ 5 năm đến 10 năm để phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với tội đe doạ giết người.

Tác giả: Thạc sĩ Hoàng Tiến Minh - Khoa Luật, Học viện Cảnh sát nhân dân

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập737
  • Máy chủ tìm kiếm209
  • Khách viếng thăm528
  • Hôm nay110,266
  • Tháng hiện tại2,701,119
  • Tổng lượt truy cập150,421,595
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây