HOICHOTHUONGMAI

Chính phủ quy định việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài

Thứ ba - 21/11/2017 22:21
Theo Luật Thuỷ sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua chiều 21/11, Chính phủ sẽ quy định việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chính phủ quy định việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài
Nuôi trồng thuỷ sản trên biển (Ảnh minh hoạ).

Chiều 21/11, đa số đại biểu Quốc hội đã đồng ý thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Việc cấp phép cho người nước ngoài nuôi trồng thuỷ sản trên biển đã được Luật Thuỷ sản (sửa đổi) thể hiện tại Điều 39, giao Chính phủ quy định chi tiết nhưng lưu ý trước khi quy định, Chính phủ phải báo cáo, được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cụ thể, UBND cấp tỉnh cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam trong phạm vi vùng biển từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 6 hải lý thuộc phạm vi quản lý.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam trong khu vực biển ngoài 6 hải lý, khu vực biển giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý.

Chính phủ quy định việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Điều 44 và Điều 46 Luật Thuỷ sản (sửa đổi) cũng đã điều chỉnh tương thích nhằm có thể huy động được nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao và hiện đại vào phát triển nuôi thủy sản xa bờ, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế biển của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời vẫn bảo đảm được quốc phòng, an ninh.

Về khai thác thủy sản, nhằm tăng cường tính răn đe, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng cũng như khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) và thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật đã đưa ra hàng loạt hành vi được coi là khai thác thuỷ sản bất hợp phát tại Điều 60: Khai thác thủy sản không có giấy phép; khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm; khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác; khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định…

Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại khoản Điều 60 Luật Thuỷ sản (sửa đổi) thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đồng thời luật mới được Quốc hội thông qua đã bổ sung mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản quy định tại điểm d Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính như sau: “Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thủy sản đối với cá nhân là 1.000.000.000 đồng”, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Kiểm ngư được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ

Theo Luật Thuỷ sản (sửa đổi), hệ thống Kiểm ngư bao gồm sẽ bao gồm Kiểm ngư Trung ương và Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương. Chính phủ quy định chi tiết hệ thống Kiểm ngư, quản lý nhà nước, chế độ, chính sách đối với Kiểm ngư.

Kiểm ngư viên là công chức được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm ngư viên; được cấp thẻ kiểm ngư, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu Kiểm ngư và trang thiết bị chuyên dụng.

Kiểm ngư viên có quyền hạn, trách nhiệm yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện và trang thiết bị chuyên dụng theo quy định của pháp luật.

Khi thi hành công vụ, Kiểm ngư phải mặc trang phục, mang phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu Kiểm ngư theo quy định và phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập510
  • Máy chủ tìm kiếm103
  • Khách viếng thăm407
  • Hôm nay79,690
  • Tháng hiện tại2,670,543
  • Tổng lượt truy cập150,391,019
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây