Thủ tướng: Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia là quan trọng hàng đầu!

Thứ ba - 19/09/2017 08:29
“Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia là sự nghiệp chung, là nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu trong việc duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị, ổn định bền vững với các nước láng giềng” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Chiều nay (19/9), tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị tổng kết Công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào.

Phân định lãnh thổ để khẳng định độc lập, chủ quyền

Đường biên giới Việt Nam - Lào dài hơn 2.337 km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào. Khu vực biên giới Việt Nam - Lào có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội của hai nước.

Thủ tướng: Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia là quan trọng hàng đầu!
Một cột mốc chủ quyền tại ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia

Ngày 18/7/1977, Việt Nam và Lào đã kết thúc đàm phán và ký kết “Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào” tạo cơ sở về mặt chính trị và pháp lý cho việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước.

Từ năm 2008 - 2016, hai nước phối hợp triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào nhằm nâng cao, hoàn thiện chất lượng đường biên giới giữa hai nước cả trên thực địa và hồ sơ pháp lý. Hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước hiện có 1002 cột mốc và cọc dấu tại 905 vị trí.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - cho biết, đường biên giới Việt Nam - Lào về cơ bản được định hình trong lịch sử theo ranh giới địa lý tự nhiên giữa hai nước, trải qua nhiều biến động trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 14 đến thế kỷ thứ 18 và được ổn định trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị 3 nước Đông Dương trên cơ sở ranh giới hành chính giữa các xứ trong Đông Dương. Tuy nhiên, trong thời kỳ đó, đường biên giới này chưa phải là biên giới quốc tế và thực tế cũng còn nhiều điểm chưa rõ ràng.

Theo Thủ tướng, vấn đề biên giới lãnh thổ luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào đặc biệt quan tâm, coi trọng. Chính phủ hai nước đã ký hai văn kiện pháp lý quan trọng, đó là: Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào.

Thủ tướng: Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia là quan trọng hàng đầu! - Ảnh minh hoạ 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia là sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta"

“Hai văn kiện này đánh dấu sự hoàn thành của quá trình thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Đây là sự kiện trọng đại có ý nghĩa to lớn, thể hiện sự thống nhất cao, sự tin cậy giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Công trình này là biểu hiện sinh động của mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt, toàn diện giữa 2 nước Việt Nam - Lào.” - Thủ tướng nói.

Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ là duy trì, phát triển quan hệ với láng giềng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, hiện nay, hòa bình và hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ giữa các nước trên thế giới và khu vực, nhưng sẽ có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, bạo loạn chính trị, can thiệp lật đổ ly khai; Xung đột sắc tộc, tôn giáo, các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao, việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên xảy ra ở nhiều khu vực.

“Trên Biển Đông, nước ngoài có thể sẽ tiếp tục gia tăng các hoạt động quân sự, tàu chấp pháp, tàu cá bán vũ trang để khẳng định chủ quyền theo đường “lưỡi bò”, không loại trừ xảy ra xung đột giữa các bên” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và phù hợp với luật pháp quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước và giữ vững ổn định, bảo vệ hòa bình trong khu vực.

Thủ tướng: Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia là quan trọng hàng đầu! - Ảnh minh hoạ 3
Hội nghị tổng kết công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lài, chiều 19/9, tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ ngành và 10 địa phương liên quan tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quan điểm của Đảng, quy định của Nhà nước về quản lý biên giới lãnh thổ quốc gia.

“Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia là sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, là trách nhiệm của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương. Đây cũng là nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu trong việc duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị, ổn định bền vững với các nước láng giềng” - Thủ tướng khẳng định.

Cùng đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía bạn Lào tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào.

Thủ tướng đề nghị các Bộ ngành và địa phương Việt Nam tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành và địa phương biên giới của Lào trong hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch vùng biên giới, đẩy mạnh hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các tuyến đường giao thông tại các địa phương biên giới. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của các văn bản pháp lý biên giới Việt Nam - Lào đã được ký kết, về ý nghĩa của hệ thống mốc quốc giới ở trên thực địa...

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập952
  • Máy chủ tìm kiếm130
  • Khách viếng thăm822
  • Hôm nay88,751
  • Tháng hiện tại3,414,599
  • Tổng lượt truy cập155,450,203
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây