Đề xuất Phó Chủ tịch tỉnh làm Bí thư kiêm Chủ tịch đặc khu

Thứ hai - 23/04/2018 23:39
Nêu ý kiến tại hội nghị trực tuyến của Ban Tổ chức Trung ương với Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang, đại diện 3 tỉnh dự kiến xây dựng các đặc khu kinh tế nhất trí phương án tổ chức để Bí thư Đảng ủy đặc khu làm Chủ tịch UBND. Chức danh “2 trong 1” này sẽ do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh đảm nhiệm.

Đề xuất Phó Chủ tịch tỉnh làm Bí thư kiêm Chủ tịch đặc khu
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương

Hội nghị của Ban Tổ chức Trung ương diễn ra chiều 23/4, bàn về việc xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu).

Báo cáo về mô hình chính quyền đặc khu trong dự thảo luật mới nhất do ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trình bày thể hiện, chính quyền địa phương đặc khu được xác định là một cấp chính quyền, có HĐND và UBND. HĐND đặc khu sẽ có từ 9-15 đại biểu, đa số là đại biểu chuyên trách. Không tổ chức cơ quan thường trực HĐND và các ban của HĐND.

UBND đặc khu bao gồm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch. Theo phương án của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND đặc khu sẽ do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi thống nhất với Chủ tịch UBND tỉnh, trình Thủ tướng phê chuẩn sau khi HĐND bầu.

Phó Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Chủ tịch UBND đặc khu và được Chủ tịch UBND tỉnh phê chuẩn.

Bộ máy giúp việc của HĐND và UBND gồm văn phòng giúp việc chung và các cơ quan chuyên môn (không quá 7 cơ quan như ban Tổ chức và quản lý nhân lực; ban Kinh tế; ban Phát triển hạ tầng; ban Chính sách xã hội; ban Thanh tra – Kiểm tra; ban Tài nguyên và môi trường; ban Tuyên truyền vận động) và Trung tâm hành chính công đặc khu.

Về hệ thống chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đưa ra phương án thành lập Đảng bộ đặc khu là Đảng bộ cấp huyện trực thuộc Đảng bộ tỉnh.

Ban chấp hành Đảng bộ được cơ cấu từ 21- 27 người, gồm Thường trực đảng ủy, HĐND, UBND; Thủ trưởng cơ quan quân sự, biên phòng, công an, tòa án, VKS và người đứng đầu cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp việc của cấp ủy, chính quyền; chủ tịch mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, bí thư đoàn thanh niên và một số trưởng khu hành chính.

Ban thường vụ đảng ủy không quá 7-9 người.

Đáng chú ý nhất, Ban Tổ chức Trung ương đưa ra 2 phương án bố trí nhân sự làm Bí thư Đảng ủy đặc khu, đồng thời là Chủ tịch HĐND đặc khu, là Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy; hoặc Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND đặc khu, là Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Nếu Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND đặc khu thì bộ máy đặc khu sẽ có 1 Phó Bí thư là Phó Chủ tịch phụ trách an sinh xã hội và xây dựng hệ thống chính trị...

Từ góc nhìn của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc ủng hộ phương án 2, đề nghị tổ chức theo hướng Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND đặc khu, như Quảng Ninh hiện đang làm.

“Nếu Bí thư mà không là Chủ tịch UBND thì bộ máy vẫn như cũ, không có gì đặc biệt cả. Khi Bí thư là Chủ tịch UBND đặc khu rồi thì đề nghị có 1 Phó Bí thư là Chủ tịch HĐND kiêm công tác tổ chức đảng và hệ thống chính trị luôn” - ông Đọc kiến nghị.

Bí thư Quảng Ninh không tán thành với đề xuất Chủ tịch UBND đặc khu do Bộ trưởng Bộ Nội vụ giới thiệu mà cho rằng nhân sự này nên do Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu vì những người ở cơ sở nắm chắc tình hình địa phương hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang và Phó Bí thư thường trực Kiên Giang Đặng Tuyết Em cũng ủng hộ phương án tổ chức Bí thư đặc khu đồng thời là Chủ tịch UBND.

Ông Lê Thanh Quang cho rằng, trưởng đặc khu phải do Ban thường vụ Tỉnh ủy nghiên cứu, đề xuất Bộ Nội vụ thẩm định năng lực, tiêu chuẩn rồi mới trình Thủ tướng cho phép HĐND đặc khu bầu. Sau đó Thủ tướng lại nắm quyền phê chuẩn chức danh này.

Bên cạnh đó, ông Quang cũng đề nghị cần phải có phương án giải quyết cán bộ dôi dư và bổ sung cán bộ đủ trình độ ngay khi luật có hiệu lực, vì theo rà soát, huyện Vạn Ninh nơi dự kiến xây dựng đặc khu sẽ dư ra gần 200 cán bộ.

Đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, UB Trung ương MTTQ cũng ủng hộ phương án Bí thư kiêm Chủ tịch UBND đặc khu.

Kết luận hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính khái quát, các ý kiến đã đi tới thống nhất rất cao, không có khó khăn gì.

“Tổ chức Đảng theo hướng có đảng bộ cơ sở và trên cơ sở. Bí thư cấp ủy, chúng ta cơ bản tán thành là Chủ tịch đặc khu, không ai phản đối cả. Theo đó, một Phó Bí thư sẽ kiêm Chủ tịch HĐND, 1 Phó Bí thư kiêm công việc bên chính quyền” – ông Chính nói.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng lưu ý, khối MTTQ và đoàn thể chính trị xã hội cân nhắc cho uyển chuyển, không quá cứng nhắc mô hình cứ phải tổ chức chính quyền ghép với tổ chức đảng.

Ông Chính cũng cho rằng, nhân sự đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND đặc khu nên quy định do địa phương đề xuất và cơ quan trung ương thẩm định. Thống nhất tổ chức chung văn phòng đặc khu phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp uỷ, hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, UBND đặc khu…

Cơ cấu tổ chức bộ máy, theo đó, cơ bản là đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cách thức hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Trưởng Ban tổ chức Trung ương nhấn mạnh nguyên tắc không để trống quyền lực. Theo đó, cần chuẩn bị sao để chính quyền cũ phải tổ chức bầu được chính quyền mới.

Chuyển giao một cách êm thấm, không có xáo trộn, không ảnh hưởng đến an sinh xã hội, các hoạt động của Đảng, chính quyền.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập736
  • Máy chủ tìm kiếm106
  • Khách viếng thăm630
  • Hôm nay104,033
  • Tháng hiện tại3,429,881
  • Tổng lượt truy cập155,465,485
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây